Mối quan tâm lớn...

25/08/2016 04:00

(Pháp lý) - Ngay sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp xúc cử tri. Một trong những nội dung quan trọng cử tri quan tâm và các vị lãnh đạo bày tỏ quyết tâm cao, đó chính là công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Quyết tâm cao...

Đánh giá về tình trạng tham nhũng, tiêu cực hiện nay có người nói: Đã đến lúc không thể lùi bước được nữa rồi. Sự suy thoái, biến chất, cửa quyền, kéo bè, kéo cánh, chạy chức, chạy quyền, chạy tội; nạn đồng hương đồng khói, họ mạc; đưa con, đưa cháu vào các vị trí bất chấp họ có làm được việc hay không; vơ vét của công, sách nhiễu người dân… đang trở thành những căn bệnh vô cùng nguy hại, phát tán không chỉ ở cấp địa phương mà cả ở Trung ương; không chỉ ở những cán bộ cấp dưới mà cả cán bộ cấp cao. Những căn bệnh này đang làm xói mòn lòng tin của người dân vào Đảng. Chính vì vậy, trong các cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, các cử tri đều bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

[caption id="attachment_146727" align="aligncenter" width="410"]Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri TP Hà Nội Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri TP Hà Nội[/caption]

 

Chia sẻ những băn khoăn lo lắng của cử tri về tệ nạn quan liêu tham nhũng lãng phí, tại buổi tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội ngày 6/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết mặc dù vừa qua đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng đây là cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp, dai dẳng, khó khăn, liên quan đến lợi ích, danh dự của mỗi con người, mỗi tổ chức, đặc biệt là lợi ích bây giờ chằng chịt với nhau, chưa kể bên ngoài khía vào.

Tổng Bí thư khẳng định: “Đảng, Nhà nước ta quyết tâm làm, coi đây là nhiệm vụ để làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy Nhà nước, vừa qua đã làm được một số vụ án lớn, bây giờ tiếp tục đưa ra xét xử một số vụ án lớn nữa, như vụ án Phạm Công Danh và đồng bọn…; phải quyết tâm làm, có bước đi chắc chắn, thận trọng, hiệu quả, giữ vững ổn định để phát triển đất nước…

Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về công tác cán bộ, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Công tác cán bộ là gốc của mọi vấn đề, mọi việc thành hay bại là do cán bộ. Nếu nói công tác xây dựng Đảng là then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đường lối hay bao nhiêu, chủ trương chính sách đúng bao nhiêu, nhưng nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu, thậm chí làm sai lệch, thì cũng không thực hiện được…”

Chung quanh việc thực thi pháp luật, Chủ tịch nước nhấn mạnh, chủ trương của chúng ta là xây dựng một xã hội mọi người đều sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh, công bằng. Muốn vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri quận 1, TP Hồ Chí Minh, cho biết, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Công tác đấu tranh tham nhũng, lãng phí cần có đội ngũ bản lĩnh, quyết tâm cao không chịu áp lực từ bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là cuộc chiến đầy cam go. Với cương vị là Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước sẽ làm hết trách nhiệm để góp phần đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.

Tiếp xúc cử tri Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo phải dũng cảm, đương đầu, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chính phủ kiến tạo còn phải là một mô hình Chính phủ hiệu quả, tinh gọn và liêm chính từ trung ương đến các cấp chính quyền địa phương. Chính phủ kiến tạo phải sử dụng tốt từng đồng thuế của người dân, vận dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ phát triển.

“Chính phủ liêm chính, kiến tạo phải là một Chính phủ không có tham nhũng, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp” - Thủ tướng nêu rõ.

Trả lời ý kiến của cử tri huyện Phong Điền, Cần Thơ về phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, ý kiến đóng góp của cử tri là rất xác đáng và cho biết, trong bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào, đi đâu người dân cũng rất quan tâm đến phòng chống tham nhũng.

[caption id="attachment_146728" align="aligncenter" width="410"]Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời rất thẳng thắn một số ý kiến của cử tri TP Cần Thơ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời rất thẳng thắn một số ý kiến của cử tri TP Cần Thơ[/caption]

 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đang chỉ đạo điều tra, làm rõ vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, vụ án Phạm Công Danh và một số vụ khác; cùng với đó cũng sẽ xem xét lại những công trình gây lãng phí, đang "đắp chiếu", việc sản xuất gây thua lỗ vốn nhà nước để đánh giá và truy cứu trách nhiệm những cá nhân, tổ chức gây ra.

Cũng về vụ Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư nói vụ việc Trịnh Xuân Thanh chỉ là một ví dụ, và vụ việc này liên quan đến nhiều thứ, cần có bước đi chắc chắn, thận trọng hiệu quả và giữ được ổn định.

Có thể thấy các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước với tư cách Đại biểu Quốc hội đều rất trăn trở về công tác phòng chống tham nhũng hiện nay, đồng thời thấy rõ mối quan tâm sâu sắc của cử tri đối với vấn đề mang tính quốc nạn này. Có một điểm thống nhất của các vị lãnh đạo, dù cách diễn đạt khác nhau, đó là “không có vùng cấm” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Mới đây, phát biểu kết luận Phiên họp thứ 10 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo phải có kế hoạch, kiên trì, kiên quyết, làm bền bỉ, bài bản, đúng luật pháp, đúng quy định của Đảng, đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng vai của mình. Từng thành viên Ban Chỉ đạo phải gương mẫu, giữ gìn phẩm chất cho trong sáng…phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân… Ban Chỉ đạo cũng kiểm tra lẫn nhau xem ai làm tốt, ai không làm tốt; phối hợp thật tốt, đoàn kết, thống nhất với nhau, thật tâm huyết, làm hết trách nhiệm của mình.

Ngay sau khi được Quốc hội khóa XIV tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021, trả lời câu hỏi về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trước diễn biến tham nhũng, lãng phí đang diễn ra nghiêm trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định ưu tiên về tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách tư pháp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngành tư pháp.

Triển khai không đơn giản

Tuy nhiên, vấn đề người dân quan ngại là từ chủ trương, đường lối và quyết tâm đó, làm thế nào để cuộc chiến chống tham nhũng có hiệu quả thật sự mà mạnh mẽ hơn nữa.

Bởi những hành vi tham nhũng được nhận diện hiện nay là rất đa dạng, phổ biến. Đó là hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy án; dùng tài sản công để biếu xén, hối lộ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của nhân dân; lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho tổ chức, cá nhân để vụ lợi, thu vén quyền lợi cá nhân; lập quỹ trái phép, sử dụng ngân sách không đúng quy định để hưởng lợi. Các hành vi tham nhũng, lãng phí đã và đang xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và sử dụng ngân sách, thuế, ngân hàng, hải quan, xuất nhập khẩu, tư pháp, giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội trong quản lý hành chính, công tác xã hội...

[caption id="attachment_146729" align="aligncenter" width="410"]Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng[/caption]

 

Về quy mô của tham nhũng thì có đủ loại, đủ mức độ tham nhũng của cá nhân, của tập thể; tham nhũng không có tổ chức và tham nhũng có tổ chức gồm nhiều đối tượng tham gia. Những thiệt hại do tham nhũng gây ra rất lớn, có vụ tham nhũng về kinh tế làm thiệt hại cho Nhà nước, nhân dân tới hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng; làm thoái hóa, biến chất hàng loạt cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Cái thiệt hại đáng kể hơn, nặng nề hơn là tham nhũng đã làm xấu chế độ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào tương lai của một chế độ tốt đẹp mà Đảng ta đang phát động xây dựng.

Thực tế cũng cho thấy các biện pháp phòng, chống tham nhũng đã được triển khai toàn diện, thường xuyên, đợt này nối tiếp đợt khác, nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được sử dụng, như biện pháp hành chính, kinh tế, giáo dục - cảm hoá, trừng trị bằng pháp luật.

Tuy vậy, tình hình tham nhũng ở nước ta vẫn không giảm. Sự chênh lệch mức sống giữa người có chức có quyền và dân cư trong khu vực ngày một xa nhau, nhiều dinh cơ tòa ngang dãy dọc của quan chức gây chướng mắt đối với người dân với câu hỏi: Lương bao nhiêu mà giàu có như vậy?!

Tài sản đó liệu có chứng minh được là trong sạch?

Với quyết tâm cao từ phía lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cử tri cả nước có thêm động lực, niềm tin vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang hết sức trầm trọng hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh quyết tâm và các biện pháp truyền thống chưa phát huy được hiệu quả, Đảng và Nhà nước cần có những biện pháp đồng bộ hơn nữa, làm sao để cán bộ, công chức, quan chức không dám tham nhũng và có muốn cũng không thể tham nhũng. Nếu chưa giải được bài toán này thì việc ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng vẫn chỉ là mơ ước...

Bảo Chân

Bạn đang đọc bài viết "Mối quan tâm lớn..." tại chuyên mục Bài nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin