Luật sư phân tích các khía cạnh hình sự, dân sự và kinh tế vụ nguồn nước Sông Đà bị “ đầu độc”

22/10/2019 11:42

(Pháp lý) - Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đã quyết định khởi tố vụ án về Tội gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235 Bộ luật Hình sự để điều tra làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng thực hiện việc xả thải ra môi trường. Tuy nhiên theo quan điểm của Luật sư. Ts Nguyễn An (Hãng Luật Cộng Đồng) : phạm vi giải quyết vẫn có thể được mở rộng, cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị sản xuất và đơn vị cung cấp nước khi biết việc nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng nhưng không có cảnh báo và phương án xử lý kịp thời mà vẫn vì lợi nhuận tiếp tục cung cấp nước cho khách hàng.

 Nguồn nước cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu
Nguồn nước cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu)

LS . An cũng cho rằng: trong trường hợp, Cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền nếu quyết định khởi tố vụ án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như một số ý kiến luật sư đã phân tích, thì việc giải quyết trách nhiệm dân sự của vụ việc sẽ được giải quyết cùng với vụ án hình sự mà không cần thiết phải tiến hành khởi kiện bởi một vụ án dân sự khác. Còn nếu việc khởi tố không liên quan đến công ty cung cấp nước sạch, khách hàng vẫn có thể khởi kiện dân sự.
Trong những vụ việc tương tự như vụ này rất cần sự thể hiện vai trò rõ ràng hơn của cơ quan chức năng cũng như các tổ chức xã hội. Cụ thể là UBND TP. Hà Nội – đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về mức độ an toàn mọi mặt cho người dân Thủ đô.

Không được thương lượng, hòa giải mà phải đưa ra tòa án giải quyết

Phóng viên: Luật sư đánh giá thế nào về việc hàng nghìn hộ dân TP.Hà Nội phải dùng nước sạch bị ô nhiễm?

Luật sư. Ts Nguyễn An: Rõ ràng đây không phải là nước sạch cung cấp cho người dân theo hợp đồng đã ký kết giữa đơn vị cung cấp nước và người dân. Do đó, các công ty liên quan đã vi phạm các và nghĩa vụ đã cam kết với khách hàng phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân.

Vụ việc cho thấy công ty này rất vô trách nhiệm, thờ ơ với chính sức khỏe của người dân. Toàn bộ sự cố cũng thể hiện yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời là sự vô trách nhiệm từ công tác báo cáo cho tới lãnh đạo của Công ty Viwasupco.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng ghi nhận: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng”.

Ai sẽ phải bồi thường cho những thiệt hại của người dân, thưa luật sư?

Thứ nhất, trong quan hệ về cung cấp nước sạch các giao dịch được xác lập gồm có: giữa Công ty nước sạch Sông Đà (đơn vị sản xuất) với các công ty cung cấp nước sạch (đơn vị phân phối), không giao dịch trực tiếp với khách hàng; các công ty cung cấp nước sạch với khách hàng (cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức). Các giao dịch này được xác lập trên cơ sở Hợp đồng giữa các bên của hợp đồng.

Luật sư Nguyễn An (Hãng Luật Cộng Đồng) trao đổi với PV Pháp lý
Luật sư Nguyễn An (Hãng Luật Cộng Đồng) trao đổi với PV Pháp lý)

Do đó, khi có thiệt hại thực tế xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên trong hợp đồng đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật có liên quan. Tức là, khi khách hàng bị thiệt hại (về tính mạng, sức khỏe, kinh tế), trước hết trách nhiệm bồi thường là của công ty cung cấp nước sạch, bởi trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước đã cam kết rất rõ về đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch với chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật do Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Mà cụ thể trong vụ việc này cần đối chiếu với QCVN 01:2009/BYT ban hành theo Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế. Theo đó, kết quả kiểm nghiệm thực tế cho thấy hàm lượng Styren vượt quá 2-3 lần cho phép. Chất lượng nguồn nước vậy là không phù hợp với cam kết tại Hợp đồng dịch vụ cấp nước.

Tuy nhiên, Công ty nước sạch Sông Đà là đơn vị sản xuất nước sạch cũng không thể tránh khỏi trách nhiệm liên đới. Và trách nhiệm của Công ty nước sạch Sông Đà và công ty cung cấp nước sạch đến đâu còn tùy thuộc vào mức độ lỗi của từng bên. Căn cứ quy trình giám sát, kiểm tra trước khi đưa nước vào sử dụng, cam kết cụ thể trong hợp đồng giữa công ty nước sạch Sông Đà và các công ty cung cấp nước sạch để làm rõ mức độ lỗi và trách nhiệm bồi thường tương ứng với thiệt hại mà khách hàng phải gánh chịu.

Thứ hai, căn cứ hợp đồng dịch vụ cung cấp nước sạch (theo mẫu), các bên không thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng mà chỉ có điều khoản về bồi thường thiệt hại. Do đó, chế tài phạt vi phạm hợp đồng sẽ không được đặt ra ở đây. Trên cơ sở nguyên tắc đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại thực tế xảy ra. Khách hàng khi thương lượng, hòa giải hay khi khởi kiện yêu cầu bồi thường phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại thực tế để làm cơ sở tính mức bồi thường cụ thể.

Vậy trong vụ việc này, người dân cần làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình?

Thứ nhất, với mong muốn giải quyết thỏa đáng quyền lợi của mình, thông thường khách hàng có thể lựa chọn 1 trong 2 hoặc kết hợp cả 2 phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng như sau: Thương lượng, Hòa giải; Trọng tài hoặc Tòa án.

Kết hợp cả hai phương thức là khi các bên không thể thỏa thuận được với nhau về mức và cách thức bồi thường thì sẽ thực hiện tố tụng trọng tài hoặc tố tụng tòa án để giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, vụ việc xảy ra lại có tính chất đặc thù là hành vi vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng.

Theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại khoản 2 Điều 30, thì không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp này.

Nếu khởi kiện ra tòa án, khách hàng sẽ là nguyên đơn còn bị đơn là công ty cung cấp nước sạch và Công ty nước sạch Sông Đà là người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án về Tranh chấp hợp đồng dịch vụ cấp nước.

Thứ hai, theo thông tin mới nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đã quyết định khởi tố vụ án về Tội gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235 Bộ luật Hình sự, để điều tra làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng thực hiện việc xả thải ra môi trường. Phạm vi giải quyết vẫn có thể được mở rộng, làm rõ trách nhiệm của đơn vị sản xuất và đơn vị cung cấp nước khi biết việc nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng nhưng không có cảnh báo và phương án xử lý kịp thời mà vẫn vì lợi nhuận tiếp tục cung cấp nước cho khách hàng.

Trong trường hợp, Cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền nếu quyết định khởi tố vụ án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như một số ý kiến đã phân tích, thì việc giải quyết trách nhiệm dân sự mà chúng ta đang đề cập tại đây sẽ được giải quyết cùng với vụ án hình sự mà không cần thiết phải tiến hành khởi kiện bởi một vụ án dân sự khác. Còn nếu việc khởi tố không liên quan đến công ty cung cấp nước sạch, khách hàng vẫn có thể khởi kiện dân sự.

Có thể khởi kiện tập thể hay không, ai sẽ là người đứng đơn ?

Nếu khởi kiện thì số lượng đơn khởi kiện trong trường hợp này sẽ rất lớn có thể dẫn đến việc tòa án sẽ rơi vào tình trạng quá tải. Vậy, trong trường hợp này có thể khởi kiện tập thể hay không?

Pháp luật hiện nay chưa có khái niệm “khởi kiện tập thể”, nhưng xem xét về mặt bản chất thì việc “Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng khởi kiện một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án” (khoản 2 Điều 188 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015), có thể xem đó là một hình thức khởi kiện tập thể với ý nghĩa nhiều người kiện chung một tổ chức đã gây thiệt hại cho mình.

Như vậy, làm chung đơn khởi kiện sẽ được thực hiện và đánh giá ra sao?

Ai cũng biết sự việc đã gây thiệt hại cho nhiều người do hành vi cung cấp chất lượng nước dưới tiêu chuẩn cho phép. Như vậy, dù một hay nhiều người khởi kiện công ty cung cấp nước sạch thì vụ này vẫn có hai cái chung: chung bị đơn, chung quan hệ pháp luật cần giải quyết là tranh chấp hợp đồng về bồi thường thiệt hại do vi phạm cam kết chất lượng nước; chỉ có tính chất, mức độ thiệt hại và yêu cầu bồi thường của mỗi người khởi kiện là khác nhau.

Do đó, nếu có hàng trăm, hàng ngàn người khởi kiện cùng một lúc thì các đương sự có quyền áp dụng Điều 188 nói trên để cùng có chung đơn khởi kiện gửi đến TAND có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết trong cùng một vụ án. Hoặc mỗi người khởi kiện có thể làm riêng một đơn khởi kiện và trong đơn đó nêu rõ các yêu cầu cần tòa án giải quyết và chứng minh thiệt hại ngoài hợp đồng của mỗi hộ riêng.

Để tránh rơi vào tình trạng quá tải, theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.

Và sau khi những đơn khởi kiện đó được tòa án có thẩm quyền thụ lý và nhập vụ án, các nguyên đơn có quyền tự mình hay ủy quyền cho một hay nhiều người khác tham gia tố tụng để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn.

Ngoài việc mỗi người dân tự mình khởi kiện, Pháp luật hiện nay có quy định về cơ quan hay tổ chức nào đó đứng ra đại diện người dân khởi kiện? điều kiện để các đơn vị này đứng ra khởi kiện ?

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ban hành thay thế Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) với nhiều điểm đổi mới tích cực, một trong số đó là cụ thể hóa, quy định để phù hợp với điểm b khoản 1 Điều 28 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 về việc tham gia đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công công của tổ chức xã hội.

Theo đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã ghi nhận quyền của Tổ chức xã hội được vì lợi ích công cộng tự mình khởi kiện hoặc đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện tại khoản 3 Điều 187 và khoản 3 Điều 188.

Rất đông người dân chờ lấy nước sinh hoạt
Rất đông người dân chờ lấy nước sinh hoạt)

Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải Tổ chức xã hội thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động theo điều lệ được tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Và Hội bảo vệ người tiêu dùng được thành lập với tôn chỉ, mục đích đó.

Điều kiện của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quyền tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, được quy định cụ thể tại Điều 24 Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như sau: “Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quyền tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng khi có đủ các điều kiện sau đây: 1. Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật; 2. Có tôn chỉ, mục đích hoạt động vì quyền lợi của người tiêu dùng hoặc vì lợi ích công cộng liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng; 3. Có thời gian hoạt động tối thiểu là ba (03) năm tính từ ngày tổ chức xã hội được thành lập đến ngày tổ chức xã hội thực hiện quyền tự khởi kiện; 4. Có phạm vi hoạt động từ cấp tỉnh trở lên.”

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội khi tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, đối với vụ án do người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội khởi kiện bảo vệ người tiêu dùng có điểm khác biệt về nghĩa vụ chứng minh so với các dạng tranh chấp khác, đó là: - Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; - Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để quyền lợi của người dân được đảm bảo, luật sư có kiến nghị gì?

Ở góc độ vừa là công dân chịu ảnh hưởng bởi nước bẩn, vừa là chuyên gia về luật, tôi cho rằng việc khởi kiện hết sức khó khăn. Mỗi gia đình có thiệt hại và là một nguyên đơn riêng, việc chứng minh thiệt hại không dễ dàng. Quy trình tiến hành tố tụng từ thu thập chứng cứ, làm đơn khởi kiện, thụ lý, giải quyết, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm kéo rất dài. Trong khi giá trị yêu cầu bồi thường thiệt hại rất nhỏ, thì thiệt hại về mặt sức khỏe, tinh thần rất khó đo lường, lại có tác động lâu dài.
Trong những vụ việc tương tự như vụ này rất cần sự thể hiện vai trò rõ ràng hơn của cơ quan chức năng cũng như các tổ chức xã hội. Cụ thể là UBND TP. Hà Nội – đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về mức độ an toàn mọi mặt cho người dân Thủ đô; Hội bảo vệ người tiêu dùng TP. Hà Nội.

Trân trọng cảm ơn Luật sư !

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ban hành thay thế Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) với nhiều điểm đổi mới tích cực, một trong số đó là cụ thể hóa, quy định để phù hợp với điểm b khoản 1 Điều 28 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 về việc tham gia đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công công của tổ chức xã hội.

Theo đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã ghi nhận quyền của Tổ chức xã hội được vì lợi ích công cộng tự mình khởi kiện hoặc đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện tại khoản 3 Điều 187 và khoản 3 Điều 188.

Đinh chiến (ghi)

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Luật sư phân tích các khía cạnh hình sự, dân sự và kinh tế vụ nguồn nước Sông Đà bị “ đầu độc”" tại chuyên mục An ninh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin