Luật gia, Tiến sĩ. Nguyễn Thị Sơn: Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB để lại nhiều bài học pháp lý cho doanh nghiệp và công tác kiểm soát cán bộ, quản lý tổ chức tín dụng.

13/04/2024 13:03

(Pháp lý). Công tác tố tụng đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB đã tạm thời khép lại ở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án ở giai đoạn 1. Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo với mức hình phạt nghiêm khắc.

Trao đổi nhanh với TCPL sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, Luật gia, Tiến sĩ. Nguyễn Thị Sơn (Viện Trưởng Viện Khoa học Pháp lý và kinh doanh quốc tế) cho rằng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB không chỉ để lại nhiều bài học về quản trị, pháp lý cho doanh nghiệp mà đặc biệt còn để lại nhiều bài học cho công tác kiểm soát cán bộ, quản lý tổ chức tín dụng.

 

Những hình ảnh

Bị cáo Trương Mỹ Lan (áo trắng) và bị cáo Đỗ Thị Nhàn (áo vàng) tại phiên tòa

 

Phóng viên: Thưa Bà, là một Luật gia, nhà khoa học đã có nhiều chục năm chuyên nghiên cứu các vấn đề khoa học pháp lý, chắc suốt thời gian qua Bà dõi theo quá trình tố tụng vụ đại án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB. Với những gì được CQĐT kết luận và kết quả các phiên tranh tụng, xét xử các bị cáo, Bà có suy nghĩ đánh giá thế nào về vụ án ?

TS. Nguyễn Thị Sơn: Qua theo dõi phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) và đặc biệt với người chịu trách nhiệm chính của Tập đoàn VTP là bà Trương Mỹ Lan (TML) tôi đã hai lần đặt câu hỏi trên trang FB của tôi.

Một là: tại sao hoạt động kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rất nổi bật và nổi tiếng trong nhiều năm trời mà các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng nhà nước không phát hiện, để đến nỗi bây giờ hậu quả xảy ra là số nợ khó có khả năng thu hồi lên đến con số quá khủng khiếp.

Hai là: Bà Trương Mỹ Lan là một phụ nữ mà ai cũng biết tiếng là giàu có, là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty thuộc hệ sinh thái của VTP. Thế mục tiêu và chiến lược kinh doanh của VTP với mục đích gì mà các tài sản quy mô rất lớn, những cao ốc ở những Trung tâm thuộc các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Chợ Lớn cũng được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại (thâu tóm những nơi rất đắc địa). Mua xong hầu như không khai thác kinh doanh, hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Liệu rằng có yếu tố người nước ngoài đầu cơ hay một dạng đầu tư chui gì ở đây không?

Nhưng cho đến khi kết thúc phần tranh luận ở phiên tòa, tôi thấy kết quả rõ ràng hơn cho câu hỏi một của tôi: bà TML và các cán bộ chủ chốt của ngân hàng SCB đã cố tình làm sai trong quá trình điều hành và quản lý ngân hàng SCB. Vì thế, với chức năng kiểm tra chuyên môn hoạt động tài chính tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì bà Nhàn và các cán bộ thuộc cấp của bà Đỗ Thị Nhàn đã bị bà TML và những người có trách nhiệm ở SCB khống chế bịt miệng bằng tiền và rất nhiều tiền, dẫn đến báo cáo không trung thực, bỏ qua các sai phạm của TML, VTP và SCB, thì làm sao hệ thống quản lý nhà nước cấp cao hơn kiểm soát được.

Ở thắc mắc thứ hai của tôi. Trong quá trình theo dõi phiên tòa xét xử liên quan sai phạm của bà TML, theo dõi dòng tiền luân chuyển của SCB và các công ty thuộc VTP theo sự chi phối của TML, tôi không thấy nêu yếu tố của dòng tiền từ nước ngoài đầu tư vào VTP. Ngay cả Toà nhà Times Square do ông Chu Lập Cơ đầu tư 100% vốn nước ngoài cũng không thấy nhắc đến dòng tiền từ đâu đầu tư vào Times Square. Như thế tôi cho rằng có vẻ như không hề có yếu tố người nước ngoài đầu tư chui, hay yếu tố khác ở đây (cũng có thể cơ quan điều tra chưa công bố chăng).

Vậy những sai phạm lớn nhất của bà TML, VTP, và SCB là gì?

1. Khi cơ cấu lại Vốn Điều lệ trong việc sáp nhập 3 ngân hàng yếu kém để thành lập SCB. Bà Lan biết quy định về vốn của ngân hàng, một cá nhân không đầu tư quá 5 % vốn điều lệ của ngân hàng. Bà Lan có thể đã kêu gọi người quen, người thân, bạn bè cùng góp vốn, hoặc bà Lan có thể nhờ người khác đứng tên mua dùm cổ phần để bà Lan có thực quyền chi phối ngân hàng SCB. Tôi cho rằng sai phạm này không ở khung hình phạt tử hình.

2. Khi Bà Lan muốn thâu tóm, mua lại một tài sản đẹp nào đó, bà Lan yêu cầu SCB phải làm thủ tục cho vay mặc dù chưa đủ hồ sơ đảm bảo khoản vay, chưa đủ điều kiện vay vốn, nhưng bà Lan vẫn sử dụng quyền lực của mình để ép ngân hàng SCB cho vay theo ý muốn chủ quan của bà Lan. Bà Lan đã phạm vào tội lộng quyền lạm dụng ảnh hưởng của người có quyền, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng (không có khả năng thanh toán khi đáo hạn nợ vay). Tội này không nằm trong khung hình phạt tử hình.

3. Khi làm hồ sơ vay vốn cho một dự án nào đó, ngân hàng SCB duyệt dự án và làm thủ tục cho vay, nhưng bà Lan không dùng số tiền vay để thực hiện dự án mà dùng tiền vay lần sau để trả nợ lần trước. Như thế là sai với quy chế của ngân hàng, sử dụng tiền không đúng mục đích. Tội hình sự là “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”. Tội này không nằm trong khung hình phạt tử hình.

4. VTP mua các tài sản lớn, rồi cho định giá lại, nâng giá trị tài sản rồi bán lại cho các công ty con, công ty mới lập ra chỉ để làm giao dịch mua lại tài sản của chính VTP hay của Bà TML với giá cao hơn thực tế để được vay vốn ngân hàng với số tiền lớn hơn giá trị thực của tài sản. Như thế là phạm tội “lừa đảo”. Bà Lan phạm tội có tổ chức, lặp đi lặp lại nhiều lần (nhiều dự án vay tương tự như thế).

5. Bà Lan dùng uy tín và quyền lực, tiền bạc để cho tiền cấp dưới, mua chuộc, cho tiền cán bộ nhà nước để khai thác lòng tham, lòng biết ơn của họ mà buộc họ phải phục tùng theo sự chỉ đạo sai trái của bà Lan. Rõ ràng đây là Tội hối lộ. Tất cả những người nhận hối hộ của bà Lan đều đã nộp lại tiền khắc phục hậu quả.

6. Bà Lan bị buộc tội THAM Ô dẫn đến bị tử hình. Tôi nghĩ rằng bà ấy nhiều tham vọng dẫn đến tham lam, lợi dụng tín nhiệm, lợi dụng quyền lực trở thành lừa đảo.

Bị cáo Trương Mỹ Lan ( áo trắng) tại phiên tòa ( chiều ngày 11.4)

 

Phóng viên: Với số thiệt hại cực khủng mà bị cáo Trương Mỹ Lan gây ra, để lại hậu quả nặng nề đối với không chỉ ngân hàng SCB và với "núi" tài sản được Tòa tuyên trong vụ đại án này, theo bà tiếp theo đây cơ quan bảo vệ pháp luật cần có những biện pháp đặc biệt nào để có thể thu hồi cao nhất có thể ???

TS. Nguyễn Thị Sơn: Theo Luật Doanh nghiệp, Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, các cổ đông đều có trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn góp của mình. Về pháp lý, Bà TML chỉ sở hữu 5 % Vốn Điều lệ của SCB. Nếu NHNN có chủ trương cho SCB còn tồn tại, thì các cổ đông còn lại nên bình tĩnh ngồi lại bầu chủ tịch HĐQT và bổ nhiệm CEO của Ngân hàng SCB. Những khoản vay của Các Công ty thuộc VTP hãy xem họ có pháp nhân độc lập, cho vay bao nhiêu, thế chấp Tài sản nào, cho họ có quyền phát mãi cùng với SCB để thu hồi nợ cho SCB, SCB cam kết trả những khoản nợ đáo hạn của các Sổ Tiết kiêm cho người dân, trả những khoản trái phiếu đến hạn do SCB phát hành.

Phóng viên: Từ vụ đại án đặc biệt nghiêm trọng này, theo Bà chúng ta cần đặt ra những bài học nào đối với doanh nghiệp và công tác quản lý của cơ quan chức năng?

TS. Nguyễn Thị Sơn: Thời gian qua xảy ra những vụ án nghiêm trọng như VTP, AIC, THM, FLC…Các doanh nghiệp này đều có cách làm giống nhau là cố tình vi phạm các qui định pháp luật. Tôi thấy các cơ quan điều tra, tố tụng, xét xử có nghiệp vụ pháp lý cao, tôn trọng ý kiến tranh luận của luật sư.

Tôi cho rằng các vụ án trên không chỉ để lại nhiều bài học về quản trị, pháp lý cho doanh nghiệp mà đặc biệt còn để lại nhiều bài học đau xót cho công tác kiểm soát cán bộ, công tác quản lý tổ chức tín dụng.

Đối với mỗi doanh nghiệp đều phải rút ra cho mình một bài học. Ai cũng muốn làm giàu, nhưng không thể làm giàu bằng mọi giá.

Đối với cơ quan quản lý chắc chắn qua những vụ án trên không thể không đặt ra những yêu cầu và bài học trong công tác phòng ngừa tham nhũng, kiểm soát quyền lực đối với những cán bộ, cơ quan, tổ chức liên quan tới quản lý công sản, tài chính,

Và một thực tế cũng rất cần quan tâm hiện nay đó là thực trạng có công chức sợ làm sai, sợ bị “vào lò”. Dẫn đến nhiều công trình dự án dở dang thủ tục pháp lý mà không ai giải quyết. Không ít dự án, công trình đầu tư bị kéo dài tiến độ hoặc bị ngưng trệ chỉ vì chậm được duyệt, cấp phép và triển khai, dẫn đến việc doanh nghiệp phát sinh rất nhiều chi phí, công nhân không có việc làm, nhà nước thất thu thuế từ doanh nghiệp. Thực trạng này bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở động lực và nguồn lực phát triển. Nhiều nguồn lực không được phát huy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế này đã và đang gây thiệt hại cho xã hội, doanh nhiệp, nhà nước.

Những bài học trên, những thực tế trên, cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm giải quyết ngay để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững trên cơ sở thượng tôn pháp luật.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bà đã dành thời gian quan tâm trả lời phỏng vấn TCPL

Trần Hơn (thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin