Luật chống độc quyền và sở hữu trí tuệ: Hành lang để Tổng thống Trump “khống chế” những “gã khổng lồ”

(Pháp lý) - Mỹ sẽ tiến hành điều tra các hãng công nghệ lớn cho dù hãng đó đang có ảnh hưởng như thế nào. Tuyên bố của Washington được đưa ra trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ lớn đang đối mặt với phản ứng mạnh mẽ tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, do quan ngại giữa chính các đối thủ, giới lập pháp và các nhóm khách hàng rằng, những tập đoàn này có quá nhiều quyền lực và đang gây hại cho người sử dụng và đối thủ kinh doanh.

Mỹ sẽ mở cuộc điều tra nhắm vào Google và Facebook
Mỹ sẽ mở cuộc điều tra nhắm vào Google và Facebook)

Hai con “át chủ bài”

Theo các báo doanh thu mới nhất của Facebook, với 2,6 tỉ người dùng, Facebook thu về gần 153 triệu USD mỗi ngày, chủ yếu từ thị trường Mĩ và Canada. Báo cáo của hãng này cũng cho thấy doanh thu trung bình trên mỗi tài khoản người dùng là 6,09 USD. Chỉ tính riêng năm 2018, mạng xã hội lớn nhất hành tinh có doanh thu lên tới trên 50 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng ít nhất 20% trong năm 2019.

Trong khi đó, doanh thu của gã khổng lồ mạng tìm kiếm Google trong các báo cáo minh bạch cũng cho thấy đạt hơn 100 tỷ USD vào năm 2018 với mức tăng trưởng ròng lên đến 19% mỗi quý (trên 70%/năm). Dự kiến năm 2019 sẽ vượt trên mốc 200 tỷ USD.

Doanh thu của những hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook và Google đương nhiên được các nhà lập pháp và hành pháp của Mỹ biết rất rõ, nó đến từ đâu và như thế nào, việc thu thuế của các hãng này đem lại lợi ích gì cho nước Mỹ…

Thế nhưng, một quyết định bất ngờ được đưa ra vào ngày 23/7 mới đây lại đến từ chính Bộ Tư pháp Mỹ: Mỹ sẽ mở cuộc điều tra với các Công ty công nghệ lớn để xem liệu họ có "bóp nghẹt" sáng tạo hay kìm hãm cạnh tranh hay không, động thái được cho là nhắm vào Google, Facebook...

Và cái cớ của cơ quan tư pháp quyền lực này là quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó, bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ sẽ xem xét việc "các nền tảng trực tuyến hàng đầu thị trường có đạt được sức mạnh thị trường hay không và như thế nào" hay có tham gia vào việc "làm giảm sự cạnh tranh, bóp nghẹt sự sáng tạo hay gây tổn hại cho người tiêu dùng" hay không.

Đáng lưu ý, trong quá trình điều tra, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các nhà điều tra đang hỏi ý kiến và lấy thông tin từ công chúng, bao gồm cả những người làm trong ngành.
Ngày 24/7, khi các hãng thông tấn hàng đầu của Mỹ và quốc tế chạy dòng tin: “Các thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ không chỉ đích danh các công ty cụ thể nhưng có khả năng nhắm tới Google, Facebook và Amazon, những cái tên vốn thống trị các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế số” cũng là lúc 3 “ông lớn” kể trên đối mặt với một cuộc điều tra sẽ bắt đầu.

Giới thạo tin về chứng khoán và kinh tế tại New York cho biết, cuộc điều tra được tiến hành sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt mức phạt nặng đối với Google liên quan tới các cáo buộc lạm dụng vị trí thống trị của mình để chèn ép các đối thủ khác. Đồng thời, EU cũng mở một cuộc điều tra chính thức đối với "gã khổng lồ" thương mại điện tử Amazon.

Tuy nhiên, theo ông Makan Delrahim, trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, phụ trách bộ phận chống độc quyền thì việc điều tra không phải đến từ sức ép của EU mà chính Mỹ: "Nếu không có kỷ luật về cạnh tranh thị trường lành mạnh, các nền tảng kỹ thuật số có thể hành động theo hướng không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nói chung.

Trong khi đó, ở một “diễn biến kép”, Giám đốc FBI cho biết cơ quan này đang điều tra hơn 1.000 vụ nghi người Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ. Một động thái đang nhằm vào các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc.

Cuộc điều tra độc lập của FBI chắc chắn không phải bảo vệ người tiêu dùng mà nhằm “bảo vệ nước Mỹ”, chuyên gia luật pháp Liên bang Skipre Goden nói. “Các vụ bắt giữ liên quan đến những hoạt động của Trung Quốc nhằm đánh cắp bí mật công nghệ của Mỹ vì lý do kinh doanh hay an ninh quốc phòng đã tăng mạnh trong những năm gần đây là một minh chứng”.

“Tuy nhiên, điều này có thể thấy, để kiềm chế các gã khổng lồ công nghệ, hệ thống chính quyền của Tổng thống Trump đang vận dụng tất cả các điều luật mà họ có trong tay mà 2 con át chủ bài là luật chống độc quyền và sở hữu trí tuệ”.

Án phạt và tăng trưởng

Ngay sau khi Bộ Tư pháp Mỹ ra thông báo điều tra, một phản ứng nhanh nhạy của Facebook là ngay lập tức xác nhận để tránh ảnh hưởng và thể hiện “tính minh bạch” như một chiến lược kinh doanh. Tối 24/7, Facebook cho biết đã nhận được thông báo điều tra chống độc quyền từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) vào tháng 6 và bị giám sát ở cường độ cao thời gian sau đó.

“Vào tháng 6, FTC thông báo sẽ mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào chúng tôi. Các hãng công nghệ trực tuyến và Facebook đã bị giám sát chặt chẽ về mặt pháp lý trong quý vừa qua", một phần nội dung báo cáo thu nhập mới nhất của Facebook vừa công bố hôm 24/7.

Bên cạnh đó, Facebook cũng thừa nhận Bộ Tư pháp Mỹ sẽ bắt đầu có đánh giá chống độc quyền đối với những nền tảng trực tuyến hàng đầu trên thị trường.

Khi các cuộc điều tra chính thức mới bắt đầu, một thông tin khác cũng được dẫn ra khi Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ hôm 12/7 đã bỏ phiếu phê chuẩn án phạt tài chính 5 tỷ USD đối với vi phạm quyền riêng tư khách hàng của Facebook trong vụ bê bối với công ty tư vấn Cambridge Analytica. Đây là án phạt nặng nhất mà nhà chức trách Mỹ dành cho một công ty công nghệ, cũng như dành cho vi phạm về quyền riêng tư.

Theo thỏa thuận đạt được với Ủy ban Thương mại liên bang, Facebook sẽ phải kiểm tra lại cách thức xử lý dữ liệu khách hàng, tuy nhiên cơ quan này không yêu cầu Facebook chấm dứt việc chia sẻ dữ liệu người dùng với các bên thứ 3.

Thế nhưng việc phạt của Ủy ban Thương mại Liên bang lại đang như một nghịch lý. Giá cổ phiếu, doanh số và doanh thu của Facebook sau án phạt lại… đi lên theo chiều thẳng đứng. Vài giờ sau khi thông báo chấp nhận trả khoản phạt kỷ lục 5 tỷ USD, doanh thu Facebook đạt gần 16,9 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ Mỹ đang tìm cách kiểm soát chặt và xử phạt các “ông lớn” công nghệ khi các hãng này đang có biểu hiện sử dụng nguồn lực của mình “bóp chết” các doanh nghiệp nhỏ khác cùng ngành. Cách đây ít tháng, Liên minh châu Âu tiếp tục đưa ra án phạt lần ba với Google vì tội lạm dụng vị trí để độc quyền trong quảng cáo tìm kiếm trực tuyến.

Án phạt được đưa ra hôm 20/3/2019, yêu cầu Google trả 1,5 tỷ euro (tương đương 1,7 tỷ USD) vì lợi dụng quyền lực để cạnh tranh không lành mạnh. Cáo buộc của EU nói Google đã "củng cố sự thống trị của mình" và "bảo vệ bản thân khỏi áp lực cạnh tranh" bằng cách áp đặt các điều khoản hạn chế trong hợp đồng AdSense đối với những trang web khác.

Về mặt pháp lý, EU cho rằng AdSense là một sản phẩm của Google, hoạt động như một đơn vị trung gian giữa các nhà quảng cáo và chủ sở hữu trang web muốn kiếm lợi nhuận từ không gian xung quanh các trang kết quả tìm kiếm của họ và hành vi sai trái này đã kéo dài trong suốt 10 năm. Đây là lần thứ ba Google phải nhận hình phạt với số tiền lên tới con số hàng tỷ USD.

Tháng 7/2018, EU đã yêu cầu công ty trả 4,34 tỷ euro (khoảng 4,9 tỷ USD) vì đã đẩy các ứng dụng của mình lên smartphone của người dùng và cản trở các đối thủ cạnh tranh. Trước đó công ty này đã phải đóng khoản tiền phạt 2,4 tỷ euro (khoảng 2,7 tỷ USD) vì đã sử dụng công cụ tìm kiếm của mình để hướng người tiêu dùng đến nền tảng mua sắm riêng.

Tổng cộng, kể từ năm 2017, Google đã bị Liên minh châu Âu phạt 8,2 tỷ euro (khoảng 9,3 tỷ USD). Số tiền phạt sẽ được trao cho các quốc gia thành viên EU. Nhưng các quan chức EU cũng tuyên bố Google có thể phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra hơn, bởi "khiếu nại vẫn tiếp tục được gửi đến".

G20 quyết siết thuế các “gã khổng lồ”

Bộ trưởng tài chính các nước thuộc nhóm G20 mới đây đã nhất trí sẽ tiến tới xây dựng bộ quy tắc chung nhằm ngăn chặn các công ty, chủ yếu là các tập đoàn công nghệ lớn, trốn thuế hoặc chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế để giảm nghĩa vụ tài chính. Các cuộc thảo luận của G20 về thay đổi các quy định thuế tập trung vào hai trụ cột, theo đó có thể khiến các công ty công nghệ phải đóng gấp đôi số thuế hiện tại. Các nước châu Âu, đặc biệt Anh và Pháp, ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch này khi cho rằng "thuế điện tử" là cần thiết, bởi luật thuế doanh nghiệp truyền thống nay đã lỗi thời và tạo ra sự bất bình đẳng.

Hải Dương

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin