Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dệt may, da giày, thuỷ sản đang kiến nghị chính sách hỗ trợ ngừng đóng bảo hiểm xã hội cần hợp lý, tránh bất cập và triển khai sớm để giúp doanh nghiệp giảm áp lực chi phí trong giai đoạn khó khăn giữa mùa dịch này.
Trong đề xuất kiến nghị các giải pháp mới nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất kinh doanh, cả ba hiệp hội là Hiệp hội Dệt may (Vitas), Hiệp hội Da giày - Túi xách (Lefaso), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) đã đặc biệt lưu ý đến chính sách về lao động.
Xoay trở với bảo hiểm
Điển hình là chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong bối cảnh rất nhiều đơn hàng của các DN đã bị hủy, hoãn giao hàng, không ký tiếp đơn hàng mới và chậm thanh toán dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, nguy cơ đứt thanh khoản, cả ba hiệp hội đồng kiến nghị trước mắt cho phép DN và người lao động ngừng đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Và tuỳ theo tình hình tác động của dịch bệnh thì xin miễn đóng với mức tương ứng.
Hơn nữa, như đề xuất, nên dùng tiền kết dư của quỹ BHXH, BHTN hỗ trợ 50% tiền ngừng việc cho người lao động, 50% còn lại DN tự lo. Đồng thời, dùng tiền kết dư của hai quỹ này cho DN vay không lấy lãi để chi trả các chi phí cho người lao động.
Cả ba hiệp hội cũng mong muốn Quốc hội thông qua việc giảm tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ BHTN từ 1% xuống 0,5%.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, có thể thấy chi phí đóng BHXH đối với những DN thâm dụng lao động như thuỷ sản, dệt may, da giày là một áp lực lớn.
Trong khi đó, đây là ba ngành có tầm ảnh hưởng rất lớn trong các ngành kinh tế chủ chốt của đất nước với kim ngạch xuất khẩu trong năm ngoái đạt tới gần 80 tỷ USD và tạo ra gần 8 triệu việc làm cho người lao động trên cả nước.
Như ngành dệt may, theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may (Vinatex), Phó chủ tịch Vitas, ngành dệt may Việt Nam hiện có khoảng 6.800 DN với 2,8 triệu lao động. Các DN trong ngành đang rất khó khăn nên rất cần hệ thống chính sách kịp thời để giúp DN vượt qua giai đoạn này.
Do đó, trong buổi làm việc gần đây với Bộ LĐ-TB&XH, phía Vitas bày tỏ mong muốn các DN được miễn toàn bộ đóng BHXH đến hết tháng 6/2020, sau đó cho hoãn đóng đến tháng 12/2020 đối với phần của người sử dụng lao động và miễn đóng phần của người lao động.
Hơn nữa, các DN dệt may mong mỏi được miễn đóng BHTN đến hết năm 2020. Ông Trường cho rằng cần triển khai sớm các nhóm giải pháp trợ giúp người lao động và DN, nhất là khi có những DN đang tạm thời cho một số người lao động nghỉ việc vì buộc phải thu hẹp sản xuất trong lúc này.
Ngoài kiến nghị nêu trên, chính sách tạm hoãn đóng BHXH trong mùa dịch này được cho là có không ít vấn đề băn khoăn.
Lo điều kiện bất cập
Chẳng hạn như có phương án đưa ra là điều kiện kèm theo trong việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất sẽ áp dụng cho 2 nhóm DN: DN có từ 50% số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm và DN bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch Covid-19.
Nếu chiếu theo phương án này thì theo ước tính sẽ có khoảng 1,5 - 3 triệu người lao động và từ 150.000 - 200.000 DN được hỗ trợ với kinh phí từ 25.000 - 49.000 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi nguồn kết dư từ quỹ hưu trí, tử tuất hiện khoảng 800.000 tỷ đồng.
Ông Trần Hữu Hạnh, chủ một DN gia công da giày, cho biết công ty có 150 lao động, do đơn hàng gặp khó nên buộc phải cắt giảm 50 lao động và giữ lại lao động ở mức tối đa có thể. Tuy nhiên, nếu làm thủ tục xin lập hồ sơ làm căn cứ tạm dừng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất thì lại không đạt được điều kiện đặt ra.
Theo ông Hạnh: Nếu thoả mãn điều kiện “DN có từ 50% số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm” thì chẳng lẽ công ty cho nghỉ việc thêm 25 lao động, bởi công ty không thể đẩy thêm người lao động vào cảnh thất nghiệp được.
Nhiều ý kiến cho rằng cần chỉnh sửa lại những điều kiện như vậy nếu không muốn dẫn đến nguy cơ hàng nghìn lao động phải bị nghỉ việc để DN đảm bảo quy định được hỗ trợ.
Thậm chí, với điều kiện “50%” này thì có thể dẫn đến trường hợp DN vận động một số người lao động rút khỏi danh sách đóng BHXH cho đủ con số 50% trong khi trên thực tế họ vẫn đang làm việc bình thường. Điều đó vô hình trung làm hại người lao động.
Trước vấn đề như vậy, nhiều DN bày tỏ mong muốn cần mở rộng quy định về mức thiệt hại và hỗ trợ. Tuỳ theo tình hình thiệt hại của DN do Covid-19 gây ra và tỷ lệ lao động bị ngừng việc tới đâu thì hỗ trợ ở mức bấy nhiêu.
Việc hỗ trợ không chỉ căn cứ vào phần trăm số lao động bị ảnh hưởng mà tất cả người bị ảnh hưởng, những người bị ngừng việc đều được tạm dừng việc đóng một phần BHXH. Đồng thời, không khống chế tỷ lệ thiệt hại trên 50% đối với DN mới được nhận hỗ trợ.
Hơn nữa, với nhóm ngành tác động lớn đến xã hội như thuỷ sản, dệt may, da giày - vốn dĩ đang bị thiệt hại nặng nề vì dịch Covid thì có thể ưu tiên tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho tất cả các DN bị ảnh hưởng, người lao động bị mất việc làm hoặc ngưng việc.
Theo thoibaokinhdoanh.vn
Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/loay-hoay-chinh-sach-lao-dong-cuu-doanh-nghiep-1066741.html