Trong môi trường chính trị tha hóa, biến chất, nếu không giữ vững ranh giới, lòng tham tháo chốt thì các dòng tiền đen sẽ lũ lượt ập đến.
Đưa tiền là nhận
Kim Đạo Minh là một “Hổ lớn” cấp tỉnh. Sơn Tây là tỉnh được coi là “vùng trũng tham nhũng” của cả nước, Kim Đạo Minh là người chịu trách nhiệm lớn bởi ông ta từng giữ các chức vụ Phó Bí thư tỉnh ủy, Bí thư Ủy ban Chính pháp, Bí thư UBKTKL tỉnh ủy, khi ngã ngựa năm 2014 đang là Phó chủ tịch HĐND tỉnh.
Xuất hiện trong bộ phim tài liệu, Minh tự kiểm điểm: “Vấn đề chủ yếu của tôi xảy ra trong thời gian ở Sơn Tây. Hoàn cảnh thay đổi là một nhân tố, nhưng có lẽ không phải chủ yếu. Yếu tố tự buông lỏng yêu cầu đối với bản thân mới là chỗ yếu chí mạng của tôi”.
Trước khi về Sơn Tây công tác, Minh đã có gần 20 năm công tác trong ngành kiểm tra kỷ luật đảng. Năm 1987, khi Bộ Giám sát được thành lập, Minh là một trong những nhân viên công tác lứa đầu tiên, sau đó lần lượt được bổ nhiệm làm Cục trưởng Ngoại sự, Phỏ Tổng thư ký, Chủ nhiệm Phòng KTGS số 5, Chánh văn phòng, Tổ trưởng biệt phái trong Bộ Giao thông của UBKTKLTW.
Năm 2006, Minh được điều về giữ chức Ủy viên thường vụ, Bí thư UBKTKL tỉnh ủy Sơn Tây. Lẽ ra, Minh phải giữ vai trò ra tay dẹp bỏ nạn tham nhũng, thì ông ta lại trở thành 1 trong số 7 lãnh đạo chủ chốt của Sơn Tây bị ngã ngựa.
Lúc đầu, khi mới về Sơn Tây, Kim Đạo Minh đề ra nguyên tắc: ngày Tết kiên quyết không nhận tiền, quà biếu; nhưng sau đó khi phát hiện ra các cán bộ lãnh đạo tỉnh, dịp tết thường biếu quà lẫn nhau nên đã tự phá bỏ nguyên tắc của mình và “thuận theo dòng chảy”. Minh về Sơn Tây đúng vào dịp kinh tế mỏ than ở đây đang ở vào thời kỳ hoàng kim và cũng là thời kỳ môi trường chính trị ô nhiễm khủng khiếp nhất.
Giữa các cán bộ cứ tết đến là đua nhau biếu quà, mua quan, chạy chức. Minh vừa về đây đã có người tìm đến để “dò đường”. Ban đầu Minh chặn họ ngoài cửa, nhưng sau đó nhanh chóng có người “nhắc nhở” ông ta “làm thế là mắc tội với người khác”.
Minh đã quên một nguyên tắc không thể nhượng bộ: “Cán bộ kiểm tra kỷ luật dù có mắc tội với người thì cũng không được mắc tội với phần tử tham nhũng, như thế sẽ phụ lòng Đảng và dân”. Tham nhũng và chống tham nhũng là “nước lửa không thể dung”, không có lối đi giữa. Là bí thư UBKTKL, nếu không kiên trì nguyên tắc, tất sẽ đi sai đường. Theo con đường đó, Kim Đạo Minh từng bước đi tới ghế bị cáo…
Minh thú nhận: “Là cán bộ lãnh đạo, tôi đã lợi dụng ảnh hưởng chức vụ để nhúng tay vào các sự vụ phê duyệt hành chính. Đó chính là hành vi dùng quyền mưu lợi, phạm tội chức vụ, tôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật là đúng”.
Từ năm 2007 đến 2014, Minh đã lợi dụng chức quyền để giúp người khác mưu lợi trong khai thác tài nguyên than, thăng tiến chức vụ, che giấu vụ án rồi nhận tiền và quà tổng giá trị tới 123 triệu NDT (406 tỷ VND). Kết cục, ông ta phải nhận án tù chung thân, tước quyền chính trị suốt đời vì phạm tội nhận hối lộ.
Minh phân trần: “123 triệu tệ, tôi nghe mà phát khiếp. Tôi thực sự kinh hoàng, nằm mơ tôi cũng không nghĩ là mình đã nhận số tiền khủng khiếp ấy, Vấn đề ở đây không phải là người ta cưỡng ép, mà là tôi trượt từng bước, nguyên nhân bên trong là do lòng tham mà ra…”.
Trong môi trường chính trị như Sơn Tây, nếu không giữ vững ranh giới, lòng tham tháo chốt thì các dòng tiền đen sẽ lũ lượt ập đến. Dương Tồn Hổ, Bí thư huyện ủy Tĩnh Lạc để được thăng tiến đã nhiều lần mang ngoại tệ và tranh quý đến biếu, Kim Đạo Minh thản nhiên nhận.
Hổ kể: “Tôi mang đến 200 ngàn euro, nói ‘để anh tiêu khi ra nước ngoài’, rồi để đó ra về. Đến tết Trung thu tôi lại mang tới 100 ngàn nữa đến phòng làm việc. Tôi thấy ông ta là người chỉ cần ai đưa tiền là nhận, chẳng từ chối người nào”.
Là người đứng đầu cơ quan UBKTKL mà Kim Đạo Minh thản nhiên nhận những số tiền lớn như thế đủ biết đã gây nên ảnh hưởng xấu đến thế nào đến moi trường chính trị của Sơn Tây. UBKTKLTW cho rằng, Kim Đạo Minh phải chịu trách nhiệm chính trong hiện tượng “tham nhũng kiểu bài Domino” của Sơn Tây.
5 năm Kim Đạo Minh giữ chức Bí thư UBKTKL từ 2006 đến 2011 là thời kỳ nạn tham nhũng hủ bại hoành hành ghê ghớm nhất, 7 cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trong đó có Minh lần lượt ngã ngựa, một loạt cán bộ trong hệ thống KTKL của tỉnh cũng “chết” theo Minh: Phó Bí thư UBKTKL tỉnh ủy Dương Sâm Lâm, Phó Giám đốc Sở giám sát Tạ Khắc Mẫn…cũng bị điều tra xử lý. Sau khi Kim Đạo Minh ngã ngựa, Sơn Tây đã dành hơn 2 năm để thanh lọc đội ngũ ngành KTKL: hơn 404 vụ việc được điều tra, hơn 130 cán bộ bị loại bỏ.
Mượn tiền chủ doanh nghiệp chơi chứng khoán
Lưu Kiến Doanh là kiểm sát viên cấp phó cục, chuyên gia giám sát của Phòng KTGS số 11, từng tham gia “đánh án” các vụ án lớn quan trọng Bạc Hy Lai (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trùng Khánh), Bạch Ân Bồi (UVTW, Bí thư Vân Nam), Liêu Thiếu Hoa (Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Quý Châu, Bí thư thị ủy Tuân Nghĩa), lập công xuất sắc, được bình chọn là “Cốt cán ưu tú”.
Quá trình phạm tội của Doanh được ví như người đi vào ngõ cụt; bắt đầu từ việc coi tình thân hơn nguyên tắc dẫn đến việc dùng quyền lực mưu tư lợi. Vấn đề phạm tội của Doang bắt đầu từ việc bố trí cho người nhà vào giữ chức vụ khống trong các công ty của chủ tư nhân chỉ để nhận lương, giúp người nhà nhận thầu các hạng mục kinh doanh để trục lợi.
Doanh cho rằng, bản thân thường xuyên xa nhà, cảm thấy người thân bị thiệt nên tìm cách “bù đắp”, cuối cùng gây nên bi kịch. Ngoài việc làm những điều không nên làm để giúp người thân, bản thân Doanh cũng ngày càng buông thả bản thân trong quá trình kết giao với các ông chủ, thông qua việc “vay tiền chơi chứng khoán” để trục lợi và giúp họ “giải quyết công việc” để nhận hối lộ.
Đánh lừa cả ông Vương Kỳ Sơn
Nguyên Ngật Phong là Chủ nhiệm Phòng KTGS số 8 từng được biết tới với việc điều tra các vụ án đánh “Hổ Quảng Đông” Vạn Khánh Lương, Chu Minh Quốc, nhưng nay lại là đối tượng bị điều tra. Phong có mối quan hệ không bình thường với một số ông chủ, lợi dụng chức quyền để tạo điều kiện cho họ làm ăn rồi trục lợi hơn 2,41 triệu NDT.
Phong còn “cả gan” lừa dối, qua mặt cả ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư UBKTKLTW. Số là, năm 2014, trung ương chủ trương quan tâm đến đời sống cán bộ, yêu cầu người phụ trách các cơ quan đến thăm nhà cán bộ để tìm hiểu tình hình.
Khi đó, gia đình Phong đã chuyển đến sống trong một ngôi nhà do một ông chủ “tặng”, còn nhà cũ thì để một người họ hàng đến ở. Phong lo sợ nếu ông Vương đến thăm, tìm đến nơi gia đình ông ta đang ở sẽ phát hiện ra những mối quan hệ giao du mờ ám với các ông chủ. Vì vậy, Phong bàn với vợ “diễn kịch”: Tổ chức đón sếp tại ngôi nhà cũ, nơi gia đình thực tế không ở. Hai người chuẩn bị sẵn phương án đối phó, đem ảnh gia đình về treo.
Lần đó, tuy qua mặt được sếp, nhưng trong lòng Phong luôn thấp thỏm không yên…Sau đó có lần đi công tác cùng ông Vương, lúc về đi cùng xe, ông bảo tài xế đưa Phong về trước, Phong rất sợ, chưa đến ngôi nhà cũ đã kiếm cớ để xuống, không dám mời mọi người ghé qua vì sợ lộ tẩy…
Tháng 7/2016, theo manh mối của đơn vị liên quan báo cáo, đảng ủy cơ quan UBKTKLTW tiến hành điều tra về vấn đề vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của Nguyên Ngật Phong, đã phát hiện Phong lợi dụng quyền lực của cơ quan kiểm tra kỷ luật để mưu tư lợi, thu nhập trái phép gần 2,41 triệu NDT; đồng thời còn phát hiện manh mối có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ số tiền rất lớn.../.
Theo Bao Phapluat