Làm báo truyền thống hay hiện đại đòi hỏi phải có tinh thần chiến đấu và cống hiến

18/03/2023 20:28

(Pháp lý) - Làm báo hiện đại càng đòi hỏi nhà báo sự cống hiến, dấn thân, tinh thần chiến đấu là điểm nhấn được các diễn giả nhấn mạnh tại Talkshow “Người làm báo trong kỷ nguyên số”.

Từ trái qua phải: MC Nguyễn Thúy Quỳnh; Diễn giả: Nhà báo Hồ Quang Lợi, Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tại Talkshow “Người làm báo trong kỷ nguyên số”_Ảnh: PV.

Ngày 18/3, tại Bảo tàng Hà Nội, Liên chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Người Làm Báo - Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức Talkshow “Người làm báo trong kỷ nguyên số”. Đây là một trong những hoạt động gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ nghiệp vụ nổi bật nằm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023.

Tham gia với vai trò diễn giả của chương trình có nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Cố vấn Ban Biên tập Tạp chí Người Làm Báo; nhà báo Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị; nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo Điện tử Dân Việt/Nông Thôn Ngày nay... là các nhà quản lý, nhà báo giàu kinh nghiệm đã và đang có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí.

Hàng trăm khán giả là nhà báo, sinh viên, khách tham quan Hội báo tới dự và theo dõi buổi Talkshow.

Tham dự chương trình Talkshow có nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí. Đặc biệt, chương trình thu hút được rất đông sự quan tâm của các phóng viên, nhà báo các cơ quan báo đài Trung ương và địa phương; sự tham gia theo dõi đông đảo của các thầy cô, sinh viên các trường đại học như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,...

Nội dung Talkshow xoay quanh vấn đề vai trò của người làm báo trong kỷ nguyên số, những cơ hội và thách thức của người làm báo trong bối cảnh hiện nay, đồng thời đưa ra những quan điểm, kinh nghiệm làm báo trong thời kỳ mới.

Nhà báo Hồ Quang Lợi  trao đổi tại buổi Talkshow.

Mở đầu buổi trò chuyện, bàn về việc đánh giá giữa làm báo trước đây (thời của diễn giả - PV) với làm báo trong môi trường số hiện nay; nhà báo Hồ Quang Lợi đã lấy ví dụ về chuyện phóng viên tác nghiệp ngày trước và bây giờ thông qua câu chuyện mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị, phóng viên chiến trường Đoàn Công Chính, báo Quân đội Nhân dân đã phải mất một tuần mới  đưa được những bức ảnh về mùa hè đỏ lửa về đến tòa soạn ở Hà Nội (Những bức ảnh đó đã trở thành những bức ảnh lịch sử ấn tượng nhất về chiến tranh ở Việt Nam). Nói như thế để thấy rằng sự khác nhau giữa làm báo truyền thống và làm báo hiện đại - giờ chúng ta chỉ cần ảnh xong đã có thể gửi ngay về tòa soạn. Còn trong thời đại thông tin bây giờ, với các trang thiết bị như máy tính, internet,... phóng viên chỉ mấy vài giây thao tác chuyển ảnh. Vì vậy ông cho rằng, đấy là sự khác biệt rất lớn về làm báo xưa và nay. Song dù làm báo truyền thống hay hiện đại thì phóng viên, nhà báo đều giống ở tinh thần cống hiến, tinh thần chiến đấu.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị trả lời câu hỏi của khán giả_Ảnh: PV.

Chung quan điểm về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho rằng: Từ những năm 1990, đã có sự thay đổi rất lớn trong tiến trình làm báo. Ngày trước, khi công nghệ chưa có, phóng viên phải viết ra giấy rồi mang đến đi đánh máy, sau đó mới gửi về tòa soạn. Sau này có máy tính, điện thoại, internet xuất hiện kèm theo các công cụ tìm kiếm thì, trong khi chúng ta còn đang loay hoay làm báo điện tử thì đến làm báo số... Có một điều rõ ràng rằng, công nghệ phát triển, công cụ hỗ trợ làm báo nhiều nên năng suất viết báo cũng tăng cao. Song, ngoài công cụ, quan trọng nhất ở người làm báo là tính chiến đấu, cống hiến... Nhà báo Nguyễn Minh Đức cho rằng, yêu cầu đặt ra với phóng viên làm báo trong kỷ nguyên số là tác nghiệp phải nhanh, chia sẻ thông tin, tít bài phải độc đáo, phải thường xuyên học hỏi nâng cao về công nghệ, kỹ năng,...

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp tại buổi Talkshow.

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người có nhiều năm kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp, tiếp cận đặc biệt là các đề tài về môi trường: Kỷ nguyên số thách thức rất là lớn. Báo chí đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn là sự phát triển của mạng xã hội, hạn chế dần tính độc quyền của tin bài. Ở bối cảnh báo chí hiện nay, đòi hỏi người làm báo vừa đảm bảo các tin bài thời sự, vừa phải có các bài viết chuyên sâu, tức là tạo ra các bài viết có giá trị.

Không thể phủ nhận kỷ nguyên số với những công nghệ hiện đại đã và đang tạo ra rất nhiều tiện ích cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nó cũng tạo ra môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt, làm nảy sinh những thách thức lớn chưa từng có đối với nền báo chí chuyên nghiệp. Bàn luận về vấn đề kinh tế; mối quan hệ giữa nội dung và công nghệ; các diễn giả đều đồng quan điểm cho rằng, báo chí đang đối diện với ba thách thức lớn là nội dung, công nghệ và kinh tế báo chí. Vậy báo chí phải đi bằng hai chân, phải phát triển song hành nội dung và hình thức, phải tạo ra được tác phẩm độc quyền.

Chương trình cũng nhận được sự trao đổi sôi nổi từ các khán giả khách mới với các diễn giả như: Làm thế nào để có tác phẩm báo chí khác biệt khi cùng chung một đề tài; hay công nghệ giúp gì cho phóng viên khi tác nghiệp về các vấn đề môi trường?;...

Có thể thấy rằng, trong kỷ nguyên số, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kết nối, số lượng các tờ báo điện tử cũng nở rộ khắp nơi trên thế giới, truyền tải thông tin dưới mọi hình thức. Không ai có thể phủ nhận được công nghệ đã mang tới những tiện ích vượt bậc cho người làm báo, nhưng cũng không ít khó khăn để thực hiện tốt tính ưu việt của công nghệ số. Trước sự phát triển mạnh mẽ và rộng lớn của công nghệ thông tin vừa tạo thuận lợi cho lĩnh vực báo chí phát triển và cũng là thách thức sống còn đối với người làm báo, đòi hỏi những người làm báo ngày nay phải nhanh chóng bắt kịp với xu thế thời đại.

Sinh viên báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn nêu câu hỏi tương tác cùng diễn giả.

Nghề báo là nghề sáng tạo, các diễn giả mong muốn gửi tới thông điệp cho người làm báo phải không ngừng học, lao động, sáng tạo và yêu nghề. Nhà báo phải luôn giữ vững tinh thần chiến đấu, sự cống hiến. Trong thời đại 4.0, báo chí phải có trách nhiệm để những cảm xúc tự nhiên không bị tiêu diệt và mang đến cho độc giả những tác phẩm thực sự có giá trị. Để thích nghi với thời cuộc, báo chí cũng phải thường xuyên kiểm chứng thông tin nhanh nhạy, bám sát thông tin đại chúng, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, đưa tin tức xác thực đến với nhân dân một cách nhanh nhất. Dù chúng ta càng ngày càng tiến sâu vào kỷ nguyên số, nhưng những người làm báo phải luôn hướng về giá trị truyền thông giá trị cốt lõi của báo chí, đó là định hướng xã hội, tính nhân văn, sự chia sẻ của nhà báo với đời sống xã hội. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số đòi hỏi những người làm báo phải nhanh chóng thay đổi phương cách tác nghiệp để thích ứng, theo kịp sự biến đổi và phát triển của công nghệ thông tin thời kỳ mới.

Phát biểu tại chương trình, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Hội Báo toàn quốc 2023 ghi nhận sự thành công hơn cả mong đợi của Talkshow từ những giá trị mà chương trình mang đến.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo, TS Trần Thị Lan, Q.Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo cùng các nhà tài trợ tặng hoa các diễn giả_Ảnh:PV.

Bùi Lộc
Bạn đang đọc bài viết "Làm báo truyền thống hay hiện đại đòi hỏi phải có tinh thần chiến đấu và cống hiến" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin