Một số doanh nghiệp và Văn phòng Luật sư tại Hà Nội vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ – CP và Thông tư 02/2016/TT – BKHĐT liên quan đến các Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư được quy định trong Nghị định; đề nghị một ý kiến đối với quy trình thẩm định, công bố dự án theo nguyên tắc vừa đảm bảo công bằng lợi ích Nhà nước, Doanh nghiệp đồng thời tránh được thất thoát tài sản Nhà nước trong một số trường hợp thực tế của một số Dự án trước đây.
Theo thư kiến nghị: các quy trình về lập hồ sơ đề xuất thực hiện Dự án được quy định khá chi tiết và các quy định về thẩm định và công bố Dự án cũng được quy định cũng khá cụ thể. Tuy nhiên, các quy định tại Nghị định 15 và Thông tư số 02 vẫn chưa quy định một biện pháp.
Cụ thể, để đánh giá và giới hạn kết quả kinh doanh của Dự án trên nguyên tắc đảm bảo Doanh nghiệp Dự án có lãi hợp lý 9%. và tránh được thất thu nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ Dự án. Nghị định cần quy định một quy chế tài chính mà Doanh nghiệp tham gia Dự án cần cam kết với Nhà nước theo một tỉ lệ cố định, ví dụ: Doanh nghiệp tham gia Dự án cam kết được hưởng lợi nhuận sau thuế từ 5-9% tổng giá trị đầu tư của Dự án. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ kiểm toán Nhà nước theo quy định vào các thời điểm kết thúc quá trình xây dựng Dự án và kiểm toán kết quả kinh doanh của Dự án hàng năm hoặc hàng quý để đảm bảo rằng Doanh nghiệp sẽ được nhận được đầy đủ lợi nhuận của mình theo cam kết trên cơ sở Tài sản được nhà nước giao cho xây dựng - kinh doanh và các khoản lợi nhuận phát sinh nằm ngoài lợi nhuận cam kết nói trên thì Doanh nghiệp có trách nhiệm chuyển giao cho Nhà nước theo quy định tại hợp đồng và các quy định của pháp luật.
Có như vậy, các Doanh nghiệp sẽ yên tâm đầu tư thực hiện Dự án đã được ký hợp đồng theo hình thức đối tác công tư và Nhà nước sẽ nhận lại những nguồn lợi từ Dự án phát sinh theo đúng cam kết giữa các bên. Như vậy, tránh trường hợp, Doanh nhiệp Dự án kêu lỗ và đề nghị tăng thời hạn kinh doanh của Dự án hoặc thu lợi lớn hơn nhiều lần so với mức cam kết do những thay đổi của thị trường trong quá trình đầu tư hoặc lợi ích nhóm.
Với cơ chế quản lý tài chính của Dự án chặt chẽ, Nhà nước sẽ hoàn toàn kiểm soát được hoạt động kinh doanh của dự án và tránh được thất thu cho Quốc gia từ những nguồn lợi của Dự án đầu tư theo đối tác công tư vì đây là Tài sản của Quốc gia, của nhân dân.
Đơn kiến nghị cũng nêu một ví dụ cụ thể: Dự án làm đường 5km theo tiêu chuẩn là 200 tỷ đồng/1km. Vậy Tổng mức đầu tư: 5km x 200 tỷ đồng = 1.000 tỷ đồng. Nhưng ở đây một công ty đã được trả lại đất là khoảng 30ha trong đó được kinh doanh là 50% của 30ha, tức là được 15ha đất. Tiền sử dụng đất được để lại cho công ty này là 16 triệu đồng / 1m2. Vậy: 15ha = 150.000m2 x 16 triệu đồng = 2.400 tỷ đồng.
Bài toán này làm cho Đất nước bị thiệt hại quá lớn.
Đề nghị bổ xung thêm một điều ở Nghị định 15/2015/NĐ-CHP của Chính phủ như sau:
Điều 56: “Chủ đầu tư cam kết chỉ giữ lợi nhuận tối đa sau thuế là 9% tổng mức kinh phí của Dự án BT và sẽ nộp lại cho Chính phủ và Quốc gia nếu có lợi nhuận cao hơn”.
Theo Bao Xaydung