Khủng hoảng chính trị Thái: Bế tắc không lối thoát

Chính quyền quân sự Thái Lan khó có thể hóa giải thế bế tắc chính trị ở đất nước này nếu không giải quyết vấn đề gốc rễ là sự chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội.

Trên tay những đóa hồng, bóng bay và tranh ảnh in hình bà Yingluck Shinawatra, sáng 25/8, hàng nghìn người dân Thái Lan tập trung trước Tòa án Tối cao ở Bangkok để chờ phiên tuyên án định đoạt số phận nữ thủ tướng đầu tiên của xứ Chùa Vàng.

"Bà ấy thực lòng quan tâm và giúp đỡ chúng tôi", ông Prawit Pongkunnut, một nông dân trồng lúa, chia sẻ. Ông đã cùng 10 người vượt hơn 300 km từ thành phố phía đông bắc Nakhon Ratchasim tới thủ đô để bày tỏ lòng nhiệt thành với cựu thủ tướng.

Yingluck không xuất hiện tại phiên tòa cuối cùng, nhiều nguồn tin nói bà đã chạy trốn trong khi tòa phát lệnh truy nã. Dù cựu thủ tướng nhận được sự ủng hộ vững chắc từ tầng lớp nông dân, phía trước, một án tù 10 năm cùng lệnh cấm tham gia chính trị trọn đời rất có thể đang chờ đợi bà.

Đây chỉ là một trong số những biến cố mà gia tộc vốn quyền lực và giàu có Shinawatra trải qua trong những thập niên qua.

 Người ủng hộ bà Yingluck tập trung trước Tòa án Tối cao ở Bangkok sáng 25/8. Ảnh: The Nation.
Người ủng hộ bà Yingluck tập trung trước Tòa án Tối cao ở Bangkok sáng 25/8. Ảnh: The Nation.)

Gia tộc trăm năm

Thaksin là người đầu tiên trong dòng họ Shinawatra giữ chức vụ thủ tướng Thái Lan. Tuy nhiên, từ trước khi ông Thaksin lên nắm quyền, gia tộc Shinawatra đã tích lũy một nền tảng quyền lực và bề dày chính trị lâu dài.

Theo BBC, anh em nhà Shinawatra sinh ra trong một gia đình trung lưu ở vùng cố đô Chiang Mai. Họ là thế hệ thứ tư của gia tộc có gốc gác từ người đàn ông Trung Quốc họ Khâu nhập cư sang Thái Lan vào thập niên 60 thế kỷ 19.

Ông nội của Thaksin và Yingluck là Khâu Xương đã kinh doanh lụa thành công, tạo nên thương hiệu Shinawatra nổi tiếng ở Bangkok và nhận được nhiều sự ưu ái của Hoàng tộc Thái Lan. Năm 1938, gia đình này đổi họ thành Shinawatra.

Gia đình Shinawatra bắt đầu bước vào con đường chính trị năm 1969, khi cha của Thaksin là Lert giành được một ghế trong quốc hội.

Bản thân Thaksin đã từ một sĩ quan cảnh sát chuyển hướng sang kinh doanh vào những năm 1980. Đến những năm 90, ông đã có những bước đi ngoạn mục, nhanh chóng tạo dựng một “cơ đồ” trong ngành viễn thông và thị trường chứng khoán.

 Ông Thaksin là doanh nhân thành đạt trước khi gia nhập chính trường vào năm 1994 và trở thành thủ tướng Thái Lan năm 2001 . Ảnh: Getty.
Ông Thaksin là doanh nhân thành đạt trước khi gia nhập chính trường vào năm 1994 và trở thành thủ tướng Thái Lan năm 2001 . Ảnh: Getty.)

Ông sở hữu tập đoàn tin học và viễn thông mang tên Shinawatra, một trong những tập đoàn kinh tế khổng lồ nhất Thái Lan. Trên phương diện kinh doanh, Thaksin là một trong số ít đại doanh nhân Thái Lan “sống sót" sau khủng hoảng tài chính châu Á 1996-1997.

Cơ nghiệp của dòng họ Shinawatra vẫn đứng vững sau cơn khủng hoảng mà Thái Lan được xem là tâm bão. Đến tháng 7/1998, Thaksin thành lập đảng Người Thái yêu người Thái (Thai Rak Thai hay TRT).

Trong cuộc tuyển cử tháng 1/2001, đảng này giành thắng lợi áp đảo ở cuộc bầu cử Hạ viện và ông Thaksin trở thành người đầu tiên của dòng họ Shinawatra nắm giữ chức vụ thủ tướng Thái Lan.

Kể từ đó, Thaksin gây dựng nền tảng chính trị rộng rãi, ông tái đắc cử vào năm 2005 và trở thành thủ tướng liên nhiệm kỳ duy nhất của xứ Chùa Vàng.

Sau Thaksin, gia tộc Shinawatra tiếp tục duy trì ảnh hưởng trên chính trường Thái Lan. Em rể của ông là Somchai Wongsawat đảm nhiệm chức vụ thủ tướng từ tháng 9 - 12/2008.

Năm 2011, bà Yingluck, em gái út của ông Thaksin, cũng đã kế nghiệp anh trai khi trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan đồng thời là thủ tướng trẻ nhất lãnh đạo quốc gia này trong vòng 60 năm.

Vì sao nhà Shinawatra được ủng hộ?

Năm 2003, trong một buổi diễn thuyết ở Manila, Philippines, Thaksin Shinawatra, khi đó đang là thủ tướng, tâm sự: “Tuy sinh ra trong một gia đình trung lưu nhưng tôi biết những đau khổ của người nghèo nông thôn, tôi đã học được nhiều điều từ những vất vả của họ”.

AFP nhận định hai thập kỷ qua, nhờ chính sách vì người nghèo, gia tộc gốc Hoa này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ tầng lớp lao động ở Bangkok và khu vực nông thôn phía bắc đông dân nhưng nghèo khó.

Thaksin được xem là vị thủ tướng của người nghèo khi xây dựng một nền y tế mà ai cũng có thể chi trả được. Ông thiết lập một chương trình y tế quốc gia mới cho phép mọi người điều trị chỉ với khoản phí rất nhỏ (30 baht Thái, chỉ khoảng 1 USD). Thaksin cũng tạo ra một chương trình kích thích kinh tế bao gồm các khoản tín dụng nhỏ cho nông dân, đổ tiền mặt vào các vùng quê, cho vay giáo dục với lãi suất thấp.

Đối thủ của Thaksin cáo buộc ông bội chi, nhưng tốc độ tăng trưởng của Thái Lan vốn ở mức thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 lại nhanh chóng tăng lên tới khoảng 7%.

Trên khắp vùng làng quê, nông dân cảm thấy đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo quốc gia mạnh mẽ và năng động chọn mục tiêu thịnh vượng ở khu vực nông thôn làm ưu tiên chính.

Trong bài viết về chuyến thăm một ngôi làng trong thời kỳ Thaksin nắm quyền, William Klausner, nhận xét rằng các vị trụ trì Phật giáo truyền thống đã mất đi tầm quan trọng của mình vào tay một nhà hoạt động chính trị ủng hộ phe Áo Đỏ. Ở phía bắc và đông bắc, hầu hết làng tự gọi mình là làng Áo Đỏ, với lá cờ của phe này tung bay trên cổng vào và một tấm áp phích in hình Thaksin.

 Nhà Shinawatra nhận được sự ủng hộ của phe Áo Đỏ, đa phần là tầng lớp lao động ở Bangkok và khu vực nông thôn phía bắc đông dân nhưng nghèo khó. Ảnh: AP.
Nhà Shinawatra nhận được sự ủng hộ của phe Áo Đỏ, đa phần là tầng lớp lao động ở Bangkok và khu vực nông thôn phía bắc đông dân nhưng nghèo khó. Ảnh: AP.)

Dưới con mắt của một số tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế, Thaksin Shinawatra là một trong những nhà cải cách kinh tế rất thành công. Đất nước Thái Lan phát triển rất nhanh thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính là nhờ công của chính phủ Thái mà ông là người đứng đầu.

Kế thừa chính sách của Thaksin, Yingluck tiếp tục duy trì được sự ủng hộ của tầng lớp dân nghèo thông qua các biện pháp như cung cấp máy tính bảng cho học sinh, trợ giá gạo cho nông dân, miễn thuế cho những người mua nhà và ôtô lần đầu, tăng đáng kể mức lương tối thiểu…

Mặc dù chính đề án trợ cấp lúa gạo khiến Yingluck bị bãi chức thủ tướng và phải ra hầu tòa, nó cũng giúp cho gia tộc Shinawatra tiếp tục duy trì được sự ủng hộ từ tầng lớp nông dân.

Ông Paisan Pachanda, 59 tuổi, một nông dân tại Khon Kaen, trung tâm thương mại chính ở đông bắc Thái Lan, cho biết: “Chương trình trợ giá gạo của bà Yingluck đã giúp nhiều nông dân trồng lúa khấm khá nhờ nguồn thu nhập ổn định”.

Lao đao trong vòng xoáy khủng hoảng

Gần hai thập niên đầu thế kỷ 21, nhà Shinawatra với 3 đời thủ tướng chi phối ảnh hưởng trên chính trường Thái Lan nhưng cũng rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn của khủng hoảng chính trị ở đất nước Chùa Vàng. Gia tộc Shinawatra bị chỉ trích và phản đối mạnh mẽ bởi các phe phái mà tiêu biểu nhất là phe Áo Vàng và quân đội.

Trong thời gian lãnh đạo, Thaksin bị lên án là người độc đoán, tham nhũng. Tác giả Richard Bernstein trong bài viết "Thailand: Beautiful and bitterly divided" (Thái Lan: Tươi đẹp và chia rẽ đắng cay) trên The New York Review of Books số ra ngày 20/11/2014, cho rằng Thaksin đã có cơ hội để ghi tên mình vào lịch sử Thái Lan với vai trò là người đã dẫn dắt quốc gia này vào một kỷ nguyên dân chủ thịnh vượng hơn. Nhưng ông cũng đã đi theo một khuynh hướng "rất Thái" khi sử dụng quyền lực của mình để làm giàu cho cá nhân.

Thaksin từng bị cáo buộc sử dụng các phương cách mang tính độc tài, ví dụ như chỉ định người thân và bạn bè vào các vị trí quan trọng, từ đó hủy hoại tính độc lập của các cơ quan quản lý quan trọng. Các tổ chức nhân quyền chỉ trích ông chà đạp lên quyền con người khi phát động chiến dịch chống ma túy với khoảng 3.000 người bị bắn chết không qua xét xử, theo AFP.

Thaksin còn bị lên án sử dụng vị thế chính trị của mình để tiếp tục làm giàu cho bản thân và gia đình. Năm 2006, sau chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử, gia đình ông đã bán công ty của họ Shin Corporation (Shin là viết tắt của Shinawatra) cho một quỹ đầu tư quốc gia của Singapore, tạo ra lợi nhuận gần 2 tỷ USD.

Trong vụ này, Thaksin đã xoay sở để không phải trả thuế lợi nhuận doanh nghiệp. Các tòa án nhận thấy không có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, vụ mua bán cho thấy cách thức Thaksin có thể thao túng pháp luật vì lợi ích riêng của mình.

Trong những ngày đầu, lực lượng phản đối Thaksin gồm các doanh nhân giàu có ở Bangkok. Nhưng xu hướng chống Thaksin nhanh chóng phát triển thành phong trào quần chúng rộng lớn với sự tham gia của nhà báo, công chức, người dân thuộc các nhóm ngành nghề, một vài hiệp hội lao động, một bộ phận quân đội và cảnh sát, một số thành viên của hoàng gia, mặc dù họ không công khai lên tiếng.

 Những người biểu tình thuộc phe Áo Vàng phản đối chính phủ của bà Yingluck năm 2014. Ảnh: Reuters.
Những người biểu tình thuộc phe Áo Vàng phản đối chính phủ của bà Yingluck năm 2014. Ảnh: Reuters.)

Năm 2006, Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD), được coi là thân với hoàng gia, giới doanh nghiệp và tầng lớp trung lưu thành thị, thành lập. PAD trở thành phe Áo Vàng do chọn màu vàng làm biểu tượng. Ngay sau đó, PAD tổ chức một loạt cuộc biểu tình đòi Thaksin từ chức, dẫn đến cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền Thaksin vào tháng 9/2006.

Hai năm sau, Thaksin bị kết tội lạm dụng quyền lực trong một giao dịch liên quan đến mua bán bất động sản ở Bangkok. Ông lĩnh án hai năm tù.

Yingluck trúng cử thủ tướng năm 2011 và sau hơn 3 năm chèo lái đất nước, tưởng như bà đã vượt qua cái bóng lớn của anh trai khi nội các của bà được đánh giá cao nhất về năng lực kinh tế.

Nhưng nghịch lý là chính phủ vẫn luôn ở thế yếu vì không được sự ủng hộ của giới quyền lực, nhất là phe bảo hoàng và quân đội, những thế lực không muốn bị mất quá nhiều quyền lợi về tay người nghèo mà tiêu biểu trong đó là Suthep Thaugsuban, thủ lĩnh phe biểu tình, đại diện của thành phần thượng lưu.

Đối với quân đội, chính phủ của bà Yingluck được xem là biểu tượng của phong trào chống chế độ bảo hoàng, còn phe phản đối thì cho bà là tàn dư của truyền thống chính trị gia tham ô, nhũng lạm quyền thế, bảo vệ “ông anh bị lật đổ”, cựu Thủ tướng Thaksin.

Cùng với mâu thuẫn phe phái, đề án trợ cấp lúa gạo của Yingluck là chất xúc tác gây ra làn sóng biểu tình của tầng lớp trung lưu, và dẫn đến cuộc đảo chính năm 2014.

Sau cùng, bà và anh trai Thaksin của mình đều đã đi con đường giống nhau: đạt tới đỉnh cao chính trị rồi cùng chung số phận bị đảo chính, xét xử.

Chia rẽ khó khoả lấp, bế tắc không lối ra

Kể từ cuộc đảo chính đẫm máu năm 1932 biến Vương quốc Xiêm La (Siam) thành nước quân chủ lập hiến, Thái Lan bị cuốn vào vòng xoáy những cuộc khủng hoảng chính trị. Thủ tướng bị lật đổ bởi các tòa án, các cuộc biểu tình chống chính quyền dẫn đến bạo lực đẫm máu, tổng cộng 12 lần quân đội tiến hành đảo chính.

Giới phân tích cho rằng nguyên nhân sâu xa của bất ổn chính trị liên miên ở Thái Lan là sự chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội. Các tầng lớp trung lưu đô thị, sĩ quan quân đội cấp cao, phe công chức bảo thủ và lãnh đạo doanh nghiệp đối đầu với dân thường Thái Lan, những người chỉ có thể đứng nhìn chính phủ họ bầu ra bị lật đổ bởi các tướng lĩnh quân đội.

Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu trong cuốn sách “One Man’s View of the World” xuất bản năm 2014 cũng bình luận rằng hố sâu trong xã hội Thái đã có từ lâu và sự xuất hiện của Thaksin khiến người dân thức tỉnh về hố sâu này. Theo nhà lãnh đạo kỳ cựu này thì trước Thaksin, Bangkok thống trị mọi mặt về chính trị và chỉ cai trị đất nước theo hướng vì quyền lợi của thủ đô.

Sau khi tiến hành cuộc đảo chính tháng 5/2014 lật đổ chính quyền Yingluck, lãnh đạo quân đội mang lại cho Thái Lan sự ổn định tương đối, nhưng đa số hành động của họ tiếp tục là vì lợi ích của giới thượng lưu chứ không phải người nghèo.

Với những thù hằn chồng chất và quá nhiều những lợi ích đối chọi, sự chia rẽ của chính trị - xã hội Thái có lẽ đã quá rộng và quá sâu để có thế biến mất sau một cuộc đảo chính.

 Quân đội tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Yingluck hồi tháng 5/2014. Ảnh: Getty.
Quân đội tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Yingluck hồi tháng 5/2014. Ảnh: Getty.)

Bản hiến pháp mới thông qua sẽ gia tăng quyền lực cho quân đội và giảm thiểu cơ hội một chính trị gia dân túy có thể lên nắm quyền. Cuộc bầu cử tiếp theo vẫn chưa được định ngày.

"Thái Lan đã bế tắc trong hai thập kỷ nay rồi", Thitinan Pongsudhirak, giáo sư tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận định trên New York Times. "Đất nước này vẫn còn chia rẽ và phân cực".

Theo Richard Bernstein, chính quyền quân sự vẫn luôn tìm cách loại bỏ ảnh hưởng của nhà Shinawatra bằng cách cấm phe Áo Đỏ hoạt động, đóng cửa các đài phát thanh và theo dõi các cựu lãnh đạo của họ...Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thái Lan chững lại; nợ nông thôn gia tăng và các nông dân trồng lúa nợ tiền đã không thể gieo trồng vì mối đe dọa hạn hán nghiêm trọng.

Bernstein nhận định chính quyền quân sự vẫn bị đè nặng bởi các “vấn đề cốt lõi” của Thái Lan, nghiêm trọng nhất là sự giận dữ và chán ghét của đại bộ phận nông dân mà sự thức tỉnh của họ chính là nguyên nhân cội rẽ gây nên cuộc khủng hoảng ở đất nước này.

Giáo sư khoa học chính trị Thitinan thì cho rằng tương lai của Thái Lan tới đây phụ thuộc vào việc quân đội sẽ tiếp cận những người ủng hộ nhà Shinawatra và cải thiện mức sống của họ như thế nào. Nếu quân đội không làm được như vậy, thế bế tắc chính trị của Thái Lan nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.

"Chìa khóa của vấn đề là ở việc chính quyền quân sự Thái Lan học được gì từ tất cả những điều này", ông nói.

Theo Zing

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin