Nếu không cải cách biên chế và giảm chi thường xuyên, tất cả những thành quả của cải cách kinh tế sẽ bị ăn mòn và trở nên vô nghĩa.
[caption id="attachment_142534" align="aligncenter" width="410"] Ảnh minh hoạ[/caption]
Một trong những vấn đề kinh tế vĩ mô nhận được nhiều sự chú ý nhất những ngày gần đây là vấn đề cải cách bộ máy hành chính và giảm biên chế trong các cơ quan nhà nước. Không phải ngẫu nhiên khi vấn đề giảm biên chế lại được các chuyên gia kinh tế đặt ra ở thời điểm hiện tại, vì đây được xem là mặt còn lại của cải cách kinh tế. Về cơ bản, cải cách kinh tế hướng tới tăng nguồn lực phát triển, còn giảm biên chế nói riêng và giảm chi thường xuyên nói chung cũng chính là hướng tới mục tiêu đó. Nếu không cải cách biên chế và giảm chi thường xuyên, tất cả những thành quả của cải cách kinh tế sẽ bị ăn mòn và trở nên vô nghĩa.
Những con số thống kê về quy mô bộ máy cán bộ công chức của Việt Nam của các chuyên gia kinh tế trong thời gian qua thực sự đã khiến tất cả phải ngỡ ngàng. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bộ máy nhà nước đang có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số sẽ lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách thì con số lên đến 11 triệu người – một con số khổng lồ.
Chưa nói đến việc số lượng cán bộ công chức khổng lồ này có hiệu suất làm việc hiệu quả đến đâu, khi mà thủ tướng đã từng nhận xét “đội ngũ công chức của chúng ta hiện nay chỉ khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc”, mà bản thân số lượng cán bộ công chức khổng lồ này từ lâu đã trở thành một gánh nặng quá lớn đối với ngân sách quốc gia.
Việt Nam là một nước nghèo và vẫn là một quốc gia đang phát triển với tiềm lực rất hữu hạn, nhưng chúng ta lại đang còng lưng để nuôi hàng triệu cán bộ công chức không có nhiều hữu dụng trong thực tế bằng chính tiềm lực rất hữu hạn đó. Ngoài số lượng cán bộ công chức khổng lồ không có nhiều hiệu quả trên thực tế, cũng còn rất nhiều tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội đang hoạt động dựa trên "bầu sữa" của NSNN. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cuối năm 2015, chi phí cho hệ thống các tổ chức này ở Việt Nam hàng năm dao động từ 45,6-68,1 ngàn tỷ đồng, trong đó chi ngân sách nhà nước ước chừng 14 ngàn tỷ đồng.
Tất cả những con số thống kê này có ý nghĩa gì? Trước hết, nó chỉ ra một tình trạng khá đáng báo động là việc khá nhiều khoản chi phí lớn từ tiềm lực vốn khá còm cõi của Việt Nam lại đang không có hiệu quả kinh tế cao. Việc hằng năm phải chi những khoản tiền lương khổng lồ cho một bộ phận hàng triệu cán bộ công chức ít có hiệu quả cũng như hàng loạt các tổ chức đoàn thể rõ ràng là một gánh nặng rất lớn với NSNN. Ngoài ra, nó còn tạo ra một xu hướng nguy hiểm, đó là xu hướng gia tăng các khoản chi thường xuyên trong ngân sách và hút cạn kiệt các nguồn lực dành cho đầu tư phát triển nền kinh tế. Theo thống kê, tốc độ tăng chi thường xuyên của Việt Nam trong giai đoạn 2003-2015 lên đến 19,6%, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách (không kể chi trả lãi nợ vay) đã tăng từ 57,4% vào năm 2003 lên tới 80% theo ước tính ngân sách năm 2015.
Nếu kết hợp những con số thống kê này với việc chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Việt Nam gần thấp nhất châu Á, chỉ hơn Ấn Độ (theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu BIDV) thì nó chỉ ra một thực tế quá đáng buồn: chúng ta đang làm ra quá ít tiền (thông qua việc hiệu quả sử dụng vốn thấp) nhưng lại có tốc độ tăng chi tiêu quá lớn.
Nói đơn giản là chúng ta đang chi tiêu một cách bạt mạng trong khi chỉ làm ra được rất ít tiền. Điều này đang dẫn đến tình trạng nợ công gia tăng mạnh, đồng thời hút kiệt nguồn lực cần thiết dành cho đầu tư phát triển. Theo PGS.TS Phạm Thế Anh thuộc Đại học Kinh tế quốc dân, việc Việt Nam thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu. Vài năm trở lại đây, chi thường xuyên hàng năm đã tăng gấp 4 lần chi cho đầu tư phát triển từ NSNN, mà một phần lớn trong số đó là các khoản chi có hiệu quả kinh tế rất thấp do sự cồng kềnh của bộ máy hành chính đến từ số lượng cán bộ công chức và các hiệp hội đoàn thể quá nhiều.
Thực trạng đáng báo động này chỉ ra một thực tế: nếu Việt Nam không nhanh chóng thay đổi tình trạng này thì dù cải cách kinh tế có thành công chăng nữa thì cũng chỉ là vô nghĩa. Vì cải cách kinh tế hiểu một cách đơn giản là gia tăng nguồn thu thông qua thúc đẩy các bộ phận chủ chốt trong nền kinh tế hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Nhưng một khi không giảm được tốc độ tăng chi thường xuyên quá lớn hiện nay từ NSNN thì dù cải cách kinh tế có giúp cho tăng thu ngân sách được bao nhiêu đi nữa thì cũng không đủ để bù đắp khoản thâm hụt do chi thường xuyên gây nên.
Nói cách khác, một ông chồng có cố gắng làm ra bao nhiêu tiền đi nữa thì cũng không thể chịu nổi nếu có một bà vợ chi tiêu bạt mạng theo kiểu vung tay quá trán một cách thiếu suy nghĩ. Ở thời điểm hiện tại của Việt Nam, khi ông chồng chưa làm ra nhiều tiền hay nói cách khác là cải cách chưa thành công thì bà vợ tức các khoản chi thường xuyên đã chi tiêu quá trán từ rất lâu rồi.
Nguy hiểm hơn nữa là tình trạng tăng chi thường xuyên quá nhanh đó lại có xu hướng cản trở quá trình cải cách. Vì gánh nặng ngân sách do chi thường xuyên quá lớn có xu hướng lạm vào nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển. Vài năm trở lại đây, trong khi tỷ lệ tăng chi thường xuyên có xu hướng gia tăng thì tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển lại bị thu nhỏ lại, đó là tác động từ việc nỗ lực cắt giảm chi tiêu công chủ yếu nhắm vào cắt giảm chi đầu tư phát triển, còn chi thường xuyên vốn là nhân tố được coi như ít có đóng góp hơn cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn thì không những ít bị cắt giảm mà lại có xu hướng gia tăng.
Tình trạng đó đồng nghĩa với việc, ở thời điểm hiện tại chúng ta đang tồn tại bằng cách ăn dần những cơ hội của tương lai. Một khi cứ tiếp tục duy trì sự tồn tại của rất nhiều các bộ phận vô tác dụng trong bộ máy quản lý bằng cách hút kiệt các nguồn lực cho đầu tư phát triển về dài hạn, sẽ đến lúc mọi thứ sẽ không thể cứu vãn được nữa. Làm ra quá ít trong khi tiêu pha bừa bãi và thiếu kiểm soát lại quá nhiều là một dấu hiệu báo trước cho sự suy tàn, dù là với một gia đình hay là một quốc gia.
Theo Motthegioi