Kêu “đứt dây chết” là hơi muộn!

Bây giờ mới kêu “đứt dây chết” thì hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không…

“Nợ công cứ tăng như vừa rồi là chết!”. Đó là nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngày 7.3.2016. Phát biểu trước Ủy Ban Thường vụ Quốc hội cùng ngày Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, nợ công trên GDP đã là 62,2% (trong khi các chuyên gia cho là còn cao hơn) và than rằng điều hành ngân sách theo kiểu "đi trên dây" và tình thế này vẫn tiếp tục trong năm 2016, đặc biệt là với những diễn biến của giá dầu. "Đến năm 2017 mà đứt dây thì chúng ta chết”.

Bây giờ mới kêu “đứt dây chết” thì hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không. Nếu giả như các vị lãnh đạo lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, trong đó có cả người viết bài này từ chí ít năm 2010 thì đâu nên nỗi.

Nguồn thu chính của ngân sách nhà nước là: thuế, bán tài nguyên hay tài sản (thí dụ thu từ dầu khí), thu từ dịch vụ do nhà nước thực hiện hay lợi nhuận từ doanh nghiệp nhà nước.

Các khoản chi chính của ngân sách nhà nước là: chi vận hành bộ máy nhà nước (kể cả đảng và các tổ chức quần chúng), thường được gọi là chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ (lãi và một phần gốc).

68

Nếu thu không đủ chi thì phải vay để bù khoản “bội chi” đó. Nếu thu nhiều hơn chi thì có “bội thu”.

Ở hầu hết các nước, Quốc hội (cơ quan lập pháp) ban hành luật ngân sách nhà nước chi tiết hàng năm và Chính phủ (cơ quan hành pháp) không được vi phạm luật ngân sách năm đó.

Ở Việt Nam chỉ có luật ngân sách “khung”. Trong Luật ngân sách Việt Nam không hề có khái niệm “bội thu” mà chỉ có “bội chi” (trừ luật mới 2015 có hiệu lực từ 2017, luật này có 1 lần nói đến “bội thu” trong Điều 7 nhưng khi có 39 lần nói đến “bội chi”; còn luật 2002 đang hiện hành không hề có khái niệm “bội thu” nhưng 10 lần nói đến “bội chi”). Cái não trạng của chính cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp chỉ biết đến “bội chi” đó khiến cho ngân sách nhà nước bị thâm hụt suốt hàng chục năm qua. Thâm hụt ngân sách thì phải vay bù vào và làm cho nợ công tăng lên, ngày càng nhanh đến mức người ta phải giật mình.

Không chỉ chính phủ trung ương nợ mà các chính quyền địa phương cũng có thể nợ. Nợ công gồm nợ của chính phủ trung ương và các chính quyền địa phương.

Dẫn báo cáo ngày 18.5.2015 của Chính phủ bài thảo luận chính sách mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết tỷ lệ nợ công/GDP là: 49,7% (2011); 50,0% (2012); 53,3% (2013) ước tính 60,3% cho 2014 và 65% cho năm 2015. Có thể thấy tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh trong mấy năm vừa qua và đã vượt quá “ngưỡng” 60%.

Tỷ lệ 60,3% của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ nợ công của Trung Quốc (41,06%), Thái Lan (45,2%), Phillipines (45,4%) và Indonesia (25%) trong năm 2014.

Nguyên nhân chính của nợ công tăng nhanh là chính sách chi ngân sách lỏng lẻo (từ bản thân luật), bộ máy hưởng ngân sách quá lớn, chi đầu tư phát triển kém hiệu quả. Cuối năm 2015, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã phải thốt lên “chi thường xuyên lên đến hơn 70% tổng chi thì phải thẳng thắn mà nói là với bộ máy như thế này, ai mà nuôi cho được,” nói cách khác chỉ còn chưa đầy 30% tổng chi cho trả nợ và đầu tư phát triển thì quá gay go do các khoản phải trả nợ từ ngân sách tăng rất nhanh, vẫn theo VEPR, từ 88 ngàn tỷ năm 2010 lên gần 150 ngàn tỷ năm 2015, trong đó riêng trả lãi so với tổng chi ngân sách đã tăng từ 3,2% năm 2010 lên 7,7% năm 2015.

Chỉ có cách siết chặt kỷ luật ngân sách, tinh giản bộ máy nhà nước, cắt bớt các khoản chi cho các tổ chức đảng và tổ chức quần chúng (một đặc thù rất Việt Nam) để giảm tỷ lệ chi thường xuyên; tăng hiệu quả đầu tư thì ngân sách nhà nước mới có cơ thoát khỏi việc “đi trên dây” và thoát chết.

Cần sự thay đổi triệt để trong việc tổ chức Quốc hội, nhất là thay đổi tư duy về làm luật ngân sách hàng năm thay cho luật ngân sách “khung” và phó mặc cho những người tiêu tiền (hành pháp) vốn có khuyến khích tiêu càng nhiều càng thích (một chuyện rất con người) khi không bị luật khống chế.

Chính phủ phải bị giám sát nghiêm ngặt về chi ngân sách và phải nỗ lực hết sức để tránh thất thu.

Nhân dân và xã hội dân sự phải tích cực tham gia giám sát, phát hiện sai sót, nhất là tham nhũng trong chi tiêu ngân sách.

Làm được thế thì điều hành ngân sách không phải “đi trên dây” giảm dần bội chi ngân sách tiến tới cân bằng và có thể có bội thu ngân sách.

Theo Dantri

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin