Hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp vi phạm quy định về bảo hiểm

17/08/2019 08:02

Nghị quyết số 05 ngày 15-8-2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng các điều 214, 215 và 216 của BLHS về nhóm tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 41 ngày 20-6-2017 của Quốc hội; Kế hoạch triển khai, thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Nghị quyết số 41 của Quốc hội trong TAND; để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 05 ngày 15-8-2019 hướng dẫn áp dụng hướng dẫn áp dụng các điều 214, 215 và 216 của BLHS về nhóm tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Chúng tôi xin giới thiệu cụ thể nội dung Nghị quyết quan trọng này.

Nghị quyết gồm 08 điều, với những nội dung cụ thể như sau:

Điều 1 xác định phạm vi điều chỉnh của nghị quyết là hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều:

+ 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp;

+ 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế;

+ 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của BLHS.
Điều 2 của Nghị quyết hướng dẫn cách hiểu thống nhất 15 thuật ngữ pháp lý được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng, như:

– Lập hồ sơ giả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 214 của BLHS

– Lập hồ sơ bệnh án khống quy định tại điểm a khoản 1 Điều 215 của BLHS

– Kê đơn thuốc khống quy định tại điểm a khoản 1 Điều 215 của BLHS

– Kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 215 của BLHS

– Chi phí khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 215 của BLHS

– Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của BLHS

– Thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của BLHS

– Thẻ bảo hiểm y tế giả quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của BLHS

– Thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của BLHS

– Trốn đóng bảo hiểm quy định tại Điều 216 của BLHS

– Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 216 của BLHS

– Không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 216 của BLHS

– Không đóng đầy đủ quy định tại khoản 1 Điều 216 của BLHS

– 06 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều 216 của BLHS.

– Thiệt hại do hành vi phạm tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 214 và Điều 215 của BLHS

Điều 3 của Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số tình tiết định khung hình phạt, như:

– Có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 các điều 214 và 215 của BLHS

– Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt quy định tại điểm đ khoản 2 các điều 214 và 215 của BLHS

– Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm a khoản 2 Điều 216 của BLHS

– Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm d khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 216 của BLHS.

Điều 4 của Nghị quyết hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể:

– Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại các điều 214 và 215 của BLHS chiếm đoạt tiền bảo hiểm và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tổng số tiền bảo hiểm của các lần bị chiếm đoạt bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần bị chiếm đoạt, nếu các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

– Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại các điều 214 và 215 của BLHS gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tổng số tiền của các lần bị thiệt hại bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần gây thiệt hại, nếu các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

– Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vừa chiếm đoạt tiền bảo hiểm vừa gây thiệt hại mà số tiền bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điều 214 và 215 của BLHS thì xử lý như sau:

a) Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản.

Ví dụ: Nguyễn Văn A thực hiện hành vi lập hồ sơ giả bảo hiểm xã hội chiếm đoạt 20.000.000 đồng và gây thiệt hại 150.000.000 đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.

b) Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn.

Ví dụ: Nguyễn Văn A thực hiện hành vi lập hồ sơ giả bảo hiểm xã hội chiếm đoạt 20.000.000 đồng và gây thiệt hại 250.000.000 đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 214 của BLHS.

c) Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả hai tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Nguyễn Văn B thực hiện hành vi lập hồ sơ giả bảo hiểm xã hội chiếm đoạt 150.000.000 đồng và gây thiệt hại 250.000.000 đồng thì Nguyễn Văn B bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 214 của BLHS.

– Người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm y tế để chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc gây thiệt hại, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại các điều 214 hoặc 215 của BLHS, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 của BLHS nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Điều 5 của Nghị quyết hướng dẫn xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018.

– Đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 216 của BLHS mà tùy từng trường hợp xử lý như sau:

+ Trường hợp chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

+ Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này thực hiện theo pháp luật về thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

+ Trường hợp gây thiệt hại cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

– Không coi việc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 216 của BLHS.

Điều 6 của Nghị quyết hướng dẫn xác định tư cách tố tụng của cơ quan bảo hiểm xã hội (Điều 6), theo đó:

Trong các vụ án hình sự mà bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 214, 215, và 216 của BLHS, cơ quan bảo hiểm xã hội tham gia tố tụng với tư cách là bị hại.

Về tổ chức thực hiện (Điều 7)

– Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của BLHS, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan bảo hiểm xã hội gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của BLTTHS.

Đối với tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của BLHS thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của BLTTHS.

– Khi nhận được tin báo về tội phạm hoặc văn bản kiến nghị khởi tố và chứng cứ, tài liệu có liên quan, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.

– Việc gửi văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền thực hiện theo quy định của BLTTHS và Thông tư liên tịch số 01/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Về hiệu lực thi hành (Điều 8)

Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2019.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/cong-dan-va-phap-luat-2/huong-dan-viec-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-trong-mot-so-truong-hop-vi-pham-quy-dinh-ve-bao-hiem

Bạn đang đọc bài viết "Hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp vi phạm quy định về bảo hiểm" tại chuyên mục An ninh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin