Hồn Tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú

21/02/2018 23:18

Những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018 chúng tôi có may mắn được theo chân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thực hiện nghi lễ chào cờ cấp Quốc gia tại cột cờ Lũng Cú - nơi địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc. Hiên ngang ngự trị trên bầu trời là lá cờ Tổ quốc thiêng liêng có diện tích 54m2 (chiều dài 9 mét, chiều rộng 6 mét) tượng trưng cho sự đoàn kết của 54 dân tộc anh em trên khắp cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thực hiện nghi lễ chào cờ cấp Quốc gia tại cột cờ Lũng Cú
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thực hiện nghi lễ chào cờ cấp Quốc gia tại cột cờ Lũng Cú)

Chủ tịch Quốc hội chào cờ tại cột cờ Lũng Cú

Trong chuyến thăm, làm việc tại Hà Giang, sáng 27/1/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm lễ chào cờ cấp Quốc gia tại cột cờ Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang -điểm cực Bắc, nơi địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc. Trong không khí trang nghiêm của Lễ chào cờ, Chủ tịch Quốc hội đã ôn lại truyền thống vẻ vang dựng nước và giữ nước của dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh xương máu để giành độc lập cho Tổ quốc. Cột cờ Lũng Cú được ví như nóc nhà của Việt Nam, là phên dậu, biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền đất nước, là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, có vị trí chiến lược quan trọng.

Trong không khí của ngày hội “Xuân biên cương ấm lòng dân bản 2018”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm, nói chuyện, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (BP) Lũng Cú và bà con nhân dân các xã Lũng Cú, Ma Lé, Lũng Táo, huyện Đồng Văn. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội gửi đến quân và dân những tình cảm yêu quý, trân trọng nhất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ghi nhận đóng góp của những người lính ngày đêm canh giữ biên cương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho bộ đội biên phòng (BĐBP) nói chung, Đồn BP Lũng Cú nói riêng là rất nặng nề, không chỉ bảo vệ biên cương của Tổ quốc mà còn phải góp phần xây dựng đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, tham gia tăng cường cán bộ cho các thôn, bản.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần tiếp tục phát huy những thành tích đạt được trong năm 2017, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao; trước mắt tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc công tác sẵn sàng chiến đấu, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác BP, chủ động làm chủ tình hình, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới trên địa bàn đơn vị phụ trách; tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, có kế hoạch cắt cử, phân công cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn ăn Tết với bà con nhân dân. Chủ tịch Quốc hội mong muốn cấp ủy, chỉ huy đơn vị Đồn BP phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, nhất là các gia đình chính sách, các hộ nghèo, bảo đảm 100% các hộ trong địa bàn được đón Tết vui vẻ, đầm ấm và hạnh phúc.

Trong sáng 27/1, tại thôn Ma Lé, xã Ma Lé, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Trung tướng Hoàng Xuân Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP đã chủ trì lễ khánh thành và tặng nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” cho ông Thào Mí Chính (SN 1954, dân tộc Mông). Ông Chính là người neo đơn có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Năm 2017, mưa bão đã làm ngôi nhà cấp bốn, dột nát của ông bị sập tường phía sau. Để đảm bảo nơi an cư cho ông Chính, Bộ Tư lệnh BĐBP đã trích từ quỹ của đơn vị ủng hộ 70 triệu đồng, Đồn BP Lũng Cú vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng. Bên cạnh đó, cán bộ chiến sĩ của Đồn BP Lũng Cú và người dân địa phương đã đóng góp hàng trăm ngày công lao động để xây tặng ông ngôi nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”. Tại buổi lễ, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến đã tặng ông Chính 1 tivi 40 inch.

Linh thiêng cột cờ Lũng Cú

Trung tá Nguyễn Hồng Phong - Đồn trưởng Đồn BP Lũng Cú cho biết, cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng - ngọn núi đá vôi tuổi Cambri hệ tầng Chang Pung với độ cao 1.700m so với mực nước biển, cách huyện lỵ Đồng Văn 24km, cách TP Hà Giang 154km. Tên gọi Lũng Cú có từ lâu đời, có nhiều giả thiết về tên gọi này và đến nay vẫn chưa có khẳng định nào chính thức. Có giả thiết cho rằng Lũng Cú gọi theo tiếng Lô Lô phiên âm Hán Việt là Long Cư, có nghĩa là nơi rồng ở, là vùng đất quần tụ của rồng.

Theo các sử liệu ghi lại, có giả thiết cho rằng địa danh Lũng Cú mang tên một người thủ lĩnh đứng đầu dòng họ dân tộc Lô Lô có công khai khẩn đất hoang, gìn giữ và phát triển vùng đất. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử họ vẫn bám trụ nơi này và người Lô Lô ở các vùng khác như Mèo Vạc (Hà Giang) hay Bảo Lạc (Cao Bằng) luôn coi Lũng Cú - Đồng Văn là quê hương của mình. Sử liệu cũng ghi lại, tiền thân của cột cờ Lũng Cú ngày nay xuất hiện từ thời Lý, khi Lý Thường Kiệt hội quân trấn ải biên thùy, ông đã cho treo một lá cờ tại nơi này để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ. Cũng chính nhờ lá cờ đó mà trong suốt quá trình lịch sử, vùng đất biên ải này luôn được giữ vững. Đến triều đại nhà Tây Sơn, sau khi đại phá quân Thanh, Hoàng đế Quang Trung cũng đã cho đặt một chiếc trống đồng nơi đây, cứ mỗi canh tiếng trống lại vang lên 3 hồi đĩnh đạc như một sự khẳng định chủ quyền của đất nước. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch sang tiếng Mông là Long Cổ, tức là tiếng trống của nhà vua. Nơi từng đặt chiếc trống hiện nay là Trạm Kiểm soát BP Lũng Cú.

Nhà thơ Hùng Đình Qúy (SN 1938, nguyên là Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang) tại Chương trình Giao lưu nghệ thuật Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản 2018 kể khi còn là Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, ông đã đưa ra ý tưởng cắm một cột cờ bằng cây sa mộc cao 12 mét trên đỉnh núi Rồng - nơi bây giờ là cột cờ Lũng Cú. Năm 1978, Đồn BP Lũng Cú đã dựng cột cờ cao 12 mét trên đỉnh núi. Trong suốt những năm tháng chiến tranh và đến mãi sau này, lá cờ luôn được các chiến sĩ BĐBP và nhân dân các dân tộc nơi đây duy trì, bảo vệ.

Năm 2000, tỉnh Hà Giang cho xây dựng cột cờ tại vị trí ngày nay, cũng là vị trí treo lá cờ khi xưa. Từ tháng 8 đến tháng 12/2000, những người dân Lũng Cú đã gùi, kéo lên đỉnh núi cao Rồng gần 2 tấn thép, 8.000 viên gạch, gần 70m3 đá và cát để xây dựng nên cột cờ. Cột cờ được khởi công xây dựng vào tháng 4 năm 2001 và hoàn thành vào ngày 21/12/2001.

Cột cờ được xây dựng lại vào năm 2010, tổng số bậc từ dưới chân núi lên đỉnh là 839 bậc, trong đó bên trong thân cột cờ là 135 bậc. Tổng chiều cao cột cờ là 34,85 mét, trong đó phần chân bên lan can cao 20,6 mét, cán cờ cao 14,25 mét, đường kính ngoài cột là 3,8 mét, trong cột là 3 mét. Hiên ngang ngự trị trên bầu trời là lá cờ Tổ quốc thiêng liêng có diện tích 54m2 (chiều dài 9 mét, chiều rộng 6 mét) tượng trưng cho sự đoàn kết của 54 dân tộc anh em trên khắp cả nước. Ngay dưới chân cột cờ có 8 mặt phù điêu tượng trưng cho nền văn hóa của từng vùng miền và 8 mặt của trống đồng.

Việc canh gác lá cờ được các cán bộ, chiến sỹ của Đồn thực hiện suốt 24/24h. Lá cờ trên đỉnh Lũng Cú phải thay mới khá thường xuyên, tuy nhiên không định kỳ mà phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Do yếu tố thời tiết và địa hình nơi đây, gió thường rất mạnh và liên tục nên mỗi khi gió giật rách cờ, các cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Lũng Cú lại phải tiến hành thay cờ. Nhà thơ Hùng Đình Quý cho biết, trước kia cờ may bằng vải phin, treo trên đỉnh núi cao, gió thổi phần phật nên rất nhanh rách. Sau đó, lá cờ được thay bằng vải lụa nên bền hơn.

Tại Lũng Cú, mỗi lá cờ là một câu chuyện, một minh chứng cho hồn thiêng sông núi nơi địa đầu Tổ quốc. Mỗi lá cờ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình lại được các chiến sỹ gấp lại, ghi mã số, ngày thượng cờ, ngày hạ cờ và được bảo quản một cách trang nghiêm. Những lá cờ này sẽ được các cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Lũng Cú tặng cho các đoàn khách đến thăm Lũng Cú như một món quà mang nhiều ý nghĩa tinh thần. Những lá cờ mang ý nghĩa lan tỏa lòng yêu nước, truyền thống bất khuất, kiên cường của quân và dân cho mỗi cơ quan, đơn vị được tặng.

Trước đây, khi làm công tác lưu trữ, những lá cờ chỉ được ghi nội dung là lá cờ đã được treo trên cột cờ Lũng Cú. Từ tháng 8/2014, Đồn BP Lũng Cú đã mở sổ theo dõi cấp cờ, đánh số thứ tự cờ và lập bảng thuyết minh cột cờ Lũng Cú có đóng dấu của Đồn. Có những lần tặng cờ mang ý nghĩa thiêng liêng nhất, đó là ngày 25/4/2012, tại đảo Trường Sa, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã tặng lá cờ Lũng Cú cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo, nói lên tấm lòng của 23 dân tộc sinh sống tại tỉnh Hà Giang luôn hướng về biển đảo xa xôi. Thượng tá Phạm Quang Trung - Chính trị viên đảo Trường Sa đã gửi tặng lại đồng bào Hà Giang lá cờ bạc màu và thấm đẫm gió biển của huyện đảo Trường Sa.

Theo Bao Phapluat

Bạn đang đọc bài viết "Hồn Tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú" tại chuyên mục Xã hội. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin