(Pháp lý) - Với nhiều người, Tết xưa dường như vẫn còn phảng phất trong tâm thức mỗi khi mưa xuân bao phủ hiên nhà. Tết của người Hà Nội đang được lưu giữ trong ký ức của nhiều thế hệ tiếp nối nhau…
Theo cha đi lễ Tết
“Những năm tôi còn thơ ấu, Tết bắt đầu bằng việc mang đồ thờ, đỉnh đồng, đèn đồng ra đánh sáng choang và thầy tôi mang câu đối ra treo. Ngày thường, nhà vẫn treo câu đối gỗ, nhưng những đối trướng mừng thọ bà nội, bằng gấm, bằng nỉ đỏ thêu kim tuyến hình những ông tiên, ông thọ, thủy ba, vân cuốn thủy rồi chim muông, hoa lá, thì Tết mới lại mang ra treo. Treo kín những bức tường, đỏ rực cả không gian. Vui nhất là ngày treo câu đối. Thế là Tết đã đến rồi…
Sau đó là bác tôi từ Hà Nội về mang theo vô số thứ, giò lụa, giò gà, bánh chưng, rượu mùi, rồi bát hoa thủy tiên lạ mắt… nhưng tôi sướng nhất là có bánh pháo cuộn tròn to như cái nón. Chỉ chờ người lớn không để ý, rón rén mở ra ngó một cái là đã sướng mê mẩn, rồi chạy vội đến nhà cu Chệu, bạn tôi để khoe”.
Cụ Phan Lạc Đa, 90 tuổi, ở 65 Châu Long, Hà Nội nhớ những ngày Tết xưa ở quê với những ký ức còn tươi rói như thế.
“Là con trai lớn trong nhà nên khi 9 - 10 tuổi, tôi luôn ôm tráp theo thầy tôi đi lễ Tết.
Tráp là cái hộp gỗ sơn then hình chữ nhật, cao và rộng chừng 30 phân, rộng 40 phân, mở ra có vẽ trúc mai ở mặt trong của nắp hộp. Tôi cũng mặc áo the dài, quần trắng và đầu phải quấn khăn nhiễu tím, giầy Chí Long thật trịnh trọng. Cái tráp ấy đựng bánh mứt, cau trầu và hương. Đầu tiên, là đến nhà bác Tú, lễ cụ Giải nguyên rồi sang bên ngoại, hai chỗ này tôi đã được giao mang lễ đến trước, từ chiều 30 Tết.
Sau hai chỗ ấy, hai cha con đến lễ Tết cụ Thiếu bảo Đại học sĩ, vị Tổng đốc hồi hưu mà thầy tôi gọi là cậu ruột. Dù là con cháu trong nhà nhưng đến đó lúc nào tôi cũng thấy rất trịnh trọng. Trông thấy cha con tôi đến là cụ vui lắm, vui vẻ mời ngồi uống trà, tôi thì vội theo cha chắp tay "Lạy ông lớn ạ" rồi ra thắp hương, lễ trước bàn thờ, sau đó mới ngồi xuống tràng kỷ, hầu trà cụ.
Cụ Thiếu mặc áo gấm đỏ, trên gương mặt đôn hậu có những chấm đồi mồi. Sau những lời chúc tụng, cụ thường mừng tuổi cho tôi một đồng 2 xu dày. Hai xu bằng bốn chinh, có thể mua được cái bánh chưng, nhưng đồng 2 xu dày này còn quý ở chỗ đánh đáo thích lắm. Tôi để đồng tiền trong túi áo mà thỉnh thoảng lại nắn xem nó có ở yên đó không…
Mỗi dịp Tết như thế, phải đi lễ Tết rất nhiều, trước hết là những gia đình quan hệ thân tộc, nội ngoại, thông gia, hàng xóm gần gũi, rồi những gia đình mà nhà mình có mồ mả ở ruộng nhà họ. Những gia đình đó thì không chỉ thẻ hương, quả cau mà có bánh, mứt nữa.
Đi lễ Tết rất mỏi chân, nhưng thật là vui vì có nhiều tiền mừng tuổi. Nhà cô nghèo thì cho một chinh, nhưng đến nhà ông Cả Hữu, một thương gia từ Nam Định về ăn Tết thì năm nào tôi cũng được mừng tuổi 1 hào… 1 hào đó là cả gia tài của tuổi thơ. Dọc đường làng, người đi lại tấp nập, ai cũng mặc đẹp, nhất là những người đi làm ăn, buôn bán các nơi, các vị quan chức về quê ăn Tết. Các cụ gặp nhau đều vái chào và chúc tụng, cười nói râm ran, trên đường đầy xác pháo như những bông hoa.
Theo cha lên tỉnh viết chữ Nho
Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách, tuổi ngoài 90 mà khi nhắc đến Tết, mắt cụ ánh lên lấp lánh. Cụ kể rằng: Quê tôi ở Gia Lộc, Hải Dương, từ năm lên 10 tuổi, tôi bắt đầu theo bố lên thị xã viết câu đối, nhiệm vụ là mài mực. Đi từ 20 đến 29 tháng Chạp mới về. Lên phố chọn chỗ đông đúc, có bức tường thoáng đãng, các ông đồ trải chiếu viết chữ, thành một phố ông đồ nho nhỏ. Viết sẵn từng đôi kẹp vào sợi dây căng trên tường, ai thích đôi nào lấy luôn đôi ấy khỏi phải chờ. Nhưng nhiều người nghĩ được đôi câu đối hay câu có sẵn của nhà ra nhờ viết… Cụ viết chữ đẹp có tiếng, nên đông khách lắm.
“Lúc đó lên thị xã vừa thích thú vì lạ lẫm, vì quá đông người, vừa sợ hãi, trông thấy mấy anh lính cũng sợ họ bắt” – cụ kể rồi bật cười. Ngày kết thúc, bố mua cho bánh pháp tép 1 hào, thế là sướng lắm rồi. Đi mươi ngày như thế được khoảng 10 đồng, số tiền đó có thể mua được một con trâu.
Khi đó (những năm 1934 -1935) con vịt cỏ chỉ khoảng 3 xu, con vịt bầu 8 xu đến 1 hào - cụ Bách nhớ lại. Xem ra nhuận bút của các ông đồ ngày xưa khá cao, đúng là thời mà dân mình còn chuộng chữ Nho.
Cụ Bách mới làm đôi câu đối: Tết nhất thủa ngây ngô, nhà nhiều câu đối đỏ, xem ngõ gói chưng xanh, cùng đám bạn trẻ ranh, đáo lỗ đúc tiền sành. Lúc được lúc thua vui đáo để/ Xuân nay ngoài chín chục, đầu bạc phốc như cò, nhìn cháu con hái lộc, mươi chồi lan khóm trúc, đấu lên giàn chúc phúc, chẳng tiên chẳng hạc đẹp gì hơn.
Đêm giao thừa đặc biệt
Cụ Như Trúc, năm nay 83 tuổi thì chia sẻ một kỷ niệm không thể nào quên: Tôi nhớ mãi Tết năm Bính Thân 1956, sau những biến cố đặc biệt, gia đình bị quy thành phần địa chủ, phải chuyển xuống ở mấy gian nhà tranh. Gia đình tôi đón một cái Tết trong thiếu đói, lo âu. Đêm 30 Tết năm đó, gió rét như cắt, cả nhà đóng kín cửa chờ cho năm cũ đen đủi qua đi. Bỗng có hai tiếng “bịch, bịch” ngoài sân. Cả nhà choàng dậy, lo lắng không biết ai ném gì vào nhà mình. Cầm cây đèn ra xem sao, tôi bất ngờ thấy trên sân có hai cái bánh chưng còn ấm.
Mang hai chiếc bánh thơm phức vào nhà, ai cũng vui sướng, vì hoàn cảnh ngặt nghèo, năm nay đâu có mơ đến bánh chưng. Đặt hai cái bánh lên bàn thờ dựng tạm, chúng tôi thắp nén nhang tạ ơn tổ tiên đã phù hộ và thầm cám ơn ai đó đã có nghĩa cử này. Cho đến tận bây giờ, gia đình tôi cũng không biết ân nhân đó là ai.
Cũng đêm hôm đó, lại có một chuyện lạ nữa, đó là con mèo đen của gia đình bỗng tha đâu về một con cá quả. Con mèo cắp con cá đặt vào giữa nền nhà rồi chạy ra cửa ngó vào kêu meo meo. Mẹ tôi bảo: Con mèo có nghĩa, nó đi kiếm cá về cho gia đình ta ăn Tết đấy.
Quả nhiên đó là những điềm lành. Cuối năm đó do chính sách sửa sai, gia đình tôi được trở về nhà cũ. Đón năm mới Đinh Dậu ở ngôi nhà chứa đựng biết bao kỷ niệm sau biến cố kinh hoàng đó, cha tôi viết đôi câu đối đỏ dán trước hiên nhà: Chim reo trước cửa mừng người cũ; Hoa nở ngoài sân đón chủ xưa.
Xếp hàng mua hàng Tết
Với những ký ức gần đấy hơn, bà Phan Thị Nhiệm, 66 tuổi ở ngõ 29 Thụy Khuê, Hà Nội không khỏi bật cười nhớ lại việc chuẩn bị đón Tết trong những năm tháng bao cấp. Hồi đó, người Hà Nội đều có tem phiếu, phiếu mua thực phẩm, phiếu mua chất đốt, phiếu mua vải và sổ gạo. Ngày Tết, mỗi gia đình được mua một số hàng hóa bao gồm vài cân thịt, dăm cân gạo nếp, một ít đỗ xanh, miến, bóng bì, hai bao thuốc lá, hai gói chè Ba Đình, chai rượu cam, vài cân bột mỳ, một chai nước mắm, ít lá dong, rồi củi đun bánh chưng, một bánh pháo tép… Tất cả đều phải có phiếu và đương nhiên đều phải xếp hàng.
Bà Nhiệm kể: Mua hàng Tết là vất vả lắm và phải chịu khó mới được. Nhiều khi phải xếp hàng từ 12 giờ đêm, để sáng sớm họ mở cửa hàng là mình đứng gần đầu ngay. Ai lười, chậm chân một chút thì có khi đến lượt là hết hàng, phải chờ buổi sau hoặc có còn thì cũng là những thứ đầu thừa đuôi thẹo.
Hồi đó mua thịt ai cũng thích mua được thịt thủ, vì được mua nhiều gấp đôi thịt mông, thịt dọi (ba chỉ), nên muốn mua được thịt thủ thì phải đi xếp hàng sớm, khi trời chưa sáng. Người nọ gọi người kia, như đi xem phim bãi. Ra đó, vừa kê ghế ngồi giữ chỗ vừa nói chuyện râm ran cho đỡ buồn ngủ. Chưa kể, một dãy quầy hàng, không biết họ sẽ bán ở quầy nào, thế là phải liên kết với nhau, hai người xếp hàng hai dãy, cầm thêm cái nón mê hay hòn gạch giữ chỗ hộ người kia. Nếu không phối hợp thế thì có khi công cốc.
Thông thường, để mua đủ số hàng Tết đó, phải mất nhiều buổi trong cả tuần, mà như bây giờ số thực phẩm đó không đủ một bữa liên hoan. Mua xong hàng Tết thì con gái trong nhà lo việc đi làm bánh quy gai, quy xốp. Khi đó Hà Nội có vô số nhà mở lò làm quy gai, quy xốp, đến nỗi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu tiên ra Hà Nội ngạc nhiên hỏi: "Ông Quy xốp" là ai mà nổi tiếng thế?!". Vài cô bạn thân lại rủ nhau cùng đi làm bánh. Đến đó, lấy một cái chậu nhôm và cái dụng cụ khuấy rồi cho đường, trứng, bột mỳ của mình cho vào đấy, đánh đều lên, càng đánh kỹ càng tốt.
Sau đó họ mới dùng khuôn để làm bánh quy gai, là những thỏi dài chừng 10cm có những cái gai lốm đốm, hay bánh quy tròn, quy vuông có răng cưa chạy quanh và đưa vào lò. Làm xong mẻ bánh cũng hết nửa ngày.
Xong hết những việc đó thì những phụ nữ khéo tay tranh thủ làm thêm chút mứt gừng, mứt quất để thể hiện tài nữ công gia chánh của con gái Hà thành. Phải nói, hồi đó cái gì cũng hiếm, một trong những thứ quý hiếm nhất là đường.
Bà Nhiệm bật cười kể: Nhà một cô bạn tôi trong xóm, quanh năm không dám uống một thìa nước đường, tất cả số đường mua được, chỉ tiêu 2 lạng/người/tháng, ông bố cô ấy đem tích vào một cái bình thủy tinh, bày trang trọng trên cái tủ kê sát bàn khách, khiến ai đến chơi cũng choáng ngợp. Lọ đường kính như thể hiện đẳng cấp phong lưu của gia chủ.
Đường đã thế, mỳ chính còn quý bội phần. Vì thế, cái gì hiếm thì người ta ví "như mỳ chính cánh". Hồi đó, phở mậu dịch thường nhạt nhẽo, ít thịt nhiều bánh, nên có một số người thường chứng tỏ sự giàu sang của mình bằng cách, trước khi ăn, họ lấy trong túi ra cái lọ penixilin đựng mỳ chính, rồi trịnh trọng lấy cái tăm chấm một cái và hòa vào bát phở, trong sự ngưỡng mộ của những người xung quanh.
Có điều là hồi đó khó khăn, thiếu thốn, cái gì cũng phải xếp hàng nhưng không ai thấy sốt ruột như bây giờ, ai cũng thong thả, vui vẻ với cái công việc xếp hàng và chờ đợi như thế…
**
Ngày Tết đối với cuộc đời mỗi người thật đặc biệt, mỗi tuổi cảm nhận Tết một cách khác nhau, đẹp nhất là Tết thời thơ ấu. Ngày nay cuộc sống vật chất đã đủ đầy, nhưng xã hội luôn thay đổi, những gì hôm nay lại sẽ là ký ức không thể nào quên cho mai sau, dù mùa xuân đến, hoàn cảnh nào cũng mang đến cho con người chí ít là một niềm hy vọng.
Lưu Thái Bảo