Hiến pháp mới của Thái Lan có thể cứu nguy bà Yingluck

Hiến pháp mới của Thái Lan sẽ cho phép các chính trị gia bị Tòa án tối cao kết tội có quyền kháng cáo, cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra có thể được hưởng lợi từ điều này.

 Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck là một trong số các chính trị gia sẽ được quyền kháng cáo với những nội dung tuyên án của Tòa án Tối cao với bà - Ảnh: Bangkok Post
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck là một trong số các chính trị gia sẽ được quyền kháng cáo với những nội dung tuyên án của Tòa án Tối cao với bà - Ảnh: Bangkok Post)

Theo báo Bangkok Post, ông Athikhom Inthuphuti, tổng thư ký Văn phòng Bộ Tư pháp Thái Lan, ngày 7-1 tiết lộ thông tin một đặc quyền mới dự kiến sẽ sớm có hiệu lực trong hiến pháp của Thái Lan, cho phép những người bị kết án có thể nộp đơn kháng cáo lại bản án của họ tại cùng tòa án mà không phải trình bày thêm chứng cứ mới.

Đây sẽ là một sự thay đổi đáng kể so với hiến pháp năm 2007 khi trong đó quy định những người bị kết tội tại Tòa án Tối cao chỉ có thể kháng cáo trong trường hợp họ cung cấp được những bằng chứng mới đủ thuyết phục để tòa mở lại phiên xét xử.

Cũng theo hiến pháp năm 2007, đơn kháng cáo phải được được nộp lên phiên họp toàn thể của các thẩm phán Tòa án Tối cao trong vòng 30 ngày kể từ khi tuyên án.

Tuy nhiên trên thực tế, theo ông Athikhom, rất khó để các bị cáo có thể thu thập được thêm bằng chứng mới trong khoảng thời gian đó. Trong hầu hết các vụ việc, mọi bằng chứng mà bị cáo có được đã trình bày tại các phiên giải trình ban đầu trước tòa.

Đó là lý do vì sao Ban hình sự xét xử những người nắm giữ các vị trí trong chính quyền của Tòa án Tối cao thường bác bỏ các đơn kháng cáo, vì thường những bằng chứng do các bị cáo trình ra không mới.

Tuy nhiên quy định mới trong hiến pháp Thái Lan cho phép cả người bị kết án lẫn các nguyên đơn có quyền kháng cáo và phản bác lại những vấn đề pháp lý liên quan tới vụ việc mà không cần phải trình bày thêm bằng chứng mới.

Theo hiến pháp mới này, một hội đồng các thẩm phán của Tòa án tối cao sẽ được thành lập, không bao gồm các thẩm phán đã xét xử vụ việc lần trước, để thẩm định lại đơn kháng cáo của người bị kết án.

Cũng theo ông Athikhom, sau khi công bố về quyền mới trong hiến pháp, bất cứ bị cáo nào từng bị Ban hình sự xét xử đều có quyền kháng cáo.

Ông Athikhom nói: "Điều này cũng bao gồm cả vụ xét xử liên quan tới việc trợ giá lúa gạo". Ông Athikhom nhắc tới phiên tòa xét xử cựu thủ tướng Yingluck vì tội tắc trách trong khi thực thi chính sách này của chính phủ. Dự kiến phiên tòa xét xử bà Yingluck sẽ kết thúc vào cuối năm nay.

Theo Tuoitre

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin