Hàng loạt sếp lớn ngành ngân hàng và DNNN bị truy tố: Bài học nào được rút ra?

02/03/2018 13:11

( Pháp lý) - Năm “kỷ lục” xét xử “sếp lớn” ngân hàng vi phạm pháp luật

Quá trình “tái cơ cấu” ngành ngân hàng chưa bao giờ được tiến hành một cách quyết liệt và gắt gao như hiện nay. Năm 2017, tiếp tục có thêm hàng loạt các lãnh đạo cấp cao của nhiều ngân hàng phải hầu toà do vi phạm pháp luật. Một trong những quyết định gây rúng động ngành ngân hàng trong năm qua chính là việc khởi tố một cựu lãnh đạo cao cấp của chính Cơ quan điều hành hệ thống ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 8/9/2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình (63 tuổi), nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cựu Phó thống đốc NHNN bị khởi tố vì liên quan đến "đại án" kinh tế Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỷ đồng.

 Ông Đặng Thanh Bình – nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Ông Đặng Thanh Bình – nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng)

Liên quan đến Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), trong giai đoạn I của vụ đại án này, cơ quan điều tra đã chứng minh Danh và đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng. Ngày 24/1/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) 30 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tiếp tục giai đoạn II của vụ án, ngày 11/7/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Bộ Công an (C46) đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao tiếp tục truy tố Phạm Công Danh về tội cố ý làm trái. Cùng vụ án, có 23 bị can khác cũng bị đề nghị truy tố về tội danh trên. Đến ngày 24/11/2017, Viện KSND tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 46 bị can trong giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến 3 ngân hàng, gồm Sacombank, TPBank, BIDV.

Một vụ án khác gây rúng động ngành ngân hàng đã làm tốn nhiều giấy mực báo giới nhất năm 2017 chính là đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Đại Dương – Oceanbank với con số bị cáo lên tới 51 người. Phiên tòa cũng giữ kỷ lục về số lượng người tham gia tố tụng từ trước đến nay, lên tới 727 người (bao gồm các nhân chứng, giám định viên, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan….

Đến ngày 31/8/2017, sau quá trình điều tra mở rộng giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank và đồng phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can đối với 5 đối tượng trong đó có ông Nguyễn Xuân Sơn về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội tham ô và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ngày 29/9/2017, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra phán quyết cấp sơ thẩm, theo đó, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn bị Tòa sơ thẩm tuyên mức án tử hình.

Năm 2017, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan bảo vệ pháp luật, dự kiến tháng 1/2018, Tòa án đưa ra xét xử vụ án: Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC; vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVC Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank (vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm). Đáng chú ý trong đại án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, một cán bộ cấp cao – ông Đinh La Thăng cũng bị truy tố với tội danh “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bên cạnh đó, Tòa án đưa ra xét xử các vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 Ngân hàng: Ngân hàng Thương mại cổ phân Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm); vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm (phần Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại và các kiến nghị của Hội đồng xét xử).

 Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa phúc thẩm (nguồn ảnh: thanhnien.vn)
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa phúc thẩm (nguồn ảnh: thanhnien.vn))

Qua các vụ án kinh tế lớn xảy ra trong ngành ngân hàng được khởi tố, điều tra và xét xử năm 2017, cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật, không ai dù ở bất kỳ cương vị nào có thể đứng trên pháp luật. Phá thành công các đại án trong ngành ngân hàng còn nhắm tới mục đích cảnh báo, răn đe và để đưa ngân hàng trở về đúng sứ mệnh vốn có là cung cấp vốn cho phát triển kinh tế, chứ không phải nơi “đục khoét” làm giàu bất chấp pháp luật của các ông trùm, đại gia.

Đến các “Sếp to” Tập đoàn Dầu khí, Cao su...lần lượt bị khởi tố

Liên quan chuỗi bê bối của Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) và cá nhân Trịnh Xuân Thanh, ngày 15/2/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố thêm 5 bị can, bắt tạm giam 4 người (đều là cán bộ, nguyên cán bộ của PVC hoặc có liên quan). Các bị can bị khởi tố về tội Thâm ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật Hình sự.

Con số sếp lớn ngành dầu khí bị khởi tố tiếp tục tăng lên khi ngày 1/4/2017, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Văn Hồng, 50 tuổi, trú tại Bắc Ninh, chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Xây lắp Kinh Bắc (PVC-KBC, Công ty con của PVC). Bị can Hồng bị khởi tố để điều tra về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

 Liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh, ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT PVN cũng bị truy tố với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (nguồn ảnh: internet)
Liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh, ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT PVN cũng bị truy tố với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (nguồn ảnh: internet))

Ngày 31/8/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Ninh Văn Quỳnh để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tiếp đó, ngày 13/9, C46 - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự số 17/C46-P11 và khởi tố bổ sung bị can đối với Ninh Văn Quỳnh, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN, về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra xác định Ninh Văn Quỳnh đã có hành vi nhận của OceanBank 20 tỉ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn và chiếm đoạt, sử dụng cho cá nhân.

Tiếp đó, ngày 25/9/2017, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Đình Mậu - kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN. Cơ quan An ninh điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can với 3 người khác cùng tội danh.

Mới đây nhất, ngày 29/9/2017, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với 3 cán bộ của Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) gồm Nguyễn Anh Minh - Tổng giám đốc PVC; Bùi Mạnh Hiển - Chánh văn phòng PVC; Nguyễn Đức Hưng - nguyên Trưởng phòng Tài chính, Kế toán Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC. Ba người này bị khởi tố về tội "Tham ô tài sản" quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.

Trong quá trình điều tra mở rộng (giai đoạn II) vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank và đồng phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định: Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN; Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN (hiện là Phó Tổng Giám đốc PVN); Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên PVN đã có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn điều lệ vào OceanBank.

Năm 2017 đã có hàng chục cán bộ cấp cao của ngành dầu khí, gồm có cán bộ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như lãnh đạo các công ty con, lần lượt vướng vòng lao lý. Tính đến nay, 3 đời lãnh đạo cao nhất của PVN qua các thời kỳ đã bị khởi tố, bắt giam. Đó là ông Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh, Đinh La Thăng. Trong đó, đặc biệt nhất là ông Đinh La Thăng khi ông này sau khi rời ghế Chủ tịch PVN đã kinh qua nhiều trọng trách như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh, rồi Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương.

Trong số 12 dự án thua lỗ nặng nề, kém hiệu quả thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm vị trí “đầu bảng” với 5 dự án, 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Ngoài ra, hàng loạt dự án đầu tư khác của Tập đoàn Dầu khí cũng vướng nhiều tai tiếng. Thế nên, không khó hiểu khi các lãnh đạo, cựu lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là những người được gọi tên đầu tiên trong chiến dịch truy trách nhiệm hình sự trong các dự án nghìn tỷ thua lỗ, đắp chiếu, dở dang, chậm tiến độ.

Trong khi danh sách những cá nhân của Tập đoàn Dầu khí bị “xộ khám” tăng dần, thì một địa chỉ khác ở Tập đoàn Cao su Việt Nam tiếp tục bị phanh phui. Ngày 7/12, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật đối với 5 bị can gồm: ông Lê Quang Thung - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam; Nguyễn Thành Châu - nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Văn Minh - nguyên Kế toán trưởng Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Hồng Phú - nguyên Giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng; Hoàng Văn Sơn - Kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng. 5 bị can bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại điều 165 - bộ luật Hình sự. Ông Lê Quang Thung được bổ nhiệm chức quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Cao su vào tháng 3/2010 sau hàng chục năm giữ chức Tổng giám đốc.

Giữ trọng trách đứng đầu Tập đoàn Cao su chỉ hơn 1 năm, ông Lê Quang Thung nghỉ hưu từ 1/1/2012. Những tưởng sẽ “hạ cánh an toàn”, nhưng ông Thung đã bị cơ quan bảo vệ pháp luật “điểm mặt” bằng quyết định khởi tố kể trên. 2 năm sau khi ông này nghỉ hưu, năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra tại Tập đoàn Cao su Việt Nam. Nhiều sai phạm nghìn tỷ đã được chỉ ra. Ngoài việc đề nghị kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm tại Tập đoàn cao su cùng các đơn vị thành viên và yêu cầu xử lý về kinh tế hơn 8.366 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ còn đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra những sai phạm nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế được phát hiện khi thanh tra. Với trách nhiệm là lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Cao su Việt Nam mặc dù “đã về hưu” cũng không thể rũ bỏ được trách nhiệm. Từng được kỳ vọng trở thành các “quả đấm thép” của nền kinh tế, nhưng không ít tập đoàn kinh tế nhà nước lại trở thành nỗi thất vọng lớn. Các sai phạm liên tục bị phanh phui. Và hậu quả chưa dừng lại. Những cá nhân, tập thể trực tiếp, gián tiếp gây ra những hệ quả khi điều hành các Tập đoàn kinh tế nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân. Dù ở cương vị nào, chức tước to hay đã nghỉ hưu, khái niệm “hạ cánh an toàn” đã không còn là “bùa hộ mệnh” bảo đảm cho các sếp tập đoàn khỏi sự trừng trị thích đáng của pháp luật.

Những bài học lớn được rút ra

Năm 2017, sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hàng loạt các quyết định kỷ luật đã được ban hành xử lý các cán bộ cấp cao ở các tỉnh từ Đà Nẵng, Gia Lai, Bình Định, Quảng Nam, Vĩnh Phúc…

Đáng chú ý nhất là kết luận sai phạm và đưa ra hình thức xử lý với của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Đinh La Thăng, và một số cá nhân có liên quan gồm: ông Phùng Đình Thực, Đỗ Văn Hậu, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh…

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu QH cho rằng: Xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm là điều không ai mong muốn, nhưng đó là một trong những nguyên tắc hoạt động của Ðảng, mọi cán bộ, đảng viên bình đẳng trước Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, các quy định, Ðiều lệ Ðảng. Cán bộ giữ cương vị càng cao, càng phải chịu trách nhiệm lớn trước Ðảng, trước dân. Qua đó, chúng ta có thêm những bài học sâu sắc về xây dựng Ðảng, nhất là đối với công tác cán bộ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) nhận xét: Để xảy ra các đại án kinh tế thời gian qua, bài học lớn nhất với chúng ta là sơ hở về quản lý nhà nước, xử lý không nghiêm cán bộ vi phạm… và khi cứ bị trượt dài như vậy thì đến lúc xử lý cũng rất khó khăn. Về những bài học rút ra qua xử lý kỷ luật đảng viên và các bộ “cao cấp” ông cho rằng: Trước hết là quyết tâm chính trị của Đảng, đặc biệt là vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất quyết liệt, chính xác, kịp thời. Cùng với đó là sự quyết tâm vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý về bài học trong xử lý cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chính trị học (Học Viện Chính trị Quốc gia HCM) cho rằng: Phải thống nhất quyết tâm chính trị trong toàn hệ thống chính trị, trong toàn Đảng từ nhận thức đến hành động; Áp dụng các chế tài pháp luật cương quyết không có “vùng cấm”, đề cao pháp luật không có bất cứ ngoại lệ nào; Hoàn thiện khung khổ pháp lý và chế tài phải đủ mạnh, quyết liệt nhưng lại phải hợp lý hợp tình… PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh đến việc giải quyết tốt công tác cán bộ đặc biệt là cán bộ diện cao cấp. Tăng cường hơn bao giờ hết việc giám sát và phản biện xã hội và vai trò của người dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là phải hình thành đồng bộ cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả và xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội làm gương trong toàn xã hội.

Tại nghị trường Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trải lòng rằng: "Đại biểu có hỏi tôi lo lắng nhất là gì? Đảng ta đã nhận định: Tụt hậu là một, diễn biến hòa bình là hai, tham nhũng là ba. Và gần đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng cái đáng lo nhất là suy thoái, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, xa dân, quan liêu". Thủ tướng cũng khẳng định không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng, xử lý cán bộ, không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng.

 Sửa Luật Phòng, chống tham nhũng và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) có hiệu lực từ 2018, kỳ vọng là cơ sở pháp lý trừng trị nghiêm các hành vi phạm tội liên quan đến lĩnh vực kinh tế
Sửa Luật Phòng, chống tham nhũng và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) có hiệu lực từ 2018, kỳ vọng là cơ sở pháp lý trừng trị nghiêm các hành vi phạm tội liên quan đến lĩnh vực kinh tế)

Hơn bao giờ hết, bài học về giám sát cán bộ - công chức, ngăn chặn sai phạm từ đầu luôn phải nằm lòng để nhà nước không mất cán bộ, không mất tiền của, người dân không mất lòng tin. Quyết liệt, cương quyết đưa những vụ án kinh tế, tham nhũng ra khởi tố, điều tra, xét xử thời gian qua, hy vọng sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi quan chức, nhắc nhở tất cả các cán bộ, đảng viên phải tự răn mình, tự biết điểm dừng, không làm những việc trái pháp luật và dừng tham lam lại. Với quyết tâm cao “đưa củi vào lò” như cách nói của Tổng Bí thư thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng rõ ràng đã có tác động mạnh mẽ đến đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, đặc biệt là những cán bộ cấp cao. Giờ đây từ suy nghĩ đến hành động của cán bộ, đảng viên, quan chức sẽ phải nghĩ ngay đến việc phải thay đổi về tư duy, nghĩa là làm cán bộ không phải là để hưởng lợi, đục khoét, đứng trên đầu dân, theo kiểu quan tham mà phải dè chừng và khiêm tốn. Và bài học sâu sắc nhất cần được rút ra đối với quan chức, cán bộ công chức hiện nay là phải phụng sự nhân dân, gắn trách nhiệm của mình với lợi ích của nhân dân và đất nước.

* * *

Ngày xuân, điểm lại những câu chuyện và những bài học trên để nhắc nhở nhau, đã là cán bộ, quan chức thì làm gì cũng không được vượt quá giới hạn, bớt tham lam đi, sống và làm việc phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Thành Chung

Bạn đang đọc bài viết "Hàng loạt sếp lớn ngành ngân hàng và DNNN bị truy tố: Bài học nào được rút ra?" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin