GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội: Cần “thiết kế” những quy định chặt chẽ để ngăn chặn tham nhũng, trục lợi từ nguồn lực đất đai

14/03/2023 11:12

(Pháp lý) - GS. TS Phan Trung Lý, nguyên chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc Hội, hiện là UV Ban Thường vụ TW Hội Luật gia VN, Phó Viện trưởng Viện khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế... Ông từng tham gia chủ trì và phản biện rất nhiều đạo Luật quan trọng, trong đó có Luật Đất đai. Nhân sự kiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TS Phan Trung Lý với kinh nghiệm và bề dày nghiên cứu pháp luật nhiều thập kỉ đã có những ý kiến góp ý sắc sảo xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Sau đây Tạp chí Pháp lý trân trọng đăng tải bài phỏng vấn Giáo sư.

phan-trung-ly-1678199010.jpg

GS. TS Phan Trung Lý nguyên chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc Hội, hiện là UV Ban Thường vụ TW Hội Luật gia VN, Phó Viện trưởng Viện khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế

Những mục đích đặc biệt quan trọng trong sửa đổi Luật Đất đai

Phóng viên: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều nội dung mới nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH TW Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Giáo sư có nhận xét thế nào về bản Dự thảo đang được lấy ý kiến Nhân dân hiện nay?

GS.TS Phan Trung Lý: Sửa đổi Luật Đất đai lần này hướng tới những mục đích rất quan trọng là: tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả; giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất; khắc phục triệt để tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.

Tôi đánh giá cao dự thảo Luật hiện đang được lấy ý kiến Nhân dân. Dự luật có chất lượng tương đối tốt, thể hiện nỗ lực lớn của các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan trong việc soạn thảo, thẩm tra cũng như bước đầu tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý.

Tuy nhiên, đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng, khó, có phạm vi lớn, tác động sâu rộng đến các tầng lớp trong xã hội, do đó, tôi mong muốn, dự thảo Luật sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng hoàn thiện hơn nữa, đặc biệt cần rà soát kỹ lưỡng để các quy định của Luật Đất đai lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả quy định tại Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”.

Đây là yêu cầu quan trọng nhất nhằm bảo đảm phát huy giá trị của đất đai. Điều đó có nghĩa phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.

Cần tiếp tục làm rõ chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu đất đai có quyền và trách nhiệm gì?

Phóng viên: Hiến pháp quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Theo theo ông, địa vị pháp lý của chủ sở hữu đất đai, quyền, trách nhiệm cũng như mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu đất đai đã được thể hiện rõ trong Dự thảo luật sửa đổi lần này hay chưa?

GS.TS Phan Trung Lý: Dự thảo Luật đã làm rõ và quy định khá chi tiết quyền, trách nhiệm của Nhà nước trong các vấn đề: quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất; giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; quyết định giá đất, điều tiết thị trường quyền sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; trách nhiệm và những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước trong tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất - không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà trong sản xuất, kinh doanh nói chung để bảo đảm sinh kế, phù hợp với tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực tế quỹ đất ở địa phương; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai...

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ những quyền và trách nhiệm chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu.

Chúng ta thấy rằng, trách nhiệm của Nhà nước trong vai trò vừa là quản lý, vừa đại diện chủ sở hữu về đất đai đã được đề cập tương đối đầy đủ trong bản dự thảo này.

Tuy nhiên, nghiên cứu các quy định cụ thể tại dự thảo Luật cho thấy, tại chương 1, 2 của dự thảo luật còn vướng mắc nhất ở quyền, trách nhiệm, địa vị pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu đất đai, tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân.

Chẳng hạn Điều 6 dự thảo Luật quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” và tại Mục 1 và Mục 2 của Chương 2 quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước với hai tư cách là đại diện chủ sở hữu và quản lý về đất đai. Nhưng, Dự thảo mới chỉ quy định, đề cập quyền đại diện của chủ sở hữu đất đai là Nhà nước, còn toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai theo quy định của Hiến pháp năm 2013 chưa được quy định cụ thể.

Phóng viên: Để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu cũng như đại diện chủ sở hữu đất đai, Dự thảo cần tiếp tục sửa đổi điều chỉnh như thế nào thưa ông?

GS.TS Phan Trung Lý: Để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu, tôi cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của dự thảo Luật theo hướng làm rõ những quyền và trách nhiệm chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu.

Vấn đề chính cần làm rõ là chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu có những quyền và trách nhiệm gì? quyền và trách nhiệm nào của toàn dân với tư cách chủ sở hữu được trực tiếp thực hiện thông qua việc trưng cầu ý dân; quyền hạn nào chủ sở hữu được ủy quyền cho người đại diện thực hiện; Quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ với cơ quan nhà nước khác với tư cách là đại diện cho chủ sở hữu đất đai cũng phải được làm rõ.

Ngoài ra, cơ chế báo cáo kiểm tra giám sát và vai trò của các tổ chức đoàn thể của nhân dân, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải được làm rõ…

Giá đất không đảm bảo sát với giá thị trường sẽ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực gây thất thoát tài sản nhà nước.

Cần quan tâm đặc biệt nghiên cứu “thiết kế” cho chuẩn, chặt chẽ loạt quy định nhằm ngăn chặn tham nhũng

Phóng viên: Thời gian qua, đã xảy ra rất nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến đất đai, khiến không ít cán bộ bị xử lý hình sự, một phần nguyên nhân là do chính sách pháp luật đất đai còn nhiều lổ hổng, bị lợi dung. Theo ông, những chính sách lớn nhất của pháp luật đất đai hiện đang có “khe hở”, bị lợi dụng là những chính sách nào?

GS.TS Phan Trung Lý: Luật Đất đai có hình thức giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Việc giao đất, cho thuê đất và ngay cả đấu giá đất nếu không kiểm soát tốt rất dễ dẫn đến tình trạng xin-cho. Tiêu cực phát sinh từ đây, đất đai đã trở thành món lợi rất lớn trong tay nhiều quan chức, các nhóm lợi ích. Có thể thấy qua hàng loạt các vụ án lớn như Vụ án 43ha đất vàng ở Bình Dương; Vụ 8 - 12 Lê Duẩn, Sabeco ở TP.HCM hay một loạt vụ sai phạm đất đai xảy ra ở Khánh Hoà, Đà Nẵng, Bình Thuận,…

Hay, hàng loạt vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất. Việc đấu giá quyền sử dụng đất tạo thành những cái bắt tay với nhau, “quân xanh quân đỏ” rồi nâng giá, đội giá… để lũng đoạn thị trường. Ví dụ như vụ Tân Hoàng Minh đấu giá đất Thủ Thiêm, vụ đấu giá đất tại Đông Anh, Hà Nội.

Rồi đến đấu thầu dự án có quyền sử dụng đất. Đấu thầu liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác nhưng có những quy định phối hợp chưa được chặt chẽ, thiếu thống nhất ở Luật Đấu thầu với Luật Đất đai dẫn đến tạo ra “sân sau”, tạo ra “quân xanh quân đỏ”, chỉ định thầu trái quy định…

Phóng viên: Ông có thể phân tích cụ thể hơn về những quy định pháp luật cần quan tâm, nghiên cứu “thiết kế” lại cho chuẩn, chặt chẽ ?

GS.TS Phan Trung Lý: Chẳng hạn như: Luật Đất đai 2013 quy định, nhà nước trao quyền sử dụng đất bằng quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Như vậy việc quyết định quyền sử dụng đất (là một quyền tài sản) bằng một quyết định hành chính, do một người là đại diện cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Quy định như vậy có thể tạo ra cơ chế xin – cho, dễ nảy sinh tham nhũng.

Hay, Luật Đất đai chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất. 

Để tạo điều kiện cho những cá nhân, doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, Luật đất đai cho phép sử dụng quyền sử dụng đất để góp vốn kinh doanh. Tuy nhiên, đây lại chính là kẽ hở rất lớn để nhóm lợi ích biến đất công thành đất tư thông qua cổ phần hoá, góp vốn kinh doanh…

Theo tôi, lỗ hổng "cốt tử" chính là giá đất. Trong đó, nổi cộm nhất là khung giá đất, bảng giá đất và cách xác định giá đất có khoảng cách quá xa, không phản ánh kịp thời biến động giá trên thị trường quyền sử dụng đất dẫn đến tham nhũng, tiêu cực gây thất thoát tài sản nhà nước.

Hiện nay, trong phần tài chính và giá đất đai chưa giải quyết được các vấn đề như giá đất, thời gian tính tiền sử dụng đất khi có quyết định giao đất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các dự án không thống nhất được số tiền sử dụng đất, từ đó dẫn đến việc không triển khai các thủ tục xây dựng, ách tắc việc giải ngân; xảy ra tranh chấp giữa cơ quan quản lý nhà nước và người sử dụng đất.

Liên quan đến quy định sử dụng đất đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa, dự thảo luật cần phải có các quy định về việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa theo hướng tách giá trị đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp.

Mặt khác, doanh nghiệp cổ phần hóa cần phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai như các doanh nghiệp khác; chỉ được sử dụng đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo các phương án sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt. Nếu trong trường hợp chuyển đổi mục đích khác thì phần đất doanh nghiệp cổ phần hóa sử dụng phải thu hồi và tổ chức đấu thầu, đấu giá lại.

Phóng viên: Như ông đã chỉ rõ, lỗ hổng "cốt tử" dẫn đến tham nhũng, tiêu cực gây thất thoát tài sản nhà nước hiện nay chính là giá đất không sát giá thị trường. Trong lần sửa đổi này, các quy định về xác định giá đất trong Luật Đất đai đặt ra những yêu cầu gì?

GS.TS Phan Trung Lý: Nghị quyết số 18-NQ/TW đã tổng kết rất rõ những nguyên nhân bất cập của Luật Đất đai, những hệ lụy cho xã hội và đặc biệt là những vấn đề tham nhũng về đất đai. Từ đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW yêu cầu sửa Luật Đất đai lần này phải chú trọng đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo giá thị trường.

Do đó, các quy định về xác định giá đất trong Luật Đất đai cần phải giải quyết được các vấn đề xuất phát từ thực tiễn là: đất đai là tài nguyên đặc biệt. Vì thế, cần xác định giá thế nào để nguồn lực đặc biệt này thực sự phát huy đầy đủ, trở thành nội lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước và giải quyết việc sử dụng đất đai còn lãng phí và hiệu quả thấp.

Thứ hai, là hạn chế thấp nhất nạn tham nhũng, tiêu cực liên quan tới việc sử dụng đất đai.

Thứ ba, là giải quyết được các vụ khiếu kiện, tố cáo liên quan tới đất đai kéo dài trong thời gian qua. Việc xác định giá tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển một cách lành mạnh và bền vững, chống các hiện tượng thất thu thuế, chuyển giá, đầu cơ, găm hàng, thổi giá bất động sản như chúng ta đã thấy trong thời gian qua.

Phóng viên: Vậy, theo quan điểm của cá nhân ông cần có những điều chỉnh thế nào để giá đất đảm bảo sát với giá thị trường, thưa ông?

GS.TS Phan Trung Lý: Vấn đề tính toán giá thị trường như thế nào, theo tôi cần bám sát Nghị quyết 18 của TW và thị trường về giá cả, độc lập khách quan trong định giá.

Thứ nhất là phải hoàn thiện các nguyên tắc, phương pháp quy định về định giá đất cụ thể nhằm tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ định giá đất quốc tế với các dữ liệu đáng tin cậy, lấy mẫu đủ lớn để thống kê.

Thứ hai Cần phải quy định mở rộng thành phần định giá đất bao gồm Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức tư vấn, chuyên gia về giá đất để đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình định giá.

Trong thời gian tới chúng ta cần xây dựng dữ liệu về các thửa đất được giao dịch với các biến động để có bản đồ đất đai theo thị trường để định giá đất phù hợp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giáo sư đã dành thời gian trả lời phỏng vấn TCPL và góp những ý kiến sắc sảo hoàn thiện Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Đinh Chiến (thực hiện)
Bạn đang đọc bài viết "GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội: Cần “thiết kế” những quy định chặt chẽ để ngăn chặn tham nhũng, trục lợi từ nguồn lực đất đai" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin