Giám sát về cổ phần hóa DNNN: Làm gì để khắc phục lỗ hổng và thu hồi tài sản thất thoát?

22/07/2017 09:22

(Pháp lý) - Trong năm 2018, Quốc hội sẽ chỉ giám sát một chuyên đề về cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Quyết định đó cho thấy tính cấp thiết của vấn đề, khi CPH còn nhiều lỗ hổng, khiến nhiều tài sản Nhà nước chuyển hóa vào túi cá nhân một cách dễ dàng...

Trong giai đoạn tới sẽ cổ phần hóa những DNNN có vốn rất lớn (ảnh minh họa)
Trong giai đoạn tới sẽ cổ phần hóa những DNNN có vốn rất lớn (ảnh minh họa))

Câu chuyện ở Công ty Cổ phần Điện Quang

Trong các ngày từ 11 đến 16/2, một số báo đăng thông tin phản ánh Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và gia đình "sở hữu khối tài sản trăm tỷ" nhờ có lượng lớn cổ phần ở Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Cán sự đảng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương kiểm tra, kết luận những nội dung mà các bài báo nêu cùng những vấn đề khác có liên quan, sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát quy định của pháp luật để hoàn thiện, khắc phục hạn chế trong công tác quản lý; phòng, chống thất thoát tài sản Nhà nước; ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện CPH DNNN.

Năm 2016, các thành viên gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu gần 35% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (mã CK: DQC), tương đương 700 tỷ đồng tính theo thị giá tại thời điểm báo chí phản ánh. Trong đó, riêng bà Thoa nắm gần 1,7 triệu cổ phiếu, tương đương 100 tỷ đồng.

Theo thông tin từ cơ quan quản lý, trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa có 18 năm công tác tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Trong đó, giai đoạn 2000-2005, bà Thoa là Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc và từ năm 2005 đến năm 2010, bà Thoa là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc.

Hiện nay, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Bóng đèn Điện Quang là ông Hồ Quỳnh Hưng - em trai bà Thoa cũng đang sở hữu hơn 2,5 triệu cổ phần, tương đương 7,33%. Các thành viên khác trong gia đình có mức sở hữu từ 3,8% đến hơn 12%. Sở hữu của ông Hưng tăng lên sau khi mua lại 1,5 triệu cổ phiếu DQC từ cổ đông lớn Hồ Đức Dũng đầu tháng 9/2015.

Ông Dũng là một trong hai cổ đông đã mua lại số cổ phần do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn từ tháng 9/2014. Ngoài ra, một thành viên khác trong gia đình là Nguyễn Thái Nga - con gái bà Thoa cũng sở hữu hơn 4 triệu cổ phiếu DQC (12,01%).

Gia đình lãnh đạo Công ty nắm đến 35% cổ phần vốn là DNNN, có bình thường không hay bất thường? Nếu là bình thường, đúng pháp luật thì từ sự kiện này, soi chiếu có thể thấy những lỗ hổng lớn trong các qui định của pháp luật để những người có điều kiện chi phối “vẫy vùng”, làm giàu một cách nhanh chóng. Do đó, chỉ đạo của Tổng Bí thư là hết sức cần thiết về một vấn đề rất nóng hiện nay. Có lẽ Quốc hội giám sát chuyên đề về CPH DNNN cũng trên tinh thần ấy.

CPH DNNN không phải là quá trình tư nhân hoá, nhưng với những gì diễn ra trên thực tế CPH trong nhiều năm qua ở các DNNN đã cho thấy có không ít tiền của, giá trị tài sản của Nhà nước, bằng nhiều cách, đã được chuyển hoá không đúng quy định, không đúng giá trị thực, thành tài sản của doanh nghiệp tư nhân, cho các cá nhân…

Chuyên gia đánh giá

Theo bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế, lỗ hổng lớn nhất khiến tài sản nhà nước "rơi rớt" trong quá trình CPH DNNN nằm ở tính minh bạch. Bởi nhiều DNNN bán cổ phần một cách lặng lẽ, chỉ có một số đối tượng mua và lại là những người trực tiếp nắm thông tin hoặc công cụ để giành phần mua, còn người ngoài không biết được để mà tham gia. Do đó, những người trong cuộc, những người nắm thông tin hoàn toàn có thể thao túng để mua với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thực của thị trường.

Một vấn đề khác đó là tài sản lớn nhất của nhiều DNNN chính là đất đai, nhưng khi định giá lại bị nhập nhằng giữa việc đất được Nhà nước giao trước đây với giá rất thấp hoặc cho thuê dài hạn với giá nhà nước, không được đem ra định giá công khai theo giá thị trường.

Ông Nguyễn Duy Long - Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng nhận định tương đồng: Quá trình bán vốn nhà nước hiện tại vẫn còn “lỗ hổng” làm thất thoát tài sản. Nhiều DNNN có “quỹ đất vàng” lợi thế cho kinh doanh nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc trong diện phải di dời cũng không thực hiện trả lại đất cho Nhà nước mà kêu gọi nhà đầu tư cùng liên doanh, hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp. Thực chất đây là lách luật để chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư. Việc thành lập công ty liên doanh, hợp tác đầu tư chỉ là hình thức và không minh bạch trong phương pháp xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn.

Còn chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, việc thả cho doanh nghiệp thua lỗ trước khi CPH cũng là một chiêu để "hạ giá" tài sản nhà nước trong DNNN. Việc một số doanh nghiệp trước khi CPH thua lỗ triền miên và sau khi CPH cũng với những lãnh đạo cũ lại biến thành doanh nghiệp có lời cao như Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang là một hiện tượng "có vấn đề" cần làm rõ.

Một trường hợp khá điển hình là CPH Hãng Phim truyện Việt Nam. Thương hiệu gần 60 năm của hãng được xác định bằng 0; hàng ngàn m2 đất tại các vị trí đắc địa không được tính vào giá trị doanh nghiệp (bao gồm trụ sở hãng phim đặt tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội có diện tích sử dụng gần 5.500 m2; hơn 900 m2 đất có địa chỉ trên phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội làm khu chứa đạo cụ; đoàn xe và quản lý khu đất rộng 6.382 m2 tại Đông Anh, Hà Nội; hơn 1.200 m2 tại khu đất số 6, Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, TP HCM làm trường quay phim)…

Trước thực tế đó, để chấn chỉnh, xử lý kịp thời các tồn tại trong quản lý và sử dụng đất đai, Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2017 đối với các dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường, làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Hãng Phim truyện Việt Nam khi cổ phần hóa không tính giá trị thương hiệu với hàng ngàn m2 đất tại các vị trí đắc địa
Hãng Phim truyện Việt Nam khi cổ phần hóa không tính giá trị thương hiệu với hàng ngàn m2 đất tại các vị trí đắc địa)

Biện pháp nào để khắc phục?

Để khắc phục các lỗ hổng trong quá trình CPH DNNN, hạn chế thất thoát, các chuyên gia đều cho rằng cần tăng tính minh bạch thông qua việc công khai quá trình mua bán cổ phần, đưa ra đấu thầu công khai thay vì mua bán nội bộ. Bên cạnh đó, cơ quan tư vấn, hội đồng giám sát quá trình định giá DNNN và CPH cần có sự tham gia của các cơ quan tổ chức tư vấn độc lập, chuyên gia độc lập để đảm bảo tính minh bạch, đồng thời thanh tra và Kiểm toán Nhà nước cũng cần vào cuộc để giám sát quá trình CPH.

Hiện nay, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do Ban chỉ đạo cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, cũng như dễ dẫn đến thất thoát vốn Nhà nước. Để khắc phục hạn chế trên, cần quy định việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo hướng quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết của nhà đầu tư chiến lược; thay đổi thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là 3 năm (thay cho 5 năm) đồng thời quy định cụ thể tiêu chuẩn của Nhà đầu tư chiến lược phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi và không có lỗ lũy kế.

Trong các giải pháp được đề ra, giải pháp quan trọng chính là phải xác định trách nhiệm cá nhân trong sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngoài ra, công tác xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa cần được coi trọng hơn nữa. Theo đó, cần tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể theo quy định của Luật Ðất đai năm 2013. Ðồng thời, bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cần bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ... Những giải pháp này sẽ bảo đảm ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tiếp tục nắm giữ lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.

Việc tính đầy đủ giá trị lợi thế (vị trí địa lý) vào giá trị để CPH nếu doanh nghiệp lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm, theo quy định của pháp luật về đất đai khi Nhà nước định giá đất để cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp cổ phần hóa nói riêng thuê đất phải bảo đảm nguyên tắc theo giá đất phổ biến trên thị trường.

       Đăng Khôi

Bạn đang đọc bài viết "Giám sát về cổ phần hóa DNNN: Làm gì để khắc phục lỗ hổng và thu hồi tài sản thất thoát?" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin