Chia sẻ về đề nghị giảm giờ làm việc xuống 44 giờ mỗi tuần theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), các doanh nghiệp đồng loạt cho rằng, đề xuất này cần được cân nhắc cẩn trọng, tránh khiến gia tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tháng 9/2019, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công than thở về khó khăn của toàn ngành là khó tuyển và giữ lao động dệt may, thì sang đến tháng 10/2019, ông Tuấn lại thở dài về đề xuất giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần/lao động theo Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.
Nửa đầu năm 2019, cứ 100 lao động tại Thành Công thì có 14 người nghỉ việc. Con số này cao hơn 4 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Tuấn ước tính, bình quân cả năm, tỷ lệ nghỉ việc của Công ty sẽ ở mức ít nhất 26% và tỷ lệ biến động này chắn chắn sẽ còn tăng trong thời gian tới.
“Xu thế chung của các nước trên thế giới giảm giờ làm để giảm áp lực cuộc sống cho người lao động, nhưng thực tế tại Việt Nam, chỉ mới thoát nghèo, năng suất, GDP bình quân cũng thấp..., nếu giảm giờ làm việc, đồng nghĩa tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp”, ông Tuấn chia sẻ.
Nhìn vào ngành dệt may Việt Nam đang có thêm cơ hội khi đơn hàng đặt từ Trung Quốc dần dịch chuyển sang nhà sản xuất Việt Nam. Ông Tuấn cho biết, chi phí lao động là yếu tố rất quan trọng để đón nhận cơ hội này.
Nhưng so với các nước khu vực Nam Á như Bangladesh, Sri Lanka, lương mỗi tháng dưới 100 USD/lao động,…Campuchia, Myanmar khoảng 150 USD/lao động, thì con số này tại Việt Nam đã cao hơn bình quân từ 100 - 150 USD.
“Lương bình quân tại Thành Công hiện khoảng 300 USD/lao động/tháng. Nếu giờ giảm giờ là tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp với đối thủ nước ngoài khi giá bán, công suất chỉ có thể tăng chậm vì đã tới ngưỡng”, Giám đốc nhân sự Thành Công cho biết và chia sẻ về quy định thời gian làm thêm còn tác động đến khả năng được nhận đơn hàng hay không, bởi phải trải qua quá trình đánh giá về trách nhiệm xã hội từ đối tác dựa trên Bộ luật Lao động.
Trong khi tại Indonesia, giờ làm thêm là 728 giờ/năm, còn Việt Nam nếu vượt 300 giờ/năm/lao động thì đối tác sẽ lựa chọn Indonesia cho đơn hàng.
“doanh nghiệp chịu áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp trong khu vực chứ không chỉ doanh nghiệp nội địa. Chất lượng sản phẩm, khách rất vừa lòng, nhưng rớt hợp đồng vì ảnh hưởng từ số giờ làm việc chính thức và giờ làm thêm. Trong khi các nước khác đạt hợp đồng dù điều kiện làm việc, bảo hộ lao động, lương bổng, chăm lo cho công nhân không bằng mình. doanh nghiệp không phát triển thì đời sống công nhân ảnh hưởng, tác động kim ngạch xuất khẩu và ảnh hưởng nền kinh tế, thu nhập quốc gia”, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công"
Cùng với đó, ông Tuấn còn lo ngại, khi đạt ngưỡng thời gian làm thêm trong năm, lao động sẽ làm “chui” tại một đơn vị khác và có thể không được trả lương theo đúng tỷ lệ quy định cũng như không có hợp đồng bảo hiểm, dẫn đến một số thiệt thòi khác.
Giám đốc nhân sự may Thành Công cho biết, hiện số giờ làm thêm đã được lao động tại Công ty khai thác triệt để, thậm chí tại một số công đoạn trong chuyền như ủi, vắt…còn làm thêm từ 400 - 600 giờ/lao động/năm do đặc thù.
“Bộ luật Lao động tại mỗi quốc gia sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp. Luật chỉ nên đưa ra quy định khung. Các doanh nghiệp có đặc thù ngành đơn hàng theo thời điểm khác nhau cũng không thể tuyển được nhân công theo từng ngày. Lao động cũng biết mùa này phải tăng ca thì mùa sau mới có việc làm, chứ khách hàng bỏ đi thì muốn tăng ca cũng không có việc”, ông Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.
Đồng tình quan điểm trên, giám đốc nhân sự một doanh nghiệp cung cấp ra thị trường hơn 20.000 tấn bánh kẹo cũng cho rằng, việc giảm giờ làm xuống 44 giờ/năm/lao động chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp trong ngành sản xuất.
Lấy ví dụ, lao động có tay nghề, chuyên môn cao đều sống ở TP.HCM và doanh nghiệp này buộc phải có xe đưa đón đến các nhà máy ở tỉnh. Nếu giảm giờ làm thì người lao động chỉ làm đến trưa thứ Bảy thay vì cả buổi như hiện nay và doanh nghiệp phải đổi giờ đưa đón ở từng bộ phận khác nhau, kéo theo ảnh hưởng chi phí.
Thêm vào đó, với doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo vào mùa thấp điểm từ tháng 2 đến tháng 7 thì người lao động tại doanh nghiệp này có thể nghỉ cả ngày thứ Bảy. Và mùa cao điểm vào các tháng cận Tết, lại cần đẩy mạnh sản xuất đơn hàng.
“Luật mang tính tổng thể,nhưng nên có tiêu chí mở để doanh nghiệp linh động áp dụng thay vì đưa ra một chuẩn cứng, bắt buộc thực hiện thì không phù hợp theo từng ngành”, vị giám đốc này chia sẻ.
Theo baodautu.vn
Nguồn bài viết: https://baodautu.vn/giam-gio-lam-dong-nghia-tang-chi-phi-san-xuat-cua-doanh-nghiep-d110064.html