Giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong dịch Covid: Cần những chính sách hỗ trợ thực chất, sát thực tế và ‘nặng kí’ hơn...

(Pháp lý) - Do dịch bệnh Covid – 19, rất nhiều doanh nghiệp trong cả nước lao đao vì khó khăn chồng chất. Bên cạnh chủ trương giãn thuế cho DN, thì Chính phủ cũng yêu cầu giãn nộp BHXH . Chính sách về bảo hiểm liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động. Vì vậy cả Doanh nghiệp và người lao động đều đang ngóng chờ các chính sách hỗ trợ thiết thực và thực chất nhất. Các chính sách hỗ trợ nếu không cân nhắc kĩ lưỡng và sát thực tế , nếu không công bằng, minh bạch … thì sẽ không phát huy tác dụng.

Từ Chỉ thị của Thủ tướng đến đề xuất của Bộ Lao động thương binh và xã hội

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, do dịch bệnh COVID-19, đến lúc này đã có trên 15% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất (con số này của tháng 2-2020 là 10%). Doanh nghiệp giảm quy mô dẫn đến số lượng lao động mất việc, giãn việc ngày mỗi tăng.

Chỉ tính riêng trong tháng 2-2020, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 01-2020 (30.000 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người)…

Cần tính toán chính sách bảo hiểm xã hội thấu đáo, thiết thực và thực chất cho không chỉ DN mà cho cả NLĐ (Trong ảnh là đoàn công tác của Bộ LĐTBXH thăm người lao động trong mùa dịch covid)

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, ngày 4-3- 2020, Thủ tướng đã có Chỉ thị 11 . Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị 11, theo đó Thủ tướng đã yêu cầu ngành bảo hiểm nghiên cứu giãn thời gian đóng bảo hiểm cho doanh nghiệp.
Ngay sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết cơ quan này đã trình Thủ tướng đề án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với 6 nhóm chính sách hỗ trợ.

Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất, Bộ đề xuất tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất. Trước mắt tập trung hai nhóm đối tượng cụ thể là người lao động bị ngừng việc, thôi việc và đối tượng thứ hai là doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19 từ 50% trở lên.

Đáng lưu ý, trong điều kiện hiện nay, Bộ đề xuất với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội mở rộng đối tượng này theo hướng không chỉ phần trăm số lượng lao động bị ảnh hưởng. Theo đó, sẽ không khống chế tỉ lệ 50% đối với doanh nghiệp mà việc này áp dụng cho mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng 10% chứ không riêng doanh nghiệp bị ảnh hưởng 50%. Thời hạn áp dụng tạm dừng đóng BHXH là từ tháng 3 đến hết tháng 12-2020.

Nhóm giải pháp thứ hai là tập trung miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc do tác động của COVID-19, thời gian tính toán cũng từ tháng 3 đến hết tháng 12-2020.

Nhóm giải pháp thứ ba, có thể nói đây là thời cơ để sử dụng kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ này sẽ sử dụng cho việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của người lao động; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để giữ chân người lao động, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, để khi tình hình ổn định thì người lao động quay trở lại làm việc.

Nhóm giải pháp thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, tập trung hai việc: doanh nghiệp được hỗ trợ tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngừng việc tạm thời, mục tiêu là để giữ chân người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định.

Việc thứ hai có tính chất dài hơi hơn là đề xuất nhà nước cho doanh nghiệp vay để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp mà người lao động phải thôi việc, mất việc. Ở đây, nhà nước hỗ trợ cho vay nhưng không tính lãi, khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại số tiền này.

Về chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐ-TBXH đề xuất 100% doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020. Sau đó doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng.

Cần chính sách thực chất, “nặng kí” và sát thực tế hơn nữa…

Thực tế, nếu quan tâm đến pháp luật về bảo hiểm, chúng ta có thể nhận thấy, việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã được quy định trong pháp luật. Theo quy định tại điều 88 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về tạm dừng đóng BHXH bắt buộc. Theo đó việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được quy định như sau: Trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng; Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.
Điều này được hướng dẫn cụ thể tại điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP.

Theo hướng dẫn trên, các trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế; Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện sau: Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất)…

Như vậy, chưa cần phương án hỗ trợ tức thời của nhà nước, doanh nghiệp đã nhận được hỗ trợ trên, điều này đã được qui định rõ trong các quy định của pháp luật hiện hành.

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, nhiều doanh nghiệp tỏ ra không mặn mà với đề xuất chính sách trên , bởi họ cho rằng đề xuất ( hay còn gọi là giải pháp thứ nhất của ngành này) tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất của Bộ Lao động thương binh xã hội không phải là mới, vì đây là điều đương nhiên đã được Luật định từ trước. Doanh nghiệp gặp quá nhiều khó khăn, mong muốn có chính sách hỗ trợ bảo hiểm “nặng kí” hơn nữa.
Còn phía người lao động thì tâm tư: việc tạm ngừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí là tốt cho đa số người lao động. Tuy nhiên sẽ là trở ngại với lao động cần có quá trình đóng bảo hiểm xã hội liên tục . Người lao động thắc mắc: Nếu tạm ngừng đóng bảo hiểm hưu trí, trong khi tuổi nghỉ sắp đến, nhưng số năm đóng bảo hiểm lại chưa đủ thì bao giờ mới được lĩnh lương hưu?

Về các nhóm giải pháp thứ 3 và nhóm giải pháp thứ 4, chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng tín dụng để thanh toán lương cũng cần làm rõ, chính sách này có khác biệt so với những hỗ trợ của Ngân hàng nhà nước cho doanh nghiệp hay không?!.
Các chính sách bảo hiểm trên hiện mới chỉ là đề xuất của Bộ Lao động thương binh và xã hội. Để chính sách đi vào cuộc sống và để chính sách thực sự hỗ trợ được cả doanh nghiệp và người lao động, rất cần ngành LĐTB và XH cân nhắc kĩ lại.

Doanh nghiệp và NLĐ đang cần những chính sách hỗ trợ thiết thực và thực chất. Vì nếu DN khó khăn, không có doanh thu, không tạo công ăn việc làm, thậm chí phá sản, thì không có tiền đâu mà nộp thuế, nộp quĩ BH. Và khi đó, cả DN, người lao động và Nhà nước đều tổn thất.

Phan Tĩnh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin