Trong những năm qua, trên lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, cùng với sự gia tăng của tội phạm hình sự nói chung, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, số vụ việc, nạn nhân lẫn đối tượng phạm tội ngày càng gia tăng, mang tính chất xuyên quốc gia, toàn cầu hóa…
Đó là đánh giá của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về tình hình, diễn biến của nạn buôn người trong 2 năm 2016-2017. Theo thống kê của lực lượng Công an và Biên phòng, từ tháng 1-2016 đến nay, toàn quốc phát hiện 540 vụ với 768 đối tượng mua bán người qua biên giới, giải cứu 1.489 nạn nhân; khởi tố 341 vụ với 522 đối tượng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ 157 vụ với 245 đối tượng, giải cứu 361 nạn nhân bị mua bán qua biên giới.
Tội phạm mua bán người xảy ra tại 63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu trên các tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc (chiếm 70%), Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia (chiếm 11%), còn lại sang các nước khác như Singapore, Malaysia và các nước châu Âu, châu Phi.
Đáng chú ý là việc hình thành nhiều đường dây, băng ổ nhóm sử dụng công nghệ cao, internet, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và có tính liên kết chặt chẽ với các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước, đan xen với các loại tội phạm khác như ma túy, cờ bạc, lừa đảo, mại dâm... Không chỉ xảy ra tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em mà cả mua bán đàn ông, trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng...
Thực hiện chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người của Chính phủ, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã xây dựng Đường dây nóng về phòng, chống mua bán người-số điện thoại 18001567. Liên quan đến tình trạng buôn người, mọi người ở trong nước hay kể cả nước ngoài có thể gọi đến Đường dây nóng để hỏi đáp thông tin liên quan đến mua bán người; tư vấn tâm lý, chính sách hỗ trợ nạn nhân, quy trình hỗ trợ nạn nhân.
Theo PLXD