Gia tăng hành vi “lách luật”, lợi dụng dịch COVID-19 để trục lợi, lừa đảo…: Cần tăng mức phạt hành chính và xử lý hình sự để răn đe.

30/08/2021 08:05

(Pháp lý) - Từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, đã có nhiều trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, khởi tố hình sự. Tuy nhiên, hiện tượng xem thường pháp luật, không chấp hành quy định giãn cách, qui định phòng chống dịch…vẫn diễn ra. Thậm chí nhiều đối tượng còn lợi dụng dịch bệnh, bán giấy xét nghiệm giả, thuốc giả…để trục lợi, lừa đảo, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cản trở công tác phòng chống dịch, gây thiệt hại lớn cho xã hội. Trước thực tế này, kiến nghị cần tăng gấp nhiều lần mức phạt hành chính và xử lý hình sự để răn đe các đối tượng.

image001-1629694614.jpg
 Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân ( ảnh minh họa)

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều thời gian, tâm sức để lo cho công tác chống dịch, đau đáu mục tiêu: dập dịch, vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết và trước hết. 

Trong rất nhiều cuộc họp về chống dịch với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh, phòng chống dịch thì quan trọng nhất là chống lây nhiễm giữa người với người, kiểm soát được con người thì cắt được lây nhiễm. Bởi nếu dịch lây lan trên diện rộng, hệ thống y tế sẽ quá tải, nhiều người bị nặng, nhiều người tử vong và có thể đe dọa đến sự ổn định, phát triển của đất nước.

Hiện nay, với tốc độ lây lan rất nhanh của biến thể Delta, dịch bệnh không lây theo chuỗi từ người này sang người kia mà theo lây theo chùm ca bệnh, F0 tăng theo cấp số nhân,… Để ứng phó với tình huống này trong điều kiện chưa có đủ nguồn vaccine, thuốc đặc trị thì biện pháp giãn cách, cách ly xã hội là giải pháp quyết định để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Chỉ có thực hiện triệt để giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình mới chặt đứt được chuỗi lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.

Theo đó, nhiều tỉnh, thành phố đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”; mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động…

Tuy nhiên, vẫn còn không ít người dân thiếu ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch, không chấp hành quy định giãn cách, ra đường trong trường hợp không thực sự cần thiết; xuyên tạc, bịa đặt về dịch bệnh, trốn cách ly, đưa người nhập cảnh trái phép... dẫn đến bị xử phạt vi phạm hành chính, khởi tố hình sự. Thậm chí nhiều người còn cố tình tìm cách “lách luật” như lợi dụng “luồng xanh” ưu tiên vận chuyển hàng hoá, nhu yếu phẩm để chở người vượt chốt kiểm soát dịch bệnh trái phép.

Xuất hiện nhiều hành vi “lách luật” vi phạm qui định phòng chống dịch và lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, lừa đảo

Điển hình như mới đây, Công an phường Nghĩa Trung, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông vừa phát hiện hai tài xế lái xe tải BKS 48C - 045.83 là xe được cấp "luồng xanh", chở rau củ quả từ TP Gia Nghĩa về TP Hồ Chí Minh, trên đường trở về đã lợi dụng chở 10 công dân tỉnh Đắk Lắk không có phiếu xét nghiệm âm tính với COVID-19 để về quê. Bằng cách cho 10 người này lên thùng xe và không khai báo y tế với lực lượng liên ngành tại các chốt kiểm soát dịch.

Hay, ngày 11/8, lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch bệnh ở trạm thu phí đường cao tốc Trung Lương – TP.HCM (thuộc xã Thân Cữu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) phát hiện một xe cấp cứu chở người trái phép (không phải bệnh nhân) qua chốt. Ngày 22-8, đơn vị cũng đã lập biên bản trong đêm tài xế xe ô tổ chở 6 người trái phép từ TP.Hồ Chí Minh về miền Tây với giá 3 triệu đồng…

151-1629694867.jpg
Nhiều tài xế “lách luật” như lợi dụng “luồng xanh” để chở người, hàng lậu vượt chốt kiểm soát

Nhiều lái xe còn lợi dụng được cấp giấy thông hành tổ chức chở người trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện ra tại Hải Phòng, Hà Nội, Sóc Trăng, Huế… Nghiêm trọng hơn, một số tài xế còn lợi dụng việc lực lượng chức năng không kiểm tra với phương tiện "luồng xanh" nên cố tình chở hàng lậu trái phép đã bị cảnh sát phát hiện và bắt giữ.

Tại tỉnh Đồng Tháp, ngày 1/8, tổ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về phòng chống dịch COVID-19 trên đường làm nhiệm vụ phát hiện xe tải BKS:  63K-0719 do Phan Văn B (SN 1976) điều khiển chạy hướng TP Hồng Ngự đi Thanh Bình có biểu hiện vi phạm nên đã dừng phương tiện để kiểm tra. Thời điểm kiểm tra, lái xe xuất trình được đầy đủ giấy tờ hợp lệ, bao gồm cả mã QR Code “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, tổ công tác nhận thấy tài xế có nhiều biểu hiện lạ, bồn chồn, lo lắng nên đã thực hiện kiểm tra kỹ phương tiện. Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện trên xe tải có 1.740 bao thuốc lá ngoại nhập lậu được cất giấu kỹ trong hàng hóa thiết yếu gồm rau, củ, quả và lương thực, thực phẩm…

Không chỉ vậy, thời gian gần đây, lực lượng chức năng tại nhiều tỉnh thành còn phát hiện tình trạng mua bán giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19 giả hay việc cấp giấy đi đường “khống” để cho một số người có thể qua chốt một cách dễ dàng mà không bị xử lý.

152-1629695044.jpg
 Nhiều đối tượng lợi dụng dịch COVID-19 để trục lợi, lừa đảo (Ảnh: sản xuất thuốc trị Covid-19 giả ở TP. HCM)

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, lừa đảo như lợi dụng lòng hảo tâm của nhiều người để xin tiền từ thiện; rao bán thực phẩm chức năng, thuốc chữa Covid-19 giả, bộ kit test nhanh Covid-19 giả, không có hóa đơn chứng từ, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam… nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Đáng nói, một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, kinh doanh hoàng hoá, dịch vụ thiết yếu còn có hành vi thu gom, găm trữ, tăng giá gấp nhiều lần một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, dịch vụ khám chữa bệnh, xết nghiệm Covid-19; dịch vụ hoả táng… nhằm thu lợi bất chính gây bức xúc dư luận.

Chế tài của pháp luật hiện tại chưa đủ sức răn đe 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nước ta liên tục phát hiện những ca bệnh mới lây lan trong cộng đồng. Nhằm khống chế tốc độ lây nhiễm dịch bệnh, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã tăng cường siết chặt các biện pháp phòng dịch. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật tăng nặng chế tài xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, ngày 28/9/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị phạt tới 3.000.000 đồng;

Hành vi che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch, không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng thì bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng;

Hành vi không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bị phạt tiền tối đa đến 40.000.000 đồng

image004-1629695077.jpg

Chế tài đối với hành vi vi phạm phòng chống dịch trong một số quy định pháp luật còn thấp, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Đặc biệt cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh còn có thể bị xử lý hình sự. Theo đó, ngày 30/3, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có Công văn số 45/TANDTC-PC, hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh. Theo hướng dẫn tại mục 1 của Công văn 45, Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi: Trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi: Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; Không tuân thủ quy định cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295.

Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295.

Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288…

Đồng thời, hình phạt, biện pháp tư pháp được áp dụng theo hướng dẫn tại mục 1, Công văn 45. Theo đó, Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (như làm lây lan dịch bệnh cho từ 02 người trở lên, làm chết người...). Đối với trường hợp phạm tội chưa gây ra hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng (như chưa làm lây lan dịch bệnh), áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng quy định của pháp luật…

Từ khi dịch xảy ra đến nay, đã có nhiều trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch đã bị cơ quan chức năng xử phạt, thậm chí nhiều trường hợp cố tình vi phạm pháp luật đã bị khởi tố hình sự về các tội như : Đưa người nhập cảnh trái phép; Chống đối người thi hành công vụ; Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người…

Tuy nhiên, hiện tượng xem thường pháp luật, xem thường công tác phòng chống dịch, không chấp hành quy định giãn cách, ra đường trong trường hợp không thực sự cần thiết… Thậm chí nhiều đối tượng cố tình tìm cách “lách luật” , lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, lừa đảo …vẫn thường xuyên xảy ra.

Theo chúng tôi, bên cạnh nguyên nhân chính là sự thiếu ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh thì một phần là xuất phát từ chính quy định pháp luật còn bất cập về chế tài xử phạt. Đặc biệt, chế tài đối với hành vi vi phạm phòng chống dịch trong một số quy định pháp luật còn rất nhẹ, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Phần nữa là do một số nơi, một số vụ xử lý chưa nghiêm minh, chưa quyết liệt, chưa đồng bộ thống nhất giữa các địa phương. Đáng chú nhiều hành vi đặc biệt nguy hiểm, tiểm ẩn nguy cơ mang mầm bệnh từ những “vùng đỏ” – vùng có dịch bệnh lây ra những “vùng xanh” – vùng an toàn, làm phức tạp thêm tình hình, cản trở công tác phòng dich như: hành vi “lách luật” lợi dụng “luồng xanh” ưu tiên vận chuyển hàng hoá, nhu yếu phẩm để chở người để vượt chốt kiểm soát dịch bệnh trái phép; mua bán giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19, thuốc chữa Covid-19 giả,... Hay, các hành vi lợi dụng dịch bệnh, thu gom, găm trữ, tăng giá gấp nhiều lần một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, dịch vụ khám chữa bệnh, xét nghiệm Covid-19; dịch vụ hoả táng… nhằm thu lợi bất chính gây bức xúc dư luận nhưng ít bị khởi tố, truy tố hình sự mà chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính. Chính điều này dẫn đến tình trạng nhờn luật, cố tình vi phạm.

Đặc biệt, còn thiếu chế tài cụ thể để xử lý vi phạm của người quản lý, giám sát việc thực hiện các quy định phòng chống dịch… Chính những khoảng trống này dẫn tới sự chủ quan sự lơ là, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm của một bộ phận những người chịu trách nhiệm quản lý, giám sát công tác phòng chống dịch.

Thay lời kết

Thiết nghĩ, trước sự lây lan nhanh chóng của các biến thể virus SARS-CoV-2, trong điều kiện chưa có đủ vaccine, thuốc đặc trị thì biện pháp giãn cách, cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là giải pháp quyết định để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. 

Việc thực hiện giãn cách xã hội muốn đạt hiệu quả cao, rất cần cơ sở làm thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp trên nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác… 

Để làm được điều đó, bên cạnh thực hiện nhanh chóng và nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch thì chính quyền và các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại chỗ và lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần kiên quyết khởi tố đối với các trường hợp cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh để răn đe.

Để có cơ sở pháp lý vững chắc nhằm xử lý hình sự các đối tượng vi phạm pháp luật phòng chống dịch, thiết nghĩ các cơ quan bảo vệ pháp luật cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật, cũng như tăng cường chế tài, cả chế tài hành chính ( tăng mức xử phạt lên gấp nhiều lần) và chế tài hình sự.  Ngoài ra các cơ quan có thẩm quyền nhà nước cần phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc áp dụng pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử… trong đó có việc vận dụng các quy phạm pháp luật khác để xử lý đối với các trường hợp vi phạm tương tự, đặc biệt cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung công văn 45/TANDTC-PC về hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới hiện nay.

Thái Dương – Xuân Trường


 

Bạn đang đọc bài viết "Gia tăng hành vi “lách luật”, lợi dụng dịch COVID-19 để trục lợi, lừa đảo…: Cần tăng mức phạt hành chính và xử lý hình sự để răn đe." tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin