Dòng phim chính luận chống tham nhũng thu hút khán giả

(Pháp lý) - Những năm qua, nhiều bộ phim về đề tài chống tham nhũng, phòng chống tội phạm hình sự gây được hiệu ứng tích cực, được khán giả quan tâm. Điều gì làm nên sức hút đối với khán giả như vậy?

Đạo diễn Mai Hiền (giữa) và nghệ sỹ Tất Bình (trái) và nghệ sỹ Trọng Trinh (phải) tại trường quay phim "Sinh tử"

Nóng hổi hơi thở của cuộc sống

Có thể nói, những bộ phim “ăn khách” như “Chạy án”, “Sinh tử” hay “Hồ sơ cá sấu”… điều hấp dẫn đầu tiên chính là nội dung của phim. Dù là phim chính luận, phòng, chống tội phạm nhưng không xơ cứng, giáo điều mà đầy ắp chất liệu đời sống, đáp ứng được tâm lý của người xem với cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật rất bức xúc hiện nay.

“Chạy án” đề cập đến những vấn đề thời sự gây nhức nhối như tham ô, ngoại tình, những hành vi tiêu cực ở một số quan chức thoái hóa, các hoạt động tội phạm như tẩy rửa tiền, biển thủ công quỹ, cá độ bóng đá và các hoạt động bất hợp pháp khác của các băng đảng nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam… mang tới một cái nhìn trực diện về mặt trái của xã hội. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Như Phong, do Vũ Hồng Sơn đạo diễn. Nội dung phim dựa trên vụ án có thật cùng nhiều chuyên án nổi cộm khác.

Một cảnh trong phim “Chạy án”

Bối cảnh của phim diễn ra vào năm 2004 ở một tỉnh miền Bắc. Phần 1 của phim kể về câu chuyện của Cao Thanh Lâm, con trai của Thứ trưởng Cao Đức Cẩm. Lâm học Thạc sĩ Tin học ở Mỹ và sau đó trở về nắm giữ vị trí Trưởng phòng thương mại điện tử ở ngân hàng Phú Tài do ông Trương Ngọc Trác đứng đầu.

Lâm si mê hoa hậu Minh Phương và giao lưu với nhiều phần tử bất hảo, bao gồm cả những nhân vật có chức có quyền. Tony Nguyễn, một Việt kiều đã dụ dỗ Lâm theo con đường cờ bạc và ma tuý. Thua bạc, Lâm tìm cách lợi dụng kẽ hở để lấy cắp tiền từ ngân hàng Phú Tài, tổng số tiền lên đến hơn 4 triệu USD.

Lâm bỏ trốn nhưng đã bị công an bắt trên đường chạy trốn. Trước áp lực từ việc Lâm bị bắt, ông Cẩm viết đơn xin từ chức và định tự tử, nhưng được kịp thời ngăn lại. Cuối cùng, nhờ có thân nhân tốt và được người thân bồi hoàn một phần số tiền, Lâm chịu mức án 10 năm tù và phải nộp 30 tỷ VND. Tony Nguyễn cũng bị bắt vì tổ chức đánh bạc.

Phần 2, Lâm vào trại ban đầu với quyết tâm cai nghiện, cải tạo tốt để sớm trở lại cộng đồng, ông Cẩm vẫn ở lại chức Thứ trưởng và Minh Phương vẫn chung thuỷ đợi Lâm. Nhưng sau đó, bà Dung, mẹ của Lâm cùng một số người thân cận đã bày kế cho Lâm giả điên và chỉ sau nửa năm, Lâm đã được về nhà dưới diện chữa bệnh bắt buộc. Trở về, Lâm cùng với Tường "ngáp" – một thanh niên nghiện ma túy bị nhiễm HIV/AIDS, thiết lập hệ thống máy chủ để môi giới cá độ trái phép và ăn cắp cước viễn thông.

Phim bóc trần mạng lưới làm ăn phi pháp và hối lộ của nhiều cá nhân, tổ chức, trung tâm là công ty của Giám đốc Lê Thanh. Cuộc bắt giữ Lê Thanh hé lộ rất nhiều nhân vật bị vướng vào vòng lao lý, trong đó có ông Đức, ông Cẩm, Thượng tá Kim, Mã "đại gia", Chủ tịch tỉnh và Tổng Biên tập Trần Ngọc. Bộ phim kết thúc với cảnh Lâm bị nghiện ma túy, hại chết ông mình và rồi ảo giác làm anh ta ngã từ tầng hai từ căn biệt thự nhà mình xuống đất chết.

“Sinh Tử” là một bộ phim truyền hình dài tập của Đài Truyền hình Việt Nam, kịch bản của nhà văn Phạm Ngọc Tiến, đạo diễn 40 tập đầu là NSND Nguyễn Khải Hưng, 40 tập sau là NSƯT Mai Hiền. Bối cảnh phim diễn ra ở một địa phương hư cấu là tỉnh Việt Thanh. Bộ phim khắc họa cuộc chiến chống tham nhũng của một Bí thư Tỉnh ủy cùng những người cộng sự của ông, trong đó nổi bật lên vai trò của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.

Nhân vật chính là Mai Hồng Vũ, với nhiều điểm tương đồng khiến người xem liên tưởng đến Vũ “nhôm”, do Việt Anh thủ vai, đã hối lộ, thao túng các quan chức đầu ngành và đời sống chính trị của tỉnh. Do đó, có thể nói kịch bản phim mang tính thời sự rất cao. Câu chuyện về ba vụ án hình sự đan xen, trong đó vụ án một Chủ tịch huyện bị bắt vì "ăn hối lộ", khi lực lượng chức năng khám xét nhà, phát hiện tài sản ông này có tới 2 triệu USD, nhân vật tự tử chết ngay từ tập đầu đã khiến bộ phim trở nên kịch tính, gay cấn, thu hút người xem, cho thấy tính chất phức tạp, cam go của cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay.

Một cảnh trong phim “Sinh tử”

Phim “Hồ sơ cá sấu”, xoay quanh hai nhân vật chính Hải và Nguyệt với cuộc hôn nhân nhiều khúc mắc cần giải quyết. Bên cạnh đó, đôi vợ chồng này cũng vướng vào một rắc rối, liên quan đến các thế lực ngầm. Họ phải tìm cách giải quyết và vượt qua những rắc rối này.

Hành trình Hải đi tìm vợ với sự trợ giúp của Cương "chột" - cựu cảnh sát điều tra ma túy đã khiến Hải bước vào những mối quan hệ rắc rối, bí ẩn mà tất cả đều xoay quanh một thứ có tên Hồ sơ cá sấu. Hải bàng hoàng khi biết Nguyệt đang nắm trong tay một trong ba mảnh ghép tạo nên hồ sơ bí ẩn này. Đó chính là lý do Nguyệt đột ngột biến mất, cùng với đó là cái chết của Khánh "ma" - sếp của Nguyệt. Câu chuyện phim càng trở nên ly kỳ, bí ẩn khi Cương, Vũ, Tuấn "mỏ", Trung… từng người dần gỡ bỏ lớp mặt nạ, lộ diện và phơi bày động cơ đen tối của mình.

Một cảnh trong phim “Hồ sơ cá sấu”

“Hồ sơ cá sấu” lựa chọn khai thác đời sống của giới trung lưu, những người kiếm ra tiền nhưng cũng vì đồng tiền mà phải quay cuồng trong công việc, thủ đoạn làm ăn. Áp lực cuộc sống khiến tâm lý của họ trở nên bí bách, quan hệ gia đình rạn nứt. Nhưng thay vì sống cho người thân, họ lại để cho tham vọng cuốn đi, thậm chí bị kéo đến trước bờ vực lúc nào không biết. Họ phải lựa chọn đánh đổi mọi thứ lấy tiền bạc, danh vọng hay dừng lại, chấp nhận buông bỏ vì hạnh phúc gia đình và hạnh phúc của chính mình.

Có thể nói các bộ phim phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống, nhất là giai đoạn “Lò lửa” chống tham nhũng đang rất nóng. Các bộ phim có quan chức cao cấp thoái hóa biến chất, có cách doanh nhân trục lợi bất chính, có các mối quan hệ đa chiều tình, tiền, tội phạm rất phức tạp. Dòng phim còn khiến khán giả hài lòng bởi đây là câu chuyện phá án của Cảnh sát hình sự, của Viện kiểm sát, Tòa án đan xen với chuyện tình yêu, gia đình, mang theo những thông điệp ý nghĩa về hạnh phúc và sự lựa chọn cách sống trong thế giới đầy rẫy những mảng màu tối và sáng.

Đạo diễn, biên kịch tài ba

Một yếu tố quan trọng nữa làm nên thành công của dòng phim này là biên kịch, đạo diễn đã xử lý rất tốt những tình huống để diễn viên có nhiều đất diễn, chân thực mà hấp dẫn.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến - biên kịch phim “Sinh tử” cho biết, bộ phim có quá trình "thai nghén" kéo dài tới 10 năm kể từ lúc lên ý tưởng cho đến khi bấm máy; còn các đạo diễn Khải Hưng và Mai Hiền mất 3 năm theo đuổi dự án. Kịch bản được nhà văn Phạm Ngọc Tiến viết đi viết lại, chỉnh sửa và bổ sung nhiều lần cho phù hợp tình hình thực tế công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. Ông luôn chú ý trong cách thức chuyển tải sao cho ngôn ngữ chính luận trong phim không khô khan nhưng vẫn thâm thúy, sâu sắc.

Ðạo diễn Nguyễn Khải Hưng chia sẻ, trước đó, đã có rất nhiều biên kịch thất bại cho đến khi Phạm Ngọc Tiến vào cuộc thì mới cho ra một sản phẩm thuyết phục được ê-kíp làm phim. Cái khó với phim chính luận là vừa phải bám sát thời sự, vừa cần đáp ứng thị hiếu khán giả, nếu không nhạy bén cập nhật thì việc kể lại một vụ án từng xảy ra bằng phim ảnh sẽ không còn hấp dẫn nữa. Ðể đáp ứng những yếu tố này, đạo diễn và biên kịch phim dành nhiều thời gian tiếp xúc với các dạng nhân vật trong đời sống hàng ngày, dự nhiều phiên tòa xét xử và chú ý quan sát, nắm bắt cả những diễn biến tâm lý, cách biểu cảm, sử dụng ngôn ngữ của nhân vật thật để đưa vào kịch bản hoặc truyền đạt tới diễn viên. Bên cạnh đó, góc khuất về gia đình, đời sống riêng tư… của nhân vật cũng được ê-kíp phim chú ý khai thác với chất liệu thực tế dày dặn, sinh động. Phía sau bộ phim “Sinh tử” còn có sự hỗ trợ của các chuyên gia, cố vấn nhằm chuẩn hóa thêm các chi tiết.

Trong phim “Sinh tử”, biên kịch, đạo diễn chọn vụ án sập mỏ đá làm chết 9 người, nhiều người bị thương và tình trạng doanh nghiệp lợi dụng mối quan hệ thâu tóm đất công, thu lợi bất chính cả ngàn tỷ đồng, kết bè cánh, lợi ích nhóm là câu chuyện từng xảy ra đâu đó trong xã hội để phơi bày thực trạng qua nhiều sự kiện, tình tiết ly kỳ nhằm chạy tội. Trước món lợi nhuận kếch xù, quan hệ ô dù, cạm bẫy… những người có quyền hành thực thi pháp luật hoặc giữ vai trò quản lý, điều hành bộc lộ cách ứng xử, nhân cách, mỗi người một cách khác nhau, rất sống động.

Chi tiết Mai Hồng Vũ muốn hối lộ Viện trưởng Viện kiểm sát 1 triệu USD được ghi trong lòng bàn tay, gây bất ngờ, thú vị với nhiều người. Người dân thường rất quan tâm đến các thủ đoạn đưa và nhận hối lộ, nên chi tiết rất sinh động này hé lộ thủ đoạn tinh vi của tham nhũng khiến người xem thích thú.

Đạo diễn Mai Hiền cũng nói, những người làm phim không chỉ làm phim chống tham nhũng, còn có mục tiêu phổ biến kiến thức pháp luật, bởi sự hiểu biết hạn chế dễ kéo theo hệ lụy khôn lường. Khán giả nhận biết thế nào là tham nhũng, tình hình xã hội chống tham nhũng ra sao trong "Sinh tử". Bên cạnh cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan điều tra tham gia làm rõ hành vi tham nhũng, phim cũng khai thác chức năng điều tra, phản ánh và góp phần chống tham nhũng từ phía báo chí thông qua nhân vật Tổng Biên tập Phạm và nhà báo Hoàng Ngân.

Đạo diễn Mai Hiền, đồng thời là một nhà quay phim nên có lợi thế về hình ảnh hơn các đạo diễn khác, đó là nắm bắt rất nhanh cách kể một câu chuyện bằng hình ảnh một cách cụ thể, không bị bó buộc trong những câu chữ. “Tuy nhiên, nếu quá sa đà vào những hiệu ứng hình ảnh, anh sẽ bị xao lãng đi câu chuyện chính và đó là điều không nên" – NSUT Mai Hiền từng chia sẻ.

Dàn diễn viên sáng giá

Một yếu tố quan trọng nữa làm nên thành công của dòng phim này là sự góp mặt của dàn diễn viên sáng giá. Dàn diễn viên năng lực khá đồng đều, họ nhập vai diễn từ thần thái, tác phong, cử chỉ, lời thoại đều rất điện ảnh. Họ thực sự hoá thân vào nhân vật, mặc dù những câu từ, thuật ngữ chuyên môn, chuyên ngành của Đảng, tổ chức chính trị, hành chính, pháp luật, tố tụng, không hề dễ thuộc, dễ nhớ chút nào. Có người còn nhận xét, diện mạo, biểu cảm, cách họ ăn nói còn hay hơn hẳn nhiều cán bộ hiện nay. Câu từ dứt khoát, gãy gọn, rõ lời, không thừa, không thiếu… ra chất cán bộ lãnh đạo.

Ở phim “Sinh tử”, nhiều phân cảnh họ diễn vô cùng chân thực khiến người xem cứ ngỡ họ chính là nhân vật thật ngoài đời, có dịp mường tượng, hình dung ra cuộc sống, mối quan hệ thường nhật trong công việc và gia đình của cán bộ quan chức. Đó chính là những điểm thú vị mà bộ phim mang lại.

Để có những thước phim như thế trong “Sinh tử”, theo đạo diễn, NSND Nguyễn Khải Hưng, có những phân cảnh, NSND Trọng Trinh (vai Bí thư Tỉnh uỷ) được quay tới… 70 lần trong điều kiện thời tiết nóng bức, cả hai mới ưng ý về thần thái, biểu cảm cho ra dáng "quan đầu tỉnh". Còn theo NSND Trọng Trinh và nhiều nghệ sĩ khác, vừa thuộc thoại với những ngôn từ, thuật ngữ chuyên môn mới lạ, lần đầu tiên biết đến, vừa diễn xuất với biểu cảm, dáng vẻ như cán bộ, lãnh đạo là rất khó.

NSND Hoàng Dũng vai Trần Nghĩa bằng cách diễn xuất rất tự nhiên, đã khắc hoạ một vị lãnh đạo thâm hiểm, giả nhân, giả nghĩa, nhưng luôn mong muốn để phát triển nền kinh tế tỉnh; Chí Nhân vai Trần Thanh Bạt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, con trai Trần Nghĩa, khắc hoạ hình tượng con ông cháu cha, quen nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn; Quỳnh Nga vai Quỳnh Trinh - Bồ nhí của Trần Thanh Bạt do Mai Hồng Vũ cài vào, là gái làng chơi kiêm "tú bà"; Thúy Hà vai Hoàng Thị Bích Hiền - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Việt Thanh, một nhân vật cơ hội, có xích mích với ông Nghĩa… Mỗi nhân vật một sắc thái, một tính cách đã được các diễn viên khắc họa rõ nét.

“Hồ sơ cá sấu” - phim tâm lý hình sự quy tụ dàn diễn viên truyền hình đình đám: Việt Anh, Mạnh Trường, Kiều Anh, Doãn Quốc Đam, Ngọc Quỳnh, NSƯT Hoàng Hải, Kiều Anh, Lan Phương, Huyền Lizzie… Đây là dàn diễn viên có thực lực được nhiều khán giả yêu mến gồm tuyến cảnh sát điều tra, cơ quan công quyền, thế giới ngầm. Qua các tập phim, khán giả nhận thấy sự mới mẻ, đột phá trong diễn xuất của những gương mặt diễn viên truyền hình quen thuộc.

Khán giả ngày càng khó tính hơn

Có thể nói những bộ phim chính luận, chống tham nhũng, tội phạm vừa qua là bước tiến vượt bậc trong dòng phim truyện nói chung và phim chính luận nói riêng. Tuy nhiên, khán giả ngày càng khó tính hơn, đòi hỏi cao hơn về nội dung, diễn xuất, hình ảnh trong từng bộ phim. Cùng với nhiều ý kiến khen ngợi thì báo chí cũng phản ánh nhiều ý kiến nhận xét sâu sắc, mang tính xây dựng cao.

Có nhiều ý kiến nhận xét phim “Sinh tử” cho rằng bộ phim không phản ánh đúng bản chất cuộc sống của các gia đình quan chức, nhiều chi tiết không thật, khiên cưỡng dẫn đến sự nhàn nhạt của một vài nhân vật, như hầu hết các bà vợ cán bộ lãnh đạo đều có dáng vẻ của bà nội trợ, nhu mì, hiền hậu, tốt tính. Với một loạt vai như thế, cần khắc hoạ hình ảnh một vài bà vợ kiểu "quan bà", "sân sau" của chồng để đẩy bộ phim đến những cao trào, hợp lý hơn.

Có khán giả bắt lỗi rất đúng: Nhiều tình tiết vô lý, ông Bí thư trải qua bao chức vụ, bao nhiêu năm công tác mà chỉ có cuốn sổ tiết kiệm 300 triệu đồng khiến ông buồn thẫn thờ vì không đủ để cho cô con gái duy nhất thực hiện giấc mơ du học; Tổng Biên tập "năn nỉ" phóng viên gỡ bài online là tình tiết rất vô lý…

Vai nhà báo Hoàng Ngân và toà báo Việt Thanh cũng lộ nhiều tình tiết vô lý. Thật khó thuyết phục những người làm báo về vai trò báo Đảng ở một địa phương lại "năm lần bảy lượt" qua mặt hoặc phớt lờ chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh để đăng những bài báo gây bất lợi cho địa phương, dù Tổng Biên tập là bạn thân của Bí thư Tỉnh uỷ…

Vũ Chân Thư

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin