Dọn dẹp sở hữu chéo tín dụng: Bắt đầu từ đâu?

08/08/2017 08:55

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Nhà nước nên thoái toàn bộ vốn ở các ngân hàng thương mại.

Quyết tâm đã nhiều năm nhưng...

Bàn về quyết tâm dọn dẹp sở hữu chéo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chuyên gia tài chính-ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc NHNN quyết tâm là rất tốt và đã có từ nhiều năm nay nhưng vấn đề sở hữu chéo vẫn cứ dai dẳng. Nguyên nhân nằm ở chỗ:

Thứ nhất, việc thoái vốn không dễ dàng. Nếu thoái vốn thì nhà đầu tư phải tìm được người mua lại cổ phần của mình chứ không thể trả lại vốn đó cho ngân hàng mình đã đầu tư. Giá bán cổ phần ít nhất phải bằng giá mà nhà đầu tư mua trước đây. Nếu giá trên thị trường xuống dưới mức giá mà nhà đầu tư mua trước đây thì thoái vốn sẽ bị lỗ.

Thị trường tài chính hiện nay không còn thuận lợi như cách đây 10 năm, gây trở ngại cho việc thoái vốn.

Thứ hai, mục tiêu của sở hữu chéo là nhà đầu tư muốn có quyền lực qua việc sở hữu tại nhiều tổ chức kinh tế, cũng như một ngân hàng muốn đầu tư vào các ngân hàng khác với mong muốn mở rộng thị trường và quyền lực của mình.

 TS Nguyễn Trí Hiếu
TS Nguyễn Trí Hiếu)

Thoái vốn có nghĩa là các nhà đầu tư phải chấp nhận thu gọn lại quyền lực về mặt kinh tế, thị trường, xã hội của mình. Trước đây, nhà đầu tư đã có chân rết ở chỗ này, chỗ kia và những vị trí mang tính quyền lực, có thể kiểm soát được nhiều tổ chức tín dụng. Giờ thu gọn lại, không những họ mất đi quyền lực mà còn mất đi cơ hội để làm ăn. Vì thế, đây là điều rất khó thực hiện.

Thứ ba, thông tin minh bạch là vấn đề rất lớn. Cách đây 4 năm, NHNN chỉ đạo thành viên HĐQT, cổ đông của các ngân hàng phải khai báo những người có liên quan đến mình và số cổ phiếu những người đó nắm giữ nhưng đến nay đây vẫn là vấn đề lớn. Nếu không có quy định và xử lý pháp luật chặt chẽ thì việc minh bạch các thông tin đó sẽ không được thực hiện một cách rốt ráo.

"Giải quyết lợi ích nhóm bắt buộc phải làm triệt để. Nếu ngân hàng Việt Nam còn chấp nhận sở hữu chéo thì vẫn ở trong tình trạng có những cá nhân, tổ chức có khả năng lũng đoạn thị trường và gây ra thiệt hại.

Có ông chủ ngân hàng có thể vay tổ chức tín dụng cả chục nghìn tỷ đồng là điều không thể tưởng tượng được. Họ làm được như vậy là vì có những chân rết ở ngân hàng và có quyền lực làm chuyện đó. Đây là tệ nạn trong hệ thống ngân hàng phải giải quyết.

Do đó, quyết tâm của NHNN là phù hợp, nhưng quan trọng là việc thực hiện như thế nào.

Nếu hệ thống ngân hàng Việt Nam muốn tiến xa trong hệ thống tài chính thế giới thì sở hữu chéo, đầu tư chéo, nhóm lợi ích lợi dụng vị trí của họ để lũng đoạn ngân hàng phải bị triệt tiêu. Từ đó, ngành ngân hàng mới được quản trị và quản lý một cách lành mạnh hơn, đi đến một hệ thống ngân hàng theo thông lệ quốc tế, theo Basel 2, đi vào trong hệ thống mà vấn đề quản trị doanh nghiệp được thực hiện đúng mực.

Với sở hữu chéo, dù cho hệ thống ngân hàng đi vào Basel 2, Basel 3 thì tất cả sổ sách cũng không được minh bạch, những người ở trong vị trí như thế vẫn tìm cách này hay cách khác để tránh né các quy định theo Basel", TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia, nợ xấu có mối liên quan hữu cơ với sở hữu chéo. Theo đó, nếu không có sở hữu chéo thì ngân hàng khi cho vay sẽ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hoặc quy định nội bộ.

Chẳng hạn, nếu không có sở hữu chéo, lợi ích nhóm, ngân hàng phải tuyệt đối tuân thủ việc cho một doanh nghiệp vay không quá bao nhiêu % vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

Tuy nhiên, khi có sở hữu chéo, tạo ra quyền lực cho một số thành viên trong HĐQT, họ có thể lách những quy định đó một cách dễ dàng.

Họ lập ra các công ty con và các công ty đó vay ngân hàng, mà sự thật là những công ty con đó nằm trong tay 1 người.

"Rõ ràng vì có sở hữu chéo, nhà đầu tư nắm trong tay các công cụ tài chính nên việc vay vượt quy định là rất dễ dàng, từ đó dẫn đến nợ xấu.

Xử lý nợ xấu, sở hữu chéo sẽ gây ra thiệt hại cho ngành ngân hàng, những sai phạm sẽ làm tổn thương đến hệ thống chính trị, kinh tế, tài chính và xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, đó là liều thuốc đắng Việt Nam phải chấp nhận uống để hệ thống ngân hàng đi vào một quỹ đạo lành mạnh", TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Đại phẫu toàn diện

TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, nhìn chung, các quy định pháp luật liên quan đến sở hữu chéo, quản trị, điều hành đã đầy đủ, nhưng vấn đề là thực thi những quy định đó như thế nào.

"Nếu ngân hàng không tự ý thức được vấn đề sở hữu chéo và tổn hại của nó gây ra cho ngành ngân hàng thì cuối cùng, luật vẫn là luật và thực tế vẫn không giải quyết được.

Khi tự nhận thức được, ngân hàng phải đưa ra những chính sách, kế hoạch xử lý vấn đề sở hữu chéo", ông chỉ rõ.

Đáng lưu ý, vị chuyên gia ngành tài chính-ngân hàng đã chỉ ra rằng, Nhà nước cũng được xem là một trong những thành phần sở hữu chéo khi đầu tư vào hết ngân hàng này đến ngân hàng khác.

"Cách đây 20-30 năm khi các thành phần kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa có, Nhà nước là cơ quan có nhiều tiền nhất và chính là chỗ có thể thành lập ra các ngân hàng và định chế tài chính.

Nhưng sau hơn 20 năm, ngành tài chính Việt Nam đã đi vào kinh tế thị trường, do đó Nhà nước nên giao lại cái gì mà doanh nghiệp tư nhân có thể làm được, ngay cả ngành ngân hàng.

Vì vậy, tôi cho rằng cần có một chương trình thoái toàn bộ vốn Nhà nước khỏi hệ thống ngân hàng. Lúc bấy giờ vấn đề sở hữu chéo sẽ được giải quyết phần nào", TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm.

Ông nhấn mạnh, cần có cuộc đại phẫu cho toàn hệ thống ngân hàng, từ vấn đề sở hữu chéo, lợi ích nhóm đến vốn của Nhà nước tại các ngân hàng, các ngân hàng sai phạm quy định, vấn đề nợ xấu...

"Phải là cuộc đại phẫu toàn diện thì mới có thể đưa ngành ngân hàng vào quỹ dạo mới. Còn giải quyết từ từ, thì nhìn nợ xấu sẽ thấy, sau bao nhiêu năm VAMC vẫn chưa giải quyết được gì.

Nghị quyết 42 của Quốc hội thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, vốn Nhà nước tại các ngân hàng vẫn còn thì vẫn chưa thể kỳ vọng Nghị quyết 42 có thể giải quyết vấn đề nợ xấu một cách triệt để trong vòng 5 năm tới", TS Hiếu nói.

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "Dọn dẹp sở hữu chéo tín dụng: Bắt đầu từ đâu?" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin