Đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về bạo hành, xâm hại trẻ em

23/04/2017 18:49

Thực tế, vì những lí do khác nhau về tâm lý nên các con số thống kê không phản ánh đúng tình hình xâm hại trẻ em. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, vấn đề về bạo hành, xâm hại trẻ em nên được giám sát ở tầm tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Hôm nay (22-4), tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo và thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2018.

Qua tổng hợp 196 nội dung kiến nghị giám sát, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 6 nội dung giám sát cụ thể để trình Quốc hội, gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, xử lý đối với các dự án, công trình trọng điểm kém hiệu quả, thua lỗ;

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội;

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; Việc thực hiện Luật thủ đô; Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công với Cách mạng.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu nhất trí với nội dung giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội và việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị giám sát về phòng chống xâm hại trẻ em
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị giám sát về phòng chống xâm hại trẻ em)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, giám sát vấn đề sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là phù hợp, vì đây là vấn đề bức xúc hiện nay, thực tế có tình trạng lạm dụng, vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Còn vấn đề an toàn giao thông đã được kiến nghị giám sát nhiều lần, nhưng tình hình vi phạm trật tự an toan giao thông không có dấu hiệu giảm khi mà số lượng người chết, bị thương và tàn tật vì tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.

Đáng quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung nội dung giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống bạo lực đối với trẻ em, trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp tới. Vì, vấn đề về bạo hành trẻ em đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức giám sát từ năm 2012, tuy nhiên tình hình không mấy được cải thiện mà có dấu hiệu tăng thêm.

Thực tế, vì những lí do khác nhau về tâm lý nên các con số thống kê không phản ánh đúng tình hình xâm hại trẻ em. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, vấn đề về bạo hành, xâm hại trẻ em nên được giám sát ở tầm tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị bổ sung nội dung giám sát việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và trên một số lĩnh vực. Bày tỏ nhất trí, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết thêm, nội dung này chưa có giám sát tối cao. Việc thực hiện giám sát nội dung này sẽ góp phần phục vụ xây dựng Luật hỗ trợ phát triển miền núi và dân tộc đang được soạn thảo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình, cho rằng nên đưa vào chương trình giám sát về trẻ em và chính sách thực hiện đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Chủ tịch Quốc hội, qua xem xét báo cáo kết quả phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đã có 1.717 vụ xảy ra trong năm 2015, năm 2016 là 1.641 vụ, quý I/2017 là 375 vụ bị phát hiện. Điều này cho thấy tình hình xâm hại trẻ em là rất đáng lo ngại./.

Theo PL&XH

Bạn đang đọc bài viết "Đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về bạo hành, xâm hại trẻ em" tại chuyên mục An ninh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin