Để Kiểm toán Nhà nước làm tốt hơn nữa vai trò phòng, chống tham nhũng

(Pháp lý) - Một số chuyên gia pháp luật cho rằng, hiện vai trò và chức năng của Thanh tra Chính phủ (TTCP) và Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chưa thực sự phân định rõ ràng để tăng cường tính chủ động trong công tác phòng, chống tham nhũng, cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng giữa các cơ quan này còn bất cập.

Một số hoạt động về PCTN chồng lấn giữa KTNN với các cơ quan khác

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết: trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, TTCP có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng thì đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý. Còn KTNN có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện và phối hợp xử lý hành vi tham nhũng; trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý.

Luật Kiểm toán Nhà nước cần đảm bảo tính độc lập cao đối với hoạt động kiểm toán  Nhà nước
Luật Kiểm toán Nhà nước cần đảm bảo tính độc lập cao đối với hoạt động kiểm toán Nhà nước)

Theo LS. Hà, quy định về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giải quyết tố cáo nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện tham nhũng, chưa có sự phân định rõ ràng nhằm tăng cường tính chủ động và điều phối trong hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo về trách nhiệm giữa cơ quan thanh tra và kiểm toán.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Vũ Văn Thiệu, Hãng luật Incip chỉ rõ, chúng ta được biết nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng hoặc cơ quan kiểm toán đều có nhiệm vụ phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Điều này có nghĩa là cơ quan điều tra mới là cơ quan chính với chức năng xử lý những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm. Cơ quan kiểm toán và thanh tra nhà nước chỉ có chức năng chính là báo cáo, giám sát. Tuy nhiên, việc phân định chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan này chưa được rạch ròi, đôi khi dẫn đến chồng chéo.

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đã dành 12 Điều, từ Điều 54 đến Điều 65 để quy định về trình tự, thủ tục xác minh. Trong 12 Điều này đã giao cho Tổ xác minh của Cơ quan kiểm soát tài sản những thẩm quyền quá lớn, mâu thuẫn với nội dung xác minh được quy định tại Điều 55. Tổ xác minh này có những quyền giống như cơ quan điều tra trong thực thi điều tra vụ án hình sự, như quyền phối hợp kiến nghị với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi tẩu tán tài sản, ngăn chặn việc chuyển dịch tài sản hoặc giám định tài sản thu nhập, chồng lấn vào thẩm quyền của thanh tra, kiểm toán, điều tra khi có dấu hiệu tham nhũng. Điều này gây khó khăn trong xác định thẩm quyền xử lý vi phạm, trình tự xử lý vi phạm và lúng túng trong phối hợp hoạt động giữa các cơ quan phòng chống tham nhũng, cơ quan công an và cơ quan kiểm toán Nhà nước.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính nhận định, chức năng phòng chống tham nhũng của hai cơ quan này hiện nay chưa được phân biệt rạch ròi. Cụ thể, KTNN thực hiện vai trò kiểm tra các hoạt động về kinh doanh, tài chính dựa trên cơ sở chứng từ, sổ sách kế toán để thực hiện việc kiểm tra. Đồng thời, KTNN có chức năng đi kèm như: đào tạo, tư vấn cho cơ quan Chính phủ (CP), cơ quan quản lý của Quốc hội trong việc đề ra các luật pháp cũng như những vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý kinh tế, hoạt động kiểm toán, kiểm toán quốc tế… để xây dựng nền kiểm toán phù hợp. Trong khi đó, TTCP có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, tiến hành các hoạt động thanh, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các hoạt động của các cơ quan quản lý về nhà nước.

Việc mở rộng vai trò của hai cơ quan này theo yêu cầu của Chính phủ trong từng thời kỳ. Trước đây, KTNN chỉ kiểm tra các tài sản công, đầu tư công,…liên quan trong khu vực nhà nước. Tuy nhiên, một số ngành nghề quan trọng hiện nay có thể ảnh hưởng lớn tới kinh tế quốc dân, như hoạt động ngân hàng cũng được Chính phủ yêu cầu KTNN kiểm tra. Chính vì thế mà có một số hoạt động của hai cơ quan này na ná giống nhau, với mục tiêu cùng rà soát và chống tham nhũng”, ông Thịnh chỉ rõ.

Để KTNN làm tốt hơn nữa vai trò phòng, chống tham nhũng

Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015, có bổ sung các quy định liên quan đến nhiệm vụ quyền hạn của KTNN, cũng như của Tổng Kiểm toán nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa Luật KTNN với Luật PCTN năm 2018. Tuy nhiên, để phát huy cao hơn nữa vai trò phòng, chống tham nhũng của KTNN, Luật sư Vũ Văn Thiệu cho rằng, Luật KTNN cần đảm bảo tính độc lập cao đối với hoạt động KTNN, tương xứng với vị trí, vai trò của KTNN với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công cao nhất của Nhà nước, do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Luật phải hướng đến phân định rõ vị trí, chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát khác của Nhà nước; kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Luật KTNN hiện hành; bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh hay chưa rõ hoặc thiếu thống nhất, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tế hoạt động của KTNN; đảm bảo sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với các luật khác có liên quan; cần làm rõ phạm vi, đối tượng kiểm toán; quy định đầy đủ đơn vị được kiểm toán, bảo đảm mọi nguồn lực tài chính công, tài sản công theo quy định của Hiến pháp đều được KTNN thực hiện kiểm toán; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế về tổ chức, hoạt động của KTNN và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

 Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa, cần làm rõ cơ chế về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm toán và điều tra (ảnh minh họa)
Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa, cần làm rõ cơ chế về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm toán và điều tra (ảnh minh họa))

Theo đó, cần bổ sung các quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán; việc cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước; bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN; bổ sung quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật sư Thiệu nói.

Đồng tình với quan điểm của Luật sư Thiệu, Luật sư Hà đề xuất thêm, Luật KTNN cần quy định cụ thể những vấn đề như sau: xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển KTNN, để bao quát các hoạt động kiểm toán, làm rõ các nội dung về kiểm toán nhằm mục tiêu phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kịêm và chống lãng phí.

KTNN cần xây dựng các biện pháp có tính đột phá nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh chống tham nhũng và kiên quyết hơn với các hành vi lãng phí, thất thoát, kém hịêu quả trong việc sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công.

Nên đổi mới công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, hướng vào những vấn đề trọng điểm, cấp bách trong quản lý tài chính, ngân sách. Bên cạnh việc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN với tư cách là một báo cáo tài chính tổng hợp, cần tiến hành kiểm toán theo chuyên đề (như kiểm toán thực hịên các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình quan trọng quốc gia, …) để có thêm thông tin sát thực phục vụ cho yêu cầu phòng chống tham nhũng. Đề cao tính hiệu lực trong việc thực hiện các kết luận và kiến nghị của KTNN đối với đơn vị được kiểm toán. Phải phát triển KTNN thực sự trở thành trung tâm kiểm tra tài chính Nhà nước có uy tín, có trách nhiệm và đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt tài chính nhà nước và tài sản công. KTNN phải mạnh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm thực hịên nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài là kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động và kiểm toán tính hiệu quả. Làm được như vậy, kiểm toán sẽ là một kênh kiểm soát rất quan trọng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Luật sư Hà kiến nghị.

Theo Luật sư Hà, phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội, trong đó trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như thanh tra, kiểm toán. Do đó, Luật sư Hà kiến nghị, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán, giúp công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa.

Để hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, ông Hoàng Hồng Lạc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị: Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống luật pháp về KTNN, trong đó bổ sung vào Hiến pháp một số điều về địa vị pháp lý, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, thẩm quyền bổ nhiệm Tổng KTNN; Sửa đổi và bổ sung một số chức năng, quyền hạn của KTNN theo hướng: bổ sung chức năng điều tra, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, kiểm toán nợ công, nhiệm vụ trình ý kiến để Quốc hội xem xét quyết định dự toán ngân sách nhà nước; đặc biệt bổ sung quy định quyền tự quyết cao của Tổng KTNN đối với các vấn đề tổ chức, hoạt động và kinh phí của KTNN để nâng cao địa vị pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của KTNN trong phòng chống tham nhũng; Bổ sung Tổng Kiểm toán Nhà nước vào Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để nâng cao vị thế và vai trò của KTNN trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Quy định bổ sung trong Luật Phòng, chống tham nhũng về trách nhiệm và chế tài đối với các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện kiến nghị của các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng...

 

Hải Dương

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin