Dấu hiệu bùng nổ tội phạm môi trường toàn thế giới

Trong những năm vừa qua, tội phạm môi trường có dấu hiệu bùng nổ trên toàn thế giới. Theo số liệu công bố gần đây của Liên hợp quốc (LHQ) và tổ chức Cảnh sát quốc tế Interpol, nạn khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

Một số lượng lớn ngà voi bị bắt giữ
Một số lượng lớn ngà voi bị bắt giữ)

Vừa là thủ phạm...

Nhóm nghiên cứu và thông tin về hòa bình và an ninh (GRIP) vừa công bố một báo cáo cho biết khoản tiền mà giới tội phạm môi trường kiếm được là cực lớn và rất khó hình dung được quy mô thực sự của vấn nạn này.

Báo cáo do GRIP thực hiện căn cứ vào số liệu về những thiệt hại đã được ghi nhận và các giao dịch tài chính ngầm bị phát hiện, tuy nhiên trên thực tế rất nhiều vụ việc vẫn còn nằm trong bóng tối.

Nina-Krotov Sand, tác giả của bản báo cáo, cho biết có hai xu hướng chứng minh tình trạng gia tăng cấp độ của loại hình tội phạm dạng này, đó là các phương tiện mà bọn tội phạm sử dụng ngày càng phức tạp và hình thức phạm tội vô cùng đa dạng.

Nếu như trước đây tội phạm môi trường chủ yếu chỉ liên quan đến các hoạt động khai thác gỗ, khoáng sản và săn bắn thì nay chúng còn lấn sang cả hoạt động đánh bắt cá trái phép và buôn bán chất thải nguy hại.

Báo cáo khoanh vùng nghiên cứu tại khu vực còn ít được truyền thông để ý tới là Đông Phi. Khi đề cập đến loại tội phạm này, người ta thường hay nhắc đến khu vực Trung Phi với vấn nạn buôn bán ngà voi và gỗ lậu.

Trong khi đó khu vực Đông Phi vẫn còn ít được báo chí quan tâm dù thực trạng ở đây cũng trong tình trạng báo động. Tại các vùng ven biển, đặc biệt là các hải cảng lớn của khu vực như Lagos (Nigeria) chính là điểm đen trung chuyển gỗ lậu, các loại động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng được quốc tế bảo vệ.

Riêng giai đoạn 2007-2014 có tới 17.000 kg ngà voi lậu bị bắt giữ tại Đông Phi, trong đó chủ yếu là ở Nigeria và Togo. Các nước như Burkina Faso, Sénégal và Bờ Biển Ngà cũng đang nổi lên là địa điểm mà bọn tội phạm cất giấu nhiều chất thải nguy hại.

...vừa là nạn nhân

Ngoài việc bị coi là địa điểm trung chuyển, các nước này còn là nạn nhân trực tiếp của hoạt động tội phạm môi trường trong hai lĩnh vực chính của nền kinh tế liên quan đến sinh kế chủ yếu của người dân, đó là ngành khai thác gỗ và đánh bắt cá.

Trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2015, với một chiến dịch được tiến hành tại 9 quốc gia Đông Phi, Interpol đã bắt giữ được một khối lượng gỗ hương bị khai thác trái phép trị giá tới 216 triệu euro.

Tại Đông Phi, hoạt động khai thác thủy sản là lĩnh vực tiếp theo bị ảnh hưởng mạnh do nạn đánh bắt lậu. Theo Chương trình của LHQ về môi trường, có từ 1/3 đến 1/2 sản lượng khai thác tại khu vực này liên quan đến hoạt động đánh bắt lậu, không được khai báo và vi phạm quy định.

Ước tính hoạt động này hàng năm đem lại cho bọn tội phạm số tiền lên tới 1,3 tỷ USD Mỹ. Báo cáo của GRIP cũng chỉ ra tình trạng ngày càng nhiều ngư dân bản địa phải bỏ nghề, một số thậm chí phải tham gia vào mạng lưới tội phạm hoặc trở thành cướp biển do không cạnh tranh nổi với hoạt động đánh cá quy mô công nghiệp cả hợp pháp và bất hợp pháp.

Vào tháng 9/2016, Tòa án Hình sự Quốc tế tuyên bố đã lưu ý đến các hoạt động tội phạm về môi trường như khai thác lậu tài nguyên thiên nhiên, chiếm hữu đất đai bất hợp pháp hay các hành động hủy hoại môi trường.

Tuy nhiên, cơ quan này vẫn chưa đưa ra định nghĩa chính xác cho khái niệm thế nào là tội phạm về môi trường. Tác giả báo cáo cho rằng điều cần thiết nhất hiện nay là phải thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước để đưa ra được các quy định thống nhất nhằm ngăn chặn tình trạng tội phạm về môi trường.

Vấn nạn này đã trở thành thách thức chung đối với các quốc gia cũng như toàn thế giới nói chung nên đòi hỏi phải có cách tiếp cận tổng thể và toàn diện, song thực tế các quốc gia đều đang hành động theo cách riêng của mình...

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin