Doanh nghiệp thuê đất của nhà nước tìm cách đút tiền vào túi cá nhân, thất thoát cả nghìn tỷ, nhưng ngân sách thiếu hụt thì đi khoan sức dân.
Quy định không theo kịp thực tế
Mới đây, hội thảo xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ rõ thực trạng, nhiều doanh nghiệp đang được giao quản lý sử dụng hàng loạt địa điểm “đất vàng” có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại có giá trị doanh nghiệp “bèo bọt”.
Hậu cổ phần hóa (CPH), các cổ đông có thể hưởng một khoản lớn nếu như doanh nghiệp được cấp sổ đỏ và lợi thế quỹ đất này chắc chắn rơi vào túi cá nhân. Như vậy CPH mà không định giá giá trị sử dụng đất hoặc lợi thế từ đất đang sử dụng và ưu tiên sử dụng chắc chắn sẽ không khách quan, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Trước thực trạng trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 22/8, TS Lê Đạt Chí - Phó trưởng Khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP HCM cho biết: "Việc CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực giá rẻ bèo, liên quan đến cách thức chi trả tài sản của nhà nước trong khối tài chính kế toán của doanh nghiệp, có nhiều cách thức để lách một tài sản và đó chính là cách được định giá trong CPH, hay không được định giá trong CPH.
Và cũng có nhiều cách thức để ghi chép, cùng một miếng đất vàng đó có thể nằm trong bảng cân đối kế toán, nhưng cũng có thể không nằm trong bảng cân đối kế toán. Nếu nằm trong thì đương nhiên phải định giá tài sản, định giá theo quy định khung giá của Bộ Tài chính, không lật kèo được.
Còn nếu không đưa vào thì không định giá được, khi đó miếng đất thuộc quyền sở hữu của công ty, đó là nghiệp vụ tách tài sản ra khỏi bảng cân đối kế toán, để thấy yếu tố quan trọng nhất là cách thức ghi chép. Và đây chính là lỗ hổng bao nhiêu năm nay chưa thay đổi được, chính cách thức hạch toán này dẫn đến việc thất thoát tài sản nhà nước.
Cuối cùng công ty không giao đất, không giao đất thì không định giá được tài sản mà không định giá được thì không thể CPH, cho nên tiến độ CPH trong năm nay coi như bỏ qua một bên, không đáp ứng với lộ trình của Chính phủ.
Tôi sẽ nói cụ thể cách tách một tài sản ra khỏi bảng cân đối kế toán, cụ thể là đất đai, cũng là miếng đất đó, doanh nghiệp thuê 50 năm, từ đó nghiễm nhiên miếng đất là của họ mà chỉ trả tiền thuê đất hàng năm, chứ không trả một lần, trong khi nếu trả một lần mới định giá được.
Việc này không khác nào việc thuê một căn biệt thự của bố mẹ để ở 50 năm, nhưng hàng năm chỉ trả số tiền bèo bọt.
Hoặc miếng đất đó nếu có làm dự án, thì sẽ phải đóng tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lúc đó đóng thuế, phải định giá lại. Và khi chuẩn bị cho quá trình CPH thì những người quản lý, có liên quan tại công ty sẽ thực hiện nghiệp vụ là thuê đất trả tiền định kỳ hàng năm, chứ không muốn nhận tài sản đó, vì nếu nhận họ phải cho vào bảng cân đối kế toán, định giá tài sản, đóng thuế tài sản hoạt động.
Cho nên các miếng đất đó mang tiếng là thuê trong dài hạn nhưng trả tiền hàng năm với số tiền chi phí thấp.
Một cách làm khác phổ biến hiện nay, cũng miếng đất đó nhưng thỏa thuận hợp tác với một bên khác để làm dự án, nhà nước thu về một khoản tiền, coi như miếng đất đó bị tư nhân hóa. Trong các dự án bị thanh tra của chính phủ trong năm nay, đều rơi vào tình trạng này, các doanh nghiệp vội vàng lấy tài sản đó đi định giá, tự góp vốn, liên doanh theo hợp đồng rất rẻ làm cho lợi ích chuyển từ nhà nước sang tư nhân.
Ngày nay còn có một hình thức chuyên nghiệp hơn đó là chuyển qua hình thức thuê đất, nhiều DNNN có công ty con đã liên doanh với các công ty khác nên rất khó tách phần đất ra để định giá mà phải định giá thông qua giá trị sổ sách.
Tập đoàn đang sở hữu miếng đất đó mà không CPH được lấy miếng đất đó đem ra định giá bèo lập liên doanh, góp vốn, xây chung cư, cao ốc, từ đó hợp đồng hợp tác, định giá được chia ra. Cách chuyển tài sản ra khỏi bảng cân đối kế toán là cách tốt nhất hiện nay người ta đang làm".
Bên cạnh đó, theo ông Chí, nguyên nhân là từ chính sách, quy định của chúng ta không lường trước được tình huống, mà trong thực tế nghiệp vụ đưa tài sản ra khỏi bảng cân đối kế toán nó luôn luôn nằm trong đầu các giám đốc, kế toán trưởng. Quy định không theo kịp thực tế thì mới thành kẽ hở quản lý gây thất thoát tài sản nhà nước.
Thực tế, thực trạng trên đã tồn tại từ lâu, không ai là không biết thực trạng này, nhưng các nhà quản lý luôn lựa chọn cách có lợi cho đôi bên. Trong quá trình CPH không phải người quản lý DNNN không biết giá trị thật, vấn đề là không phải của họ, mà là do họ đại diện, họ có móc ngoặc đằng sau không ai biết.
Biết sai nhưng vấn đề là dùng quy định nào để xử lý, khi các quy định chưa lường trước được các tình huống phát sinh, chậm thay đổi, cập nhật, dẫn đến hoạt động các nghiệp vụ thường xuyên diễn ra để dẫn đến định giá tài sản có nhiều biến động.
Cho nên, chúng ta hiện nay nếu không CPH cũng tổn thất, mà nếu có CPH thì cũng tổn thất, bây giờ CPH không định giá thì cũng đi vào lãng phí, không khai thác được tài sản đó.
Nhưng chúng ta đã xác định mục tiêu lớn chuyển đổi mô hình DNNN tăng tính cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, làm cho thu ngân sách dài hạn tăng vì DNNN hoạt động trì trệ, kém thì nộp NSNN ít, còn nếu chuyển đổi thì tăng thu, nhiều doanh nghiệp sau CPH ăn nên làm ra.
Rất nhiều vốn của nhà nước để đó không ra được giá trị, nhưng nếu định giá thì tăng lên, thất thoát có thể bị, nhưng nó là vấn đề nghiệp vụ, quy định chưa đồng nhất, còn kẽ hở, chứ không phải là vì thất thoát đó để đi bỏ một chủ trương lớn. Chủ trương CPH là đưa nền kinh tế sang tư nhân hóa nhiều hơn, năng động hơn mà không đạt được thì hơi dở.
Ngân sách thiếu hụt thì khoan sức dân
Đặt ra câu hỏi về vấn đề này, ông Chí nói: "Nhà nước giao cho doanh nghiệp không giao luôn, định giá luôn lại còn cho thuê, đóng tiền hàng năm vào ngân sách, vì sao lại làm vậy?.
Cái này nằm ở Bộ Tài chính, Sở Tài chính địa phương nếu định giá tài sản thì làm cho đúng rồi đưa vào bảng cân đối kế toán, không có chuyện thuê 50 năm sau, sau khi thuê thì tự làm thành tài sản công ty mình".
Một câu chuyện được ông Chí đặt ra, trong khi thất thoát cả nghìn tỷ đồng trong việc cho thuê đất, thì tăng thuế lên dân. Hiện nay thuế VAT để tăng nguồn thu cho ngân sách có nhiều cách: Một là, khi tính đến lộ trình giảm thuế doanh nghiệp điều đó không có nghĩa số tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ ít đi, họ có đưa ra lý giải từ hơn 30% xuống còn hơn 20%.
Không phải vì giảm thuế mà tổng số thuế thu lại giảm, bởi chính thuế xuất giảm, doanh nghiệp sẵn sàng khai báo thuế nhiều hơn và nộp thuế nhiều hơn, bởi một đồng thuế xuất kinh tế, thu nhập tạo ra, đóng 20% so với 30% họ sẵn sàng khai báo. Việc giảm thuế, để tăng số tiền nộp thuế vào ngân sách sẽ cao hơn.
Còn thuế VAT là thuế đánh trực tiếp vào khâu cuối cùng tiêu dùng là người dân, hiện nay các đối tượng, các mặt hàng liên quan đến nông nghiệp từ 0% lên 20%, người nông dân họ bị thiệt, mua về trồng cây phải nộp thuế giá trị gia tăng trong khi họ bán trái cây, họ không được khấu trừ gì, họ dùng nguyên vật liệu đầu vào mà không được khấu trừ như doanh nghiệp, coi như họ bị thiệt thòi hai lần.
Hai là, các đối tượng khác như thuế suất 10%, 20% đều tăng lên, thông thường là các mặt hàng liên quan tiêu dùng, mà cơ cấu của Việt Nam thì thu nhập chủ yếu đáp ứng cho việc tiêu dùng.
Hiện nay, 70% thu nhập bình quân 2000USD/năm của người dân là để cho tiêu dùng, duy trì cuộc sống, các mặt hàng thiết yếu, nên nếu bị tăng thuế lên thì làm dân nghèo đi, giảm tỷ lệ tiết kiệm xuống.
Nền kinh tế mà tiết kiệm giảm xuống thì đầu tư giảm, mà đầu tư giảm thì rất nhanh suy thoái, trong khi ngân sách thiếu hụt là do bội chi, bội chi thường xuyên quá nhiều, chi đầu tư kém hiệu quả, chỉ số ICOR (hệ số đầu tư tăng trưởng) lại cao nhất, điều đó có nghĩa đồng vốn đi đầu tư của nhà nước kém hiệu quả, thất thoát, tham nhũng.
Ngân sách thiếu hụt thì đi khoan sức dân, trong khi không nói đến vấn đề quản lý nguồn thu, quản lý hành chính, giảm chi tiêu thường xuyên, tăng sức đầu tư mà lại đi đánh vào tiêu dùng, vào người dân.
"Dần dần sẽ dẫn đến tình trạng phân hóa giàu nghèo, thu nhập bình quân đầu người tổng thể nền kinh tế khoảng 2000 USD/người/năm, nhưng 2 đầu đất nước kinh tế phát triển, thu nhập bình quân cao, thì đưa đến chênh lệch với các khu vực khác lớn.
2 thành phố Hà Nội, TPHCM có tổng 20 triệu dân, thu nhập bình quân 3000-4000 USD/người/năm, như vậy 70 triệu dân còn lại sẽ chỉ còn hơn 1000USD/người/năm, chia cho 12 tháng thì được bao nhiêu, mà chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu 70%, thì biết cách thu thuế này sẽ đè lên vai người dân nghèo khổ ra sao", ông Chí nhấn mạnh.
Và đưa ra đề xuất: "Để xử lý vấn đề chuyển đất vàng thành đất cát nó liên quan đến quá trình quy định về định giá, quy định về giao tài sản, khi DNNN tiến hành CPH, nó dẫn đến giao tài sản, nếu tài sản đó không giao cũng không cho thuê thì mọi việc sẽ đâu vào đó.
Phải để tài sản ra khỏi bảng cân đối kế toán, rất đơn giản nếu muốn thực sự xử lý cũng sẽ làm được, CPH DNNN sẽ còn hấp dẫn nữa, chứ chủ trương này 20 năm làm mãi, làm hoài mà không xong".
Theo Bao Datviet