Sáng 19-6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).
Theo đó, tại phiên thảo luận, toàn thể tại hội trường đã có 27 ý kiến tham luận. ĐB Ksor Phước Hà (Gia Lai) nêu thực tế hiện nay mỗi năm cả nước xảy ra 7.000 vụ phá rừng, 20.000 vụ vận chuyển chế biến lâm sản trái phép, đây là con số công khai. Hàng loạt công trình thủy điện lớn, nhỏ, trải dài theo những khe suối, con sông với việc xả lũ đúng quy trình. ĐB này đề nghị chấm dứt, không cho xây dựng các công trình thủy điện nữa.
Là ĐB đến từ mảnh đất Tây Nguyên, ĐB Ksor Phước Hà cho rằng nói đến rừng chúng ta không chỉ đang nói đến những thân cây to và tán lá rộng mà ta nói đến hệ sinh thái thảm thực vật, các sinh vật đang ngày đêm tìm cách sinh tồn dưới sự truy sát của con người. Trong khi đó con người chúng ta cũng đang vật vã, hổn hển khi một người trưởng thành phải hít khoảng 6 triệu tấn ôxy mỗi năm, sẽ tìm đâu ra khi nhà nhà điều hòa, xe máy, ô tô, cao su trồng tràn mọi vùng, miền.
“Chúng ta không thể phủ xanh đồi trọc bằng cây cao su vì nó chiếm O2 và thải ra CO2, không con gì có thể tồn tại trong rừng cao su. Tây Nguyên đang ngày càng bị sa mạc hóa. Không những rừng bị tàn phá nặng nề mà đến đất rừng cũng bị đào bới mang đi. Theo Luật Đất đai thì bị phạt hành chính. Đất rừng mà còn bị mang đi bán thì trồng rừng bằng niềm tin hay sao? Ta có nên gọi diện đối tượng này là địa tặc hay không? Tôi đề xuất cần phải xử lý việc lấy đất rừng cũng như xử lý đối với cây rừng” - ĐB Ksor Phước Hà kiến nghị.
ĐB Ksor Phước Hà cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp, bởi các quy định hiện nay còn chung chung, chưa chỉ rõ cụ thể người chịu trách nhiệm khi rừng bị phá, cháy rừng và mất rừng. “Nên bổ sung thêm ở phần này cũng như cụ thể hóa Chỉ thị 13 của Ban Bí thư (về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng). Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi, lĩnh vực địa bàn mình quản lý hoặc để các tổ chức, cá nhân, cấp dưới vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng” - ĐB đến từ Gia Lai nói.
ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) thì bàn đến việc đóng mở cửa rừng và khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước, đây là điều luật ban soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung. ĐB này cho rằng đây là việc chúng ta quán triệt và thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cả nước sau 12 năm tăng diện tích rừng từ 12 triệu ha lên 14 triệu ha, từ 37% độ che phủ rừng lên 40% độ che phủ rừng. Tuy nhiên, thực tế không ai khẳng định độ che phủ rừng này cho chúng ta cách nhìn khả quan. Vì rừng giàu tài nguyên đã bị cạn kiệt và liên tục suy giảm về chất lượng và bị đe dọa cạn kiệt các động, thực vật trong rừng.
Mặc dù hệ thống quản lý bảo vệ của chúng ta đã được thiết lập từ trung ương đến cơ sở, tuy nhiên ĐB Minh Hoàng cho rằng tình trạng vi phạm các quy định về pháp luật như bảo vệ và phát triển rừng còn diễn ra phổ biến tại một số địa phương gây bức xúc trong xã hội, đặc biệt tại các khu rừng phòng hộ giàu trữ lượng gỗ quý hiếm.
“Một trong những nguyên nhân chính là do quy định pháp luật hiện hành của chúng ta và công tác quản lý rừng còn chồng chéo, chưa thống nhất. Quá trình phân cấp, phân quyền trong quản lý rừng còn nhiều bất cập. Do vậy, tôi khẩn thiết đề nghị QH quy định cụ thể trong việc đóng cửa rừng tự nhiên và dừng ngay việc khai thác gỗ rừng tự nhiên trong phạm vi cả nước” - ĐB Minh đề xuất.
Theo PLO