Chuyên gia quân sự Việt Nam cho rằng Washington và Hà Nội đang đối mặt thách thức an ninh mà hai phía cần hợp tác để hóa giải, quyết định bỏ cấm vận vũ khí có lợi cả đôi bên.
[caption id="attachment_141214" align="aligncenter" width="410"]
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc họp báo công bố việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam. Ảnh: Giang Huy.[/caption]
Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng) trao đổi với VnExpress về việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.
- Ông đánh giá thế nào về quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam?
- Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là sự phát triển có tính logic bình thường của mối quan hệ Việt - Mỹ, sau khi hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Đã nói tới đối tác toàn diện cũng có nghĩa là đối tác trong tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học-công nghệ. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam và Mỹ đều đang đứng trước những thách thức và nguy cơ chung về an ninh cần cả hai nước phối hợp hợp tác.
Quyết định này cũng xuất phát từ chính lợi ích của Mỹ. Cả hai nước đều muốn duy trì môi trường hòa bình, an ninh bền vững và hợp tác vì sự phát triển trong khu vực. Washington đang thúc đẩy chiến lược "xoay trục" tới châu Á, còn Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu sắc và rộng mở vào khu vực và thế giới. Cho nên, tôi cho rằng quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí không phải là "món quà" Mỹ tặng Việt Nam.
Việt Nam và Mỹ đều đang đứng trước nhiều cơ hội hợp tác sau khi cả hai nước cùng với 10 thành viên khác đã ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đưa tới lợi ích địa-chính trị.
Vướng mắc duy nhất còn lại cần hóa giải trong việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là vấn đề nhân quyền. Do đó, việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam chứng tỏ Mỹ đã không còn coi điều này là cản trở cho tiến trình hoàn toàn bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
- Việc dỡ bỏ lệnh cấm hoàn toàn có ý nghĩa thế nào với quan hệ song phương Việt-Mỹ và khu vực?
- Việc Tổng thống Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam có ý nghĩa lớn đối với quan hệ Việt-Mỹ, nâng cao và làm sâu sắc thêm niềm tin chiến lược giữa hai bên, đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào thực chất. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực khác như kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học và công nghệ.
Quyết định này sẽ tạo cơ sở quan trọng để nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện lên một mức cao hơn, có thể ngang tầm với quan hệ đối tác chiến lược.
Quyết định chắc chắn cũng tác động tích cực đến việc củng cố và tăng cường an ninh trong khu vực. Việt Nam và Mỹ có thể cùng với các đồng minh và đối tác khác của Mỹ tiến hành các hoạt động phối hợp như tuần tra chung trên biển, diễn tập quân sự chung để nâng cao khả năng tác chiến liên hợp nhằm hóa giải các thách thức chung về an ninh, duy trì môi trường hòa bình và an ninh bền vững.
- Tổng thống Mỹ Barack Obama nói việc dỡ lệnh cấm không liên quan tới yếu tố Trung Quốc, ông có bình luận gì về tuyên bố này?
- Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương là nhằm tăng cường năng lực quốc phòng cho Việt Nam, trước hết là nâng cao khả năng chấp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, không chống lại nước thứ ba. Đó cũng là đường lối nhất quán của Việt Nam trong chính sách quốc phòng. Tuyên bố của Obama là nhằm tránh sự hiểu lầm từ Bắc Kinh.
[caption id="attachment_141213" align="aligncenter" width="410"]
Trung Quốc đã cải tạo trái phép tại đá Vành Khăn, Trường Sa của Việt Nam. Ảnh do máy bay trinh sát Mỹ chụp năm 2015.[/caption]
Tuy nhiên, ai cũng nhận thấy Trung Quốc đang ráo riết thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông thông qua hoạt động bồi đắp phi pháp 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, xây dựng trên đó các đường băng lớn đủ cho máy bay quân sự cất hạ cánh. Mỹ đã nhiều lần hối thúc Trung Quốc tuân thủ các quy tắc, thông lệ quốc tế, trước hết là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố chung của Trung Quốc và ASEAN về ứng xử ở Biển Đông (DOC).
Việc Mỹ tiến hành các hoạt động tuần tra ở Biển Đông thời gian qua chưa đủ mạnh để ngăn chặn tham vọng tiềm ẩn nhiều hiểm họa của Trung Quốc ở khu vực này. Do đó, Mỹ không nên chỉ dừng lại ở hoạt động tuần tra trên biển mà cần có các biện pháp mạnh hơn, như viện dẫn luật pháp quốc tế để ngăn chặn hành động này, hay thậm chí áp lệnh cấm vận đối với Trung Quốc.
- Từ tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí tới hiện thực thì cần phải trải qua những bước nào?
Theo quy định, quốc hội và chính phủ Mỹ sẽ triển khai các biện pháp lập pháp và tư pháp khá phức tạp. Thí dụ, Quốc hội Mỹ cần nhận được thông báo 30 ngày trước khi Nhà Trắng có những bước đi cuối cùng để hoàn tất các thỏa thuận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Việt Nam cũng cần phải xác định danh mục cụ thể các loại vũ khí, thiết bị có thể mua của Mỹ để tăng cường năng lực quốc phòng, trước hết là nâng cao khả năng chấp pháp ở Biển Đông như các tàu tuần tra, các trạm cảnh giới và báo động nguy cơ trên biển.
- Dự đoán nấc thang tiếp theo trong quan hệ Việt-Mỹ?
Việt - Mỹ đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Một trong những tiêu chí quan trọng nhất để xác định một mối quan hệ được cho là "đối tác chiến lược" là các quốc gia phải có lợi ích chiến lược trùng hợp, theo đó nhất thiết không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của nhau. Việt Nam và Mỹ không có tranh chấp chủ quyền, trong khi có nhiều lợi ích chiến lược trùng hợp.
Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố Mỹ hoan nghênh một nước Việt Nam độc lập, có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển thịnh vượng. Mỹ cũng cho thấy sự tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Khi rào cản cuối cùng, lệnh cấm vận vũ khí sát thương được dỡ bỏ, quan hệ Việt - Mỹ hoàn toàn có thể đạt tới mối quan hệ đối tác chiến lược.
Theo Vnexpress