Đại biểu Quốc hội làm luật: ''Nghề của họ mà''

12/03/2016 04:11

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh nói phải quyết liệt, nỗ lực và kiên trì một mục tiêu duy nhất, phục vụ nhân dân và phát triển đất nước mới làm được luật.

Sau khi Dự thảo Luật Hành chính công được ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh trình ra Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có công văn thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký, ghi rõ đề xuất xây dựng Luật hành chính công "rất có ý nghĩa, cần được ghi nhận, đề nghị báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (cuối năm 2016)", PV Báo Đất Việt đã có cuộc chia sẻ với ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh.

[caption id="attachment_136800" align="aligncenter" width="410"] ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh[/caption]

PV: Xin chúc mừng ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đã được Chính phủ và Quốc hộ ủng hộ về dự thảo Luật Hành chính công được đề xuất từ hôm 17/2. Hiện nay cảm xúc của bà ra sao?

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Đã 4 năm cố gắng để từng bước xây dựng, hoàn thành nhiệm vụ, việc được Chính phủ, Quốc hội công nhận cũng là điều mong mỏi rất lâu của tôi rồi. Khi nghe được tin này, tôi không thể nào vui hơn.

Tôi cùng cả nhóm nghiên cứu rất nỗ lực đưa vấn đề sửa đổi hành chính công nhất là trong thời điểm Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong khi đó, nền hành chính của chúng ta từ trước đến nay nhiều người vẫn nghĩ theo kiểu cũ.

Người dân và doanh nghiệp tới các cơ quan chức năng vẫn phải khúm núm, quan niệm xin- cho từ lâu tới nay vẫn tồn tại. Tình hình đó đặt ra, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và các hoạt động kinh tế phải theo một hướng mới, nền hành chính là hành chính phục vụ. Các vấn đề này không phải ai cũng hiểu được.

Tuy vậy, vui thì vui nhưng niềm vui vẫn chưa trọn vẹn.

Bởi thứ nhất, cả nhóm nghiên cứu mong muốn được trình dự án luật vào kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ thứ XIII để góp phần tạo ra một đột phá trong nhiệm kỳ này. Trước đó, cả Quốc hội và Chính phủ đều đồng tâm nhất trí sẽ phải thay đổi trong cung cách quản lý nhà nước, phục vụ cho doanh nghiệp và toàn xã hội.

Vì vậy, mục đích nhóm nghiên cứu muốn đẩy sớm quá trình duyệt dự án Luật trong kỳ họp vừa qua chứ không phải tới kỳ 2 của Nhiệm kỳ Quốc hội thứ 14 là bởi nếu tới lúc ấy thì quá trình nhận thức về một nền hành chính hiện đại kiểu mới vẫn còn chưa phổ biến.

Thứ hai, trong nhiệm kỳ này, Chủ tịch Quốc hội cũng là người mạnh dạn thúc đẩy các đổi mới rất lớn, tạo cơ chế, chính sách để cho đại biểu quốc hội được thuê chuyên gia, nghiên cứu về dự án luật.

Nếu được trình, đây cũng sẽ là một dấu ấn trong chỉ đạo. Điều này cũng thể hiện trong việc Chính phủ thể hiện sự đồng tâm ủng hộ trong thực hiện đổi mới các hoạt động tổ chức của Quốc hội.

Việc trình dự án luật trong nhiệm kỳ này thể hiện sự đồng tâm nhất trí cao. Nhiều vị đại biểu quốc hội rất mong muốn được đóng góp ý kiến lần đầu trong buổi họp cuối cùng của nhiệm kỳ này.

Như vậy, để sang nhiệm kỳ sau, 2/3 số đại biểu quốc hội sẽ không tái cử nữa. Có nhiều lo ngại, sự nỗ lực để được Chính phủ và Quốc hội ủng hộ trong nhiệm kỳ mới có còn được bây giờ không.

Bản thân tôi cũng lo vì nếu không, nó sẽ làm tuột mất cơ hội đổi mới cho một cải cách nền hành chính.

PV: Từ trước tới nay, chất lượng làm luật vẫn chưa khiến cử tri hài lòng, có những luật đưa ra chưa sát với thực tế. Vậy việc để cho đại biểu tự làm và tự chịu trách nhiệm với luật của mình sẽ giúp nâng cao chất lượng làm luật như thế nào, thưa bà?

ĐBQH Trần Quốc Khánh: Không phải ai cũng có điều kiện để theo đuổi, bảo vệ những quan điểm phục vụ ích lợi cho toàn xã hội. Đây không phải là việc dễ. Nó yêu cầu đòi hỏi phải có sự am hiểu nhất định và niềm tin vững chắc thì mới có thể theo đuổi đến cùng những vấn đề như thế.

Thời điểm vừa rồi, tôi nhận thấy rất rõ chủ trương hoạt động của Quốc hội là đã ban hành các nghị quyết về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong đó có việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách và tạo điều kiện cho ĐBQH đẩy mạnh công tác lập pháp và có thể đề xuất những sáng kiến trình luật.

Trong không khí đổi mới như thế, tôi mới có cơ hội để đề xuất, chứ như những lần trước, luật thì có quy định nhưng chưa có cơ chế thì không thể làm được. Tôi cho rằng, trình dự án Luật đến hiện nay là vẫn chưa muộn nhưng nếu có thể được công bố sớm hơn sẽ gây được tiếng nói đồng thuận hay tranh cãi của dư luận lại càng tốt hơn nữa. Nếu Chính phủ, Quốc hội đã có ý kiến đồng thuận như vậy thì nhóm nghiên cứu chắc chắn sẽ nỗ lực để trình ra Quốc hội một sản phẩm thật là tốt, hiệu quả.

PV: Nhiều người lo ngại, ĐBQH chưa đủ thời gian và năng lực để đề xuất và trực tiếp xây dựng luật, nhưng qua thực tế của bà, điều đó có đúng không?

ĐBQH Trần Quốc Khánh: Thứ nhất, một số quan điểm cho rằng ĐBQH làm luật sẽ không đủ thời gian, kiến thức chưa chắc là đúng.

Bởi vì, ĐBQH mà đứng ra làm luật thì họ cũng phải am hiểu và họ biết cách làm như thế nào với nhiệm vụ của mình, am hiểu về công tác luật pháp và xây dựng pháp luật. Đây là nghề của họ cơ mà.

Trong khi đó, ĐBQH còn có nhiệm vụ đi giải quyết đơn thư, đi giám sát... như vậy họ rõ ràng nắm được các việc thực thi luật tới đâu, vướng chỗ nào. Do vậy, đừng lo ĐBQH không hoàn thành nhiệm vụ.

Nếu ĐBQH đã nhìn thấy những việc có lợi cho dân cho nước thì phải nỗ lực để làm. Nếu các cơ quan Nhà nước và Quốc hội đồng ủng hộ cho ĐBQH ngay từ đầu, nhiều cơ quan, doanh nghiệp vào đóng góp ngay từ đầu thì ĐBQH sẽ không còn gặp quá nhiều khó khăn và mất thời gian gì cả.

Đối với bản thân tôi, việc phát hiện vấn đề vướng mắc trong việc thực thi pháp luật để còn đề xuất sửa đổi là một việc làm gắn với nghề của bản thân trong suốt cả mấy chục năm nay.

Từ nhiệm kỳ QH thứ XII, tôi cũng đã có thời gian góp ý bổ sung đề xuất 3 Luật được thông qua: Luật Hòa giải, Luật Phổ biến Giáo dục Pháp luật, Luật Thủ đô. Như vậy, vừa có thể làm tốt công việc của một ĐBQH, vẫn có thể tranh thủ thực hiện việc xây dựng luật. Vì thế, khi xây dựng dự án luật, tôi cảm thấy nó không khó khăn, không hề nặng nề gì cả.

Dự án Luật Hành chính công là vấn đề mà tôi thấy nhức nhối đã lâu nhưng không có Bộ ngành nào chịu nhận nhiệm vụ ấy cả bởi vì họ còn rất bận rộn với công việc chuyên ngành. Một điểm vướng mắc nữa là Luật Hành chính công lại bị phụ thuộc và chịu ảnh hưởng từ nhiều đơn vị, bộ ngành khác nhau. Từ đó tôi suy nghĩ, bản thân mình nắm được rõ ràng vấn đề khúc mắc nằm ở chỗ này, chỗ kia có lỗ hổng, chỗ khác chồng chéo và thời điểm thì đã quá cấp thiết đến mức phải tự bắt tay vào làm.

Bản thân việc xây dựng Luật Hành chính công chưa nhận được sự ủng hộ ban đầu từ nhiều người nhiều nơi nên tôi phải tự tay phác thảo ra để vấn đề dễ được nắm bắt rõ hơn và nhìn thấy để ủng hộ, tăng cường tính quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Càng nghiên cứu càng thấy, Luật của chúng ta còn quá bất cập, đặc biệt khi cả nước đang đón chờ cơ hội mới về Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong buổi hội thảo về TPP mà tôi vừa tham dự, chuyên gia Trương Đình Tuyển mới có một báo cáo rất hay, cho thấy cạnh tranh về thể chế của Việt Nam hiện nay đang rất thấp, thậm chí thua cả Lào. Người nông dân bán hàng ra được mùa thì mất giá, những hợp đồng với đối tác nước ngoài, với các doanh nghiệp cả công lẫn tư đáng nhẽ có thể thực hiện tốt để thúc đẩy kinh tế- xã hội thì lại gặp thất bại từ những chuyện vòng vo như thủ tục hành chính, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Thử hỏi như vậy thì làm sao có thể cạnh tranh và phát triển. Nhìn thấy những sự việc như vậy, tôi thấy rất đau lòng khi bản thân lại không thể một mình một sức cáng đáng được.

Điều này càng làm cho tôi nhận thấy dự án Luật đang cần kíp, khẩn cấp hơn bất cứ lúc nào khác.

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "Đại biểu Quốc hội làm luật: ''Nghề của họ mà''" tại chuyên mục Đối thoại. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin