Thời gian qua, nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra khiến dư luận bất bình. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo Tin tức trao đổi với một số đại biểu về vấn đề này.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), thời gian vừa qua xảy ra nhiều sự việc bạo hành, xâm hại tình dục học đường với trẻ em làm cho các gia đình, con em hết sức lo lắng. Đây là vấn đề không hoàn toàn của riêng ngành giáo dục mà còn phải xem xét trách nhiệm của các bậc phụ huynh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó, có cả trách nhiệm của chính quyền địa phương, những nơi trực tiếp để xảy ra sự việc đó, cũng như liên quan đến cả phương pháp quản lý giáo dục.
"Cá nhân tôi đề xuất Quốc hội phải có sự giám sát tối cao với vấn đề này. Bên cạnh đó, mỗi vị đại biểu Quốc hội cần phát huy, sử dụng quyền lực để giám sát chặt chẽ từng vụ việc ở nơi mình cư trú, công tác, nơi ứng cử", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), khi xã hội hội nhập thì ngoài mặt tích cực còn có cả mặt tiêu cực, trong đó có hành vi ấu dâm.
"Ấu dâm khá phổ biến ở nhiều nước và ở nước ta thời gian gần đây được nhắc nhiều, một phần nhờ sự giám sát ngày càng cao bằng khoa học công nghệ. Lâu nay, tảng băng chìm này không được quan tâm bởi chúng ta không nhận ra, nhưng bây giờ ngày càng rõ ràng nên càng ngày càng phải điều chỉnh nhận thức của mình", đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Về mặt chế tài, luật pháp hiện khá nghiêm, nhưng lâu nay chúng ta dễ lẫn lộn việc xâm hại các cháu bé với các hành vi khác như âu yếu, cưng nựng… Vì thế, đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị phải tạo nên một thói quen, mọi hành vi dù vô tình hay hữu ý đều phải chịu sự điều chỉnh.
"Với những người đã bị xử lý về hành vi ấu dâm, chúng ta vẫn để cho họ có cơ hội sửa sai nhưng sự khoan dung không có nghĩa là dung túng", ông Dương Trung Quốc cho hay.
Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, Chủ tịch Hội đồng điều hành Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Phú Yên, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để tăng nặng hình thức xử phạt đối với những vụ việc sàm sỡ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cơ thể của người khác nơi công cộng, đặc biệt là trẻ em.
"Cần có sự điều chỉnh, có thể tăng hình phạt gấp trên 10 lần hoặc nặng hơn nữa các vụ việc sàm sỡ, xâm hại tình dục. Đồng thời các cơ quan chức năng phải xem xét để đưa hành vi đó vào Luật, cụ thể hóa đó là hành vi gì. Hiện nay các nước phát triển đã có quy định cụ thể với tội danh này trong Luật nhưng ở Việt Nam, gần như các điều khoản liên quan đến xâm hại, sàm sỡ thường chỉ bị xử phạt hành chính", bà Hiền cho hay.
Theo baotintuc.vn
Nguồn bài viết: https://baotintuc.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-tang-hinh-phat-voi-hanh-vi-au-dam-sam-so-tre-em-20190522164326587.htm