Đà Nẵng không có chạy chức, chạy quyền: Ai phải học?

25/06/2016 03:24

"Phải nhìn theo quy trình tuyển dụng đó mới thấy việc chống chạy chức, chạy quyền rất cam go, khó khăn, là một chặng đường dài".

Trước thông tin, TP Đà Nẵng khẳng định tuyệt đối không có khái niệm chạy chức, chạy quyền, trao đổi với Đất Việt, Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho biết: "Chạy chức, chạy quyền đó là câu chuyện muôn thưở, bởi vì nó xuất phát từ cơ chế, thể chế quản lý tập trung quyền hành cho một cá nhân, một tập thể nào đó.

Bình thường, ở các địa phương, người đứng đầu là người đầy quyền lực, có thể chỉ cần gọi điện thoại thì ngay lập tức kết quả thi tuyển hay tuyển dụng sẽ được thỏa thuận ngầm.

Đây là mặt tiêu cực của cơ chế người đứng đầu chịu trách nhiệm. Cụ thể là nếu người đứng đầu mà càng khui ra nhiều tiêu cực thì càng phải chịu trách nhiệm nên việc thanh tra, kiểm tra để phát hiện tiêu cực chẳng thể đạt hiệu quả cao.

Nếu như không tập trung quyền lực thì không thể có chuyện chạy chức, chạy quyền, để thấy muốn thay đổi thì phải sửa cơ chế và thể chế.

Tôi nhớ dư luận cũng như một vài ĐBQH đã từng nói đến quy luật “cấp độ ưu tiên” trong hoạt động thi tuyển công chức: "Nhất hậu duệ - nhì tiền tệ - ba quan hệ - bốn mới là trí tuệ", ngay trong câu nói này đã bao gồm nội hàm chạy chức, chạy quyền.

Chỉ khi nào phá vỡ được công thức trên, mới có hy vọng loại bỏ được hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế, việc làm đang gây nhức nhối dư luận.

[caption id="attachment_143244" align="aligncenter" width="410"] Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội[/caption]

Nói là thi tuyển công chức nhưng đề thi có được giữ bí mật hay không, đề thi, lĩnh vực thi bị lộ thì việc tổ chức thi có ý nghĩa hay không? Rồi cuối cùng thi nhưng mà lúc tuyển dụng có chọn những người điểm cao không, người có quyền được lựa chọn cũng rất quan trọng.

Phải nhìn theo quy trình tuyển dụng đó mới thấy việc chống chạy chức, chạy quyền rất cam go, khó khăn, là một chặng đường dài".

Bên cạnh đó, theo ông Thuận, vấn đề là phải thay đổi từ việc thi tuyển, chọn lọc, Hội đồng tuyển dụng, chấm thi sao cho khách quan, minh bạch. Việc hạn chế đi tình trạng chạy chức, chạy quyền là tốt, nhưng làm cho triệt để thì đó là việc gần như không thể có ở Việt Nam.

Riêng với Đà Nẵng, họ tổ chức thi tuyển các chức vụ thì sẽ hạn chế bớt những người năng lực yếu kém quá, đó là điều đáng hoan nghênh.

"Tôi thấy Đà Nẵng đã có những bước làm theo hướng tích cực, nhưng để xóa hết chạy chức, chạy quyền gần như là không thể. Bởi vì, chúng ta vẫn tồn tại văn hóa bầy đàn, ít có tiếng nói độc lập, khách quan. Trong khi phải rành mạch từng vấn đề, từng khâu, từng quy trình tuyển dụng.

Đà Nẵng dám đưa ra tổ chức, tranh cử các vị trí Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, đó là điểm mới cần nhân rộng. Mỗi chức vụ có ít nhất 3 người tranh cử, mỗi người đưa ra những chương trình hành động của riêng mình, từ đó chất vấn, phản biện theo Hội đồng.

Tiêu chí lựa chọn lãnh đạo vừa có năng lực, vừa đưa ra công trình có tính khả thi, có lối sống trong sạch, đàng hoàng. Đà Nẵng làm minh bạch, công khai, đúng quy trình như vậy là rất tốt, các địa phương khác cần học hỏi", ông Thuận khẳng định.

Thực tế vẫn còn tồn tại

Trước việc, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) lại khẳng định có nhận được thông tin về chạy chức, chạy quyền ở Đà Nẵng, nhưng chỉ là thông tin chung chung, ở các ban ngành, nhưng không cụ thể là ai, nên không điều tra xử lý được. Chuyện tương tự cũng từng xảy ra ở Hà Nội với thông tin chạy công chức 100 triệu đồng.

Nhiều người nghi ngại, không chỉ ở Đà Nẵng mà ở các tỉnh thành khác cũng khó có thể chứng minh chuyện chạy chức chạy quyền.

Bản thân ông Thuận chia sẻ, vì đã nghỉ hưu được một thời gian, nên rất nhiều người chia sẻ cho ông nhiều câu chuyện liên quan đến tuyển dụng rất hay. Như một người họ hàng thân quen của ông đi xin việc cho con mới biết chạy vào ngành này, ngành kia, có mức giá khác nhau, có ngành thì 400-500 triệu đồng, còn có ngành hàng tỷ đồng.

Mà số tiền bỏ ra để chạy vào công chức, chắc chắn khi vào làm việc họ sẽ tìm cách thu hồi vốn, mà cách thu hồi từ người dân.

Ông Thuận nhấn mạnh: "Để thấy, rõ ràng chạy chức, chạy quyền là đại họa. Thậm chí, có người còn kể với tôi, lãnh đạo cơ quan xin việc tuyên bố thẳng muốn vào trong ngành này thì phải đưa 400 triệu đồng, không phải thi tuyển. Cho nên, chuyện chạy vào biên chế, chạy vào các cơ quan, theo tôi, là chuyện có thật.

Nhưng bây giờ họ đã chạy chọt tinh vi hơn, giả mạo ngay từ tấm bằng, nhiều người mang tiếng là tiến sĩ nhưng nhờ người đi học, nhờ người làm luận văn, được xem câu hỏi phản biện trước để chuẩn bị, cuối cùng ai cũng là tiến sĩ".

Để thực sự không có chạy chức, chạy quyền chứ không phải chỉ ''không phát hiện'' chạy chức chạy quyền, ông Thuận khẳng định: "Thứ nhất, khâu tuyển dụng phải được thi tuyển, có sự cạnh tranh giữa các cá nhân. Tiêu biểu như các công ty nước ngoài vào Việt Nam đầu tư họ chọn người, không hề sai sót, họ có tổ chức "Xem đầu người", chọn những người giỏi.

Nhà tôi có người nhà đi xin việc ở công ty nước ngoài, đã đến 7 công ty nhưng cũng không được chọn, vì khả năng thực tế bị đánh giá kém hơn mong đợi. Nhưng vẫn nên khuyến khích, ủng hộ chuyện thi tuyển bước đầu khởi nguồn ở Đà Nẵng, nhưng phải làm thực chất hơn.

Thứ hai, thống nhất chủ trương thực hiện từ người đứng đầu, người có chức quyền cao nhất, tất cả phải thực hiện đúng đắn, công khai.

Thứ ba, chúng ta phải tiếp tục tăng cường dân chủ, công khai, tự do báo chí, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh thì mới có thể giảm thiểu những hiện tượng như vậy".

Thế nhưng, khi nói đến việc Hà Nội, TPHCM học hỏi cơ chế quản lý của Đà Nẵng, theo ông Thuận, nếu như Đà Nẵng làm tốt, thì các cơ quan quản lý từ trung ương nên nhân rộng, yêu cầu các địa phương phải làm theo, chứ không phải các tỉnh, thành phố phải tự đi học.

Cho nên, phải có một cuộc đại phẫu, chứ không riêng từng thành phố cố gắng.

Hiệu quả nhất là ra nước ngoài học hỏi mô hình, nhưng cán bộ cho đi nước ngoài thì chỉ cưỡi ngựa xem hoa, tiêu tiền ngân sách. Nhưng đúng là nếu thay đổi thì có lẽ sẽ xáo trộn rất nhiều hệ thống cán bộ công chức hiện nay.

"Hãy làm những gì mà thế giới đã làm được, Việt Nam hãy học cái thất bại của người khác, chứ không nên nghĩ ra cái chỉ có Việt Nam làm được, phải làm đến nơi đến chốn", ông Thuận nhấn mạnh.

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "Đà Nẵng không có chạy chức, chạy quyền: Ai phải học?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin