Theo ông Hòa, việc cử tri Hà Nội đề xuất tử hình tử tù bằng lá ngón cho tiết kiệm đáng hoan nghênh nhưng không nên áp dụng ngay mà cần có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, khoa học.
Hoan nghênh, ghi nhận nhưng không nên áp dụng ngay
Tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội sáng 4/5, cử tri Trần Ngọc Toán (Hoàn Kiếm) đã nêu vấn đề, tiêm thuốc tử hình phạm nhân như hiện nay gây tốn kém ngân sách và chờ đợi quá lâu trong khi tồn đọng tử tù lớn gây nghi ngờ trong xã hội.
Từ thực tế đó, ông Toán kiến nghị dùng lá ngón thay thế để tiết kiệm và tử tù tự phải ăn, chỉ cần 11 lá ngón là thi hành án xong.
Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc chuyển hình phạt tử hình từ hình thức xử bắn sang tiêm thuốc độc thể hiện sự nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam.
Theo ông Hòa, hiện nay, lượng thuốc độc dùng để tiêm cho các tử tù vẫn phải nhập từ nước ngoài và chi phí để thực hiện việc tử hình đối với tử tù bằng hình thức này ông được biết lên tới hàng trăm triệu đồng/ca.
"Có thể thấy chi phí cho mỗi ca tử hình bằng tiêm thuốc độc tốn kém và lượng tử tù hiện tồn đọng còn nhiều nên cử tri Hà Nội lo lắng, đề xuất dùng lá ngón để bắt tử tù tự phải ăn cho tiết kiệm, nhanh chóng.
Với đề xuất này, chúng ta rất hoan nghênh, ghi nhận nhưng các nhà khoa học, cơ quan quản lý sẽ cần phải xem xét rất kỹ càng, thậm chí, có thể xây dựng các nghiên cứu, đánh giá cụ thể, toàn diện, khách quan để xem có thể áp dụng hay không áp dụng", ông Hòa nói.
Vị ĐBQH này cho hay, bản thân ông được biết, lá ngón chủ yếu xuất hiện ở các vùng núi phía Bắc, miền Trung và ở Trung Quốc. Trong cây này, có chứa loại chất độc có thể gây chết người khi chẳng may ăn, nuốt phải.
"Tuy nhiên, khi đưa lá ngón vào áp dụng để tử hình tử tù lại khác, bởi phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, tính nhân văn, nhân đạo.
Chưa kể, nhiều vấn đề khác cũng được đặt ra là nếu dùng cho tử tù thì bao nhiêu lá cho đủ, các lá dùng như thế nào, lá to hay lá nhỏ, lá non hay già và các khu vực không có lá ngón phải làm thế nào, bào chế chất độc từ đây ra sao... để có thể gây ra cái chết cho tử tù.
Thậm chí, cũng phải đặt ra trường hợp, nếu tử tù ăn lá ngón mà không chết, vẫn sống thì tính thế nào... Do đó, chúng ta không nên áp dụng ngay theo đề xuất này mà cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể", ông Hòa nêu.
Đề xuất cho tử tù ăn lá ngón để tử hình không có tính khả thi
Luật sư Đặng Văn Cường (VP Luật sư Chính pháp, Hà Nội) nhận định, qua nghiên cứu của ông, cho thấy, từ trước đến nay, chưa có quốc gia nào áp dụng cách thức thi hành án tử hình "ăn lá ngón" dù trước đây, khi xã hội còn mông muội, lạc hậu, có nhiều hình thức tử hình tàn độc, hà khắc hơn.
Ông nói, sở dĩ Việt Nam chuyển từ hình phạt tử hình bằng cách xử bắn sang tiêm thuốc độc là thể hiện tính chất nhân đạo, bớt đau đớn hơn, bớt sợ hãi hơn khi phải chấp nhận cái chết.
Còn nếu thực hiện cách thức thi hành án tử hình khác đã từng tồn tại trong lịch sử chỉ cho thấy sự tàn bạo, hà khắc, khiến người bị thi hành án. người khác đều kinh sợ... không phù hợp với quy luật phát triển xã hội.
"Với đề xuất cho tử tù ăn lá ngón để tử hình không có tính khả thi bởi không thể hiện được tính nhân văn và không theo quy luật chung của thế giới ngày nay.
Cùng với sự phát triển của xã hội, Việt Nam sẽ giảm dần tính chất hà khắc của hình phạt, tiến tới bỏ án tử hình ở nhiều loại tội và thể hiện tính nhân đạo trong áp dụng hình phạt", luật sư Cường nói.
Vị luật sư đánh giá, việc đấu tranh với tội phạm không nên lệ thuộc vào hình phạt hay lạm dụng hình phạt mà cần làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm.
Ông cho rằng, nếu loại bỏ được các nguyên nhân, điều kiện phạm tội mới giải quyết được vấn đề tội phạm, còn hình phạt nghiêm khắc, tàn bạo như thời trung cổ, thời kỳ chiếm hữu nô lệ... không phải giải pháp tích cực, không phù hợp với xã hội văn minh.
Theo Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, cho biết lá ngón được coi là loại cây độc nhất ở nước ta, chỉ cần ăn 3 lá là đủ độc tố để chết người.
Về đặc điểm, các tài liệu cổ có ghi đây là một loại dây mọc leo, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc.
Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hơi hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hoặc hơi tù, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12 cm, rộng 2,5-5,5 cm. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá. Cánh hoa màu vàng.
Mùa hoa tháng 6, 8, 10. Quả là một nang, màu nâu hình thon, dài 1 cm, rộng 0,5 cm. Hạt nhỏ, quanh mép có rìa mỏng màu nâu nhạt, hình thận.
Theo đại diện Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, thành phần có thể giết người trong loại cây này là các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây.
Alkaloid trong lá ngón được hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa chỉ từ 5-30 phút. Thời gian tử vong trung bình từ 1-7,5h.
Theo soha.vn
Nguồn bài viết: http://soha.vn/cu-tri-kien-nghi-tu-hinh-tu-tu-bang-la-ngon-dbqh-noi-can-nghien-cuu-danh-gia-cu-the-khach-quan-de-xem-co-the-ap-dung-hay-khong-20190506100443917.htm