Ngày 10-7, sau vụ bé Trần Trung Nghĩa (6 tuổi, ở Quảng Bình) nghi bị bắt cóc rồi sát hại, Công an TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) đã ra khuyến cáo cảnh giác tội phạm bắt cóc trẻ em.
Theo Công an TP Hà Tĩnh, trước diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng loại tội phạm bắt cóc trẻ em, gần đây nhất là vụ bắt cóc cháu bé ở Quảng Bình đã làm cho các bậc cha mẹ vô cùng hoang mang, phẫn nộ trước hành vi của loại tội phạm này. Phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này chủ yếu là lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ nhỏ và sơ hở của người lớn để thực hiện hành vi phạm tội của chúng.
Trước tình hình đó, thông qua tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh loại tội phạm này, Công an thành phố Hà Tĩnh khuyến cáo một số quy tắc để những người làm cha, mẹ biết cách bảo vệ con của mình như sau:
1. Quy tắc đối với người lạ:
– Dạy trẻ không được cầm, nhận quà, hoặc bất cứ đồ vật gì từ người lạ.
– Dạy trẻ giữ khoảng cách an toàn (2,5-3m) khi có người lạ tiếp xúc với trẻ. Trong bất cứ trường hợp nào đều không được đi theo người lạ.
– Dạy trẻ không cung cấp bất kỳ thông tin gì về gia đình và thông tin cá nhân của trẻ cho người lạ. Trước những câu hỏi khai thác của người lạ trẻ chỉ cần trả lời “Thưa chú/dì cháu không biết”.
– Dạy trẻ cảnh giác với những lời gạ gẫm nhờ giúp đỡ từ người lạ, phải chắc chắn rằng trước khi muốn giúp đỡ ai đó trẻ cần hỏi ý kiến bố mẹ (nếu bố mẹ không ở nhà thì có thể gọi điện).
– Dạy trẻ cách xử lý khi gặp nguy hiểm từ người lạ: nếu người lạ có hành vi tiến gần trẻ để ôm, bế trẻ đi thì trẻ phải hét lớn “bắt cóc…bắt cóc” để người xung quanh nghe thấy được. Nếu đối tượng dùng hung khí để khống chế trẻ thì trẻ cần giữ bình tĩnh đợi thời cơ (ví dụ đi qua trạm CSGT, chỗ đông người…) để thoát thân (đối với những trẻ quá nhỏ, chưa nhận thức được, bố mẹ cần kiên nhẫn giải thích cho bé hiểu hằng ngày, đồng thời cho trẻ xem các video clip về cách tự bảo vệ khi trẻ bị bắt cóc).
– Trẻ nên biết người quen qua mạng cũng là người lạ. Tuyệt đối không được tin tưởng, giao tiếp, gặp gỡ với những người này.
2. Quy tắc về bảo mật thông tin cá nhân:
– Thông tin cá nhân con trẻ cần được bảo vệ, tuyệt đối không chia sẻ, để lộ thông tin cá nhân như: tên, tuổi, hình ảnh của trẻ, địa chỉ nhà, trường học, những nơi trẻ hay đến… trên mạng xã hội. Bố, mẹ hãy nhớ rằng đừng đem sự an toàn của con cái chỉ để đánh đổi lấy những cái “like” phù phiếm trên mạng xã hội.
– Những thông tin cá nhân của bố, mẹ cũng không nên chia sẻ rộng rãi vì những đối tượng xấu có thể khai thác những thông tin cá nhân của bố mẹ để lừa, dụ dỗ trẻ.
3. Quy tắc đảm bảo an toàn cho trẻ:
– Không nên để trẻ ở nhà một mình.
– Trong trường hợp bất khả kháng, không còn lựa chọn nào khác hãy đảm bảo mọi thứ phải an toàn (khóa cửa, cổng chắc chắn, nhờ được người đến trong trường hợp khẩn cấp mà bố mẹ về không kịp) trước khi bố, mẹ ra khỏi nhà. Trong trường hợp này, bố mẹ hãy để ở nhà một máy điện thoại để bé có thể liên lạc với bố, mẹ trong những trường hợp khẩn cấp.
4. Quy tắc khi trẻ bị lạc:
– Dạy trẻ nhớ được số điện thoại của bố, mẹ.
– Dạy trẻ nhận biết được những người an toàn, có thể giúp đỡ được trẻ như: chú Công an, chú Bộ đội, bác Bảo vệ…
– Khi trẻ bị lạc, trẻ cần bình tĩnh và tìm gặp những người có thể giúp đỡ được trẻ như đã nói ở trên.
5. Nếu có điều kiện hãy tập dượt cho trẻ những kỹ năng trên:
– Sau khi đã dạy trẻ những quy tắc như trên, bố mẹ thử nhờ người quen mà trẻ không biết kiểm tra xem trẻ có thực hiện như đúng bố mẹ dạy không. Nếu trẻ vẫn chưa thực hiện được, bố mẹ cần phải kiên trì hơn nữa để dạy cho con. Nếu trẻ thực hiện đúng như lời bố, mẹ dạy thì phải khuyến khích trẻ để trẻ tự tin hơn.
Khi phát hiện đối tượng lạ có các hoạt động, biểu hiện nghi vấn bắt cóc trẻ em nhanh chóng thông báo cho cơ quan Công an gần nhất, hoặc số điện thoại trực ban Công an TP Hà Tĩnh: 0692928258 hoặc 0692928600.
Theo PLO