Cơ quan điều tra (VKSNDTC) và những quyết định “thép”…

06/09/2019 21:12

(Pháp lý) - Đầu tháng 6 vừa qua, Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát Nhân dân tối cao ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật” xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an vì liên quan đến kỳ án gỗ trắc lậu xảy ra tại TP Đà Nẵng. Quyết định khởi tố vụ án nói trên được đánh giá là một quyết định “thép”. Tìm hiểu hoạt động của Cơ quan điều tra (VKSNDTC), chúng tôi nhận thấy đó chỉ là một trong rất nhiều quyết định “thép” mà Cơ quan này thực hiện theo thẩm quyền đặc biệt của mình…

Thẩm quyền đặc biệt

Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát Nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 20, Điều 21 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; khoản 3 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 8, Điều 30 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự. Theo đó, Cơ quan điều tra VKSNDTC có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật Hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Theo thống kê, các quy định tại BLTTHS 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2014, Luật Tổ chức VKS 2014 thì thẩm quyền, chủ thể tội phạm điều tra của cơ quan này mở rộng hơn so với các quy định có hiệu lực trước đó. 38 tội danh trong đó 24 tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp, 14 tội danh liên quan đến cán bộ có chức vụ trong cơ quan tư pháp.

Ngoài những nhiệm vụ then chốt trên, Cơ quan điều tra (VKSNDTC) có thêm các nhiệm vụ cụ thể như: Tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quản lý tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra; Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác; đánh giá, dự báo tình hình, nguyên nhân, điều kiện nảy sinh vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết để tham mưu, đề xuất với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao các biện pháp phòng, chống vi phạm và tội phạm, tăng cường thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; Phối hợp với cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong phòng ngừa, đấu tranh các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của pháp luật. Và một số nhiệm vụ khác…

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm việc với Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm việc với Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.)

Những Quyết định “thép”..

Thời gian vừa qua, Cơ quan điều tra (VKSNDTC) đã tiến hành khởi tố một vụ án xảy ra tại Cơ quan điều tra của Bộ Công an. Theo đó, trong quá trình C44 (Bộ Công an) thụ lý, điều tra vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội "buôn lậu", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", đã ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng trái với quy định của pháp luật và trái với chỉ đạo của liên ngành tư pháp trung ương, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã vào cuộc điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 17/12/2011, Công ty Ngọc Hưng (thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị) nhập lô gỗ 614 m3 từ Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo. Hai ngày sau, nguyên lô gỗ được xuất sang Trung Quốc, được làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt. Khi lô hàng đang vận chuyển vào cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng) để chuyển đi Trung Quốc thì bị lực lượng chức năng phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hải quan, nên đã giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng xử lý. Sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vào cuộc và ra quyết định khởi tố vụ án. Sau khi khởi tố, Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển hồ sơ cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an. Tuy nhiên, C46 có công văn kết luận: "Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu". Hồ sơ vụ án được C46 trả về Tổng cục Hải quan, sau đó hồ sơ lại được chuyển sang Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an. Cuối cùng, C44 mới ra quyết định khởi tố các bị can trên. Dù vụ án chưa đưa ra xét xử nhưng tháng 12-2013, ông Phan Văn Vĩnh - lúc đó là trung tướng, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an - đã đề xuất "cho xử lý lô gỗ là vật chứng của vụ án theo hướng bán lô gỗ". Ngay sau đề xuất của ông Vĩnh, lô gỗ được bán với giá 63,8 tỉ đồng. Do đó, trong phiên xử hồi cuối tháng 8-2018, Hội đồng xét xử TAND TP Đà Nẵng đã kiến nghị Cục Điều tra Viện KSND khởi tố điều tra vụ việc bán lô gỗ trắc. Bởi theo HĐXX, vật chứng của vụ án này là tang vật gỗ trắc không thuộc trường hợp mau hỏng hay khó bảo quản.

 Nhiều vi phạm của C44 khi tố tụng kỳ án gỗ trắc, cuối cùng đã bị Cơ quan điều tra –VKSNDTC đưa ra ánh sáng và đã khởi tố vụ án xâm phạm trật tự tư pháp (trong ảnh là các bị cáo tại tòa)
Nhiều vi phạm của C44 khi tố tụng kỳ án gỗ trắc, cuối cùng đã bị Cơ quan điều tra –VKSNDTC đưa ra ánh sáng và đã khởi tố vụ án xâm phạm trật tự tư pháp (trong ảnh là các bị cáo tại tòa))

Vì vậy trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã cho bán tang vật của vụ án là không đúng, có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Việc bán lô gỗ không đúng quy định pháp luật tố tụng hình sự. Đồng thời, tuyên trả số tiền bán tang vật gỗ trắc cho bị cáo Liệu và Dung.

Tại các cơ quan thi hành án, Cơ quan điều tra (VKSNDTC) cũng thể hiện sự quan tâm trong xử lý tội phạm phát sinh tại cơ quan này. Vào tháng 4/2018, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phạm Thành Đoan và Nguyễn Thị Bích Lương về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 2 bị can này nguyên là Chi cục trưởng của 2 Chi cục THADS tỉnh Phú Thọ. Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ năm 2015 đến tháng 4/2018, tại Chi cục THADS Phú Thọ, các bị can Đoan và Lương đã thiếu trách nhiệm để Trần Thị Thanh Hòa (Kế toán trưởng) đã lập 34 chứng từ khống và giả mạo chữ ký để rút hơn 5 tỷ đồng từ Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Thọ và một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Sau đó, Hòa chuyển vào tài khoản cá nhân và nhiều tài khoản khác của bạn bè, người thân để sử dụng, chi tiêu vào mục đích cá nhân. Số tiền này là tiền gửi thi hành án, tạm giữ chờ xử lý của Chi cục THADS TP Việt Trì, gồm tiền bồi thường, tiền tạm giữ, tạm thu, tiền tang vật vụ án…

Liên quan đến quá trình giam giữ phạm nhân, ở Hải Phòng vào tháng 4/2019, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, đồng thời thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Tiến Minh, sinh năm 1990, Cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an thành phố Hải Phòng về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 2, Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015. Quá trình điều tra ban đầu, Cơ quan điều tra VKSND tối cao xác định trong thời gian tháng 4/2018, Nguyễn Tiến Minh được phân công trực tại Trại tạm giam Công an thành phố Hải Phòng. Trong ca trực các ngày 17,18 và 25/4/2018, Nguyễn Tiến Minh đã đưa điện thoại di động vào các buồng giam AC8 và AC11 để các đối tượng đang bị tạm giam sử dụng điện thoại để gọi ra ngoài cho gia đình và người thân, sau đó thu của người nhà các đối tượng từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/1 cuộc gọi. Đối với những người không tự nguyện trả tiền, Nguyễn Tiến Minh còn có hành vi đe dọa để buộc họ phải trả tiền nghe điện thoại với giá rất cao do Nguyễn Tiến Minh tự đặt ra.

Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra (VKSNDTC) cũng khởi tố nhiều thẩm phán đòi hối lộ.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tiếp nhận, thu thập 7.332 thông tin về tội phạm, đã nghiên cứu giải quyết 7.109 thông tin (đạt 96,9%). Thụ lý giải quyết tổng số 745 tố giác, đã kết thúc kiểm tra, xác minh, chuyển hồ sơ đến VKSNDTC kiểm sát theo quy định 713 tố giác, tin báo về tội phạm (đạt 95,7%). Khởi tố , thụ lý điều tra 216 vụ/215 bị can; trong đó: Tội phạm về tham nhũng trong hoạt động tư pháp: 88 vụ/90 bị can (chiếm 40,8 %); Tội phạm khác về chức vụ trong hoạt động tư pháp: 30 vụ/37 bịcan (chiếm 13,9%); Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp: 69 vụ/78 bị can (chiếm 31,9%). Đã kết thúc điều tra 201 vụ/198 bị can,(đạt 93,1%). Việc khắc phục, thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ được Cơ quan điều tra VKSNDTC chú trọng thực hiện. Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp trung bình đạt 55%.

Thời gian qua, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp về tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp cũng như làm rõ những vụ án oan sai, bỏ lọt tội phạm được dư luận xã hội quan tâm, như: Vụ án Ngô Thanh Phong, nguyên Phó Thủ trưởng thường trực, Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó Thủ trưởng và Phạm Văn Út, nguyên Thủ kho vật chứng kiêm Thủ quỹ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng; vụ án Đinh Thiên Tường, nguyên Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; vụ án Châu Tùng Chinh, nguyên Chi Cục Trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ về tội “Tham ô tài sản” với số tiền 2,6 tỷ đồng; vụ án oan sai xảy ra tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng khiến 07 người dân bị giam giữ, kết tội “Giết người” oan, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã tiến hành điều tra và khởi tố bị can đối với Nguyễn Hoàn Quân, Triệu Tuấn Hưng – Điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng về tội “Dùng nhục hình”, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Núi – Kiểm sát viên VKSND tỉnh Sóc Trăng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” ; vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, căn cứ vào kết quả điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC, Viện trưởng VKSNDTC đã quyết định kháng nghị, trả tự do cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau hơn 10 năm bị giam giữ, thi hành án phạt tù oan về tội “Giết người”, Cơ quan điều tra đã khởi tố hung thủ thực sự thực hiện hành vi giết người là Lý Nguyễn Chung về tội “Giết người”, đồng thời, khởi tố bị can đối với các cán bộ tiến hành tố tụng đã gây ra oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn gồm: Trần Nhật Luật - Điều tra viên thụ lý chính, Đặng Thế Vinh – Kiểm sát viên kiểm sát điều tra vụ án về tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”, Phạm Tuấn Chiêm - thẩm phán về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Vũ Ngọc Dương bị các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp của TP. Hà Nội điều tra, truy tố, xét xử oan sai với mức án 30 tháng tù giam. Căn cứ kết quả điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC, Công an TP. Hà Nội đã phải đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Vũ Ngọc Dương.

Những yêu cầu trong giai đoạn mới

Còn nhớ, trong một chia sẻ với Phóng viên Pháp lý, ông Đỗ Đức Hồng Hà băn khoăn: Bên cạnh những dấu ấn cải cách quan trọng, các cơ quan tư pháp vẫn còn những hạn chế, tồn tại khiến dân bức xúc như một số phiên tòa, cố tình xử án quá nhẹ, xử không đúng luật, tồn tại này làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và công lý. Một bộ phận người tiến hành tố tụng còn yếu kém về phẩm chất, đạo đức, buông lỏng trách nhiệm công vụ; kể cả một số lãnh đạo cơ quan tố tụng địa phương. Mặc dù đã có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (làm sai lệch hồ sơ vụ án, ra bản án, quyết định trái pháp luật, dùng nhục hình, nhận hối lộ…) nhưng nhìn chung việc xử lý cán bộ mắc sai phạm chưa nghiêm; có hiện tượng nể nang, bao che, nhiều trường hợp chỉ xử lý kỷ luật, thuyên chuyển công tác hoặc cho về hưu sớm; việc xử lý hình sự một số trường hợp quá nhẹ gây bức xúc dư luận. Có người vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng chỉ khi báo chí, dư luận lên tiếng mới được đưa ra xử lý trước pháp luật.

 Người dân mong mỏi Cơ quan điều tra (VKSNDTC) tiếp tục đưa ra ánh sáng những sai phạm của cán bộ trong ngành tư pháp và xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm (trong ảnh là cử tri trong một buổi tiếp xúc với ĐBQH).
Người dân mong mỏi Cơ quan điều tra (VKSNDTC) tiếp tục đưa ra ánh sáng những sai phạm của cán bộ trong ngành tư pháp và xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm (trong ảnh là cử tri trong một buổi tiếp xúc với ĐBQH).)

Nói ra để thấy, người dân và những người làm công tác pháp luật còn mong mỏi hơn nữa sự khách quan, vô tư, trách nhiệm của những người làm công tác tại Cơ quan điều tra VKSNDTC. Thiết nghĩ, trong giai đoạn mới, yêu cầu xử lý kịp thời và xử lý nghiêm minh tội phạm phát sinh từ các cơ quan tư pháp là một thách thức với Cơ quan điều tra VKSNDTC.

Phan Tĩnh (Nguồn website của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Bạn đang đọc bài viết "Cơ quan điều tra (VKSNDTC) và những quyết định “thép”…" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin