Có hay không việc Chủ đầu tư dự án Goldmark City lừa dối khách hàng ?

28/07/2017 09:31

(Pháp lý) - Khách hàng mua nhà tại dự án Goldmark City (số 136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) phản ánh, chủ đầu tư (CĐT) của dự án thay vì phải lắp đặt những thiết bị nội thất cao cấp của các căn hộ như hợp đồng, đã “lập lờ” đổi bằng những thiết bị “tương đương” với giá trị rẻ hơn .

Dự án được CĐT quảng cáo là nơi có không gian đáng sống.
Dự án được CĐT quảng cáo là nơi có không gian đáng sống.)

Khách hàng bức xúc vì bị “ lừa dối” ?

Goldmark City là dự án do Công ty cổ phần Thương Mại – Quảng Cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân làm chủ đầu tư, được TNR Holdings Việt Nam (TNR) quản lý và phát triển độc quyền. Dự án được quảng cáo là căn hộ cao cấp, tiện ích cũng như không gian đáng sống. Nhưng, khi nhận bàn giao, không ít khách hàng đã thất vọng vì chất lượng nội thất thực tế của căn hộ trái ngược hoàn toàn so với những gì CĐT quảng cáo.

Bà H.T.O., (chủ căn hộ R2 – 06) phản ánh: Vì tin tưởng vào những lời quảng cáo như có cánh của CĐT, gia đình đã bỏ ra hàng tỷ đồng để mua căn hộ tại dự án. Nhưng ngày nhận bàn giao, tôi rất thất vọng về chất lượng của công trình. Khi kiểm tra kỹ, rất nhiều phần nội thất của căn hộ đã bị CĐT thay thế mà không được báo trước.

Cửa đã lắp đặt, nhưng khe cửa vẫn hở
Cửa đã lắp đặt, nhưng khe cửa vẫn hở)

Cụ thể: Về sàn gỗ phòng ngủ bị bong; sàn gỗ cửa ra vào có tiếng kêu; sàn gỗ bị phồng trước cửa phòng ngủ, phòng vệ sinh. Về trần và tường bị loang, sần sùi, ẩm mốc, có khe nứt 2 miếng thạch cao ở trần phòng khách. Về kích thước cửa gỗ , keo bám chưa kín hết khe hở ở cửa. Về chất lượng vật tư, vật liệu thuộc căn hộ như cửa gỗ, kính, sàn gỗ, khung nhôm, dây điện, trần, thạch cao,…. Về hồ sơ pháp lý, chúng tôi đã đề nghị CĐT cung cấp toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến căn hộ được phép đưa vào sử dụng như nghiệm thu PCCC, nghiệm thu xây dựng… ”, bà O., thông tin.

Do không đồng ý với chất lượng nội thất của căn hộ, từ tháng 5 đến nay, bà O., đã nhiều lần phản ánh đến chủ đầu tư. Nhưng lần nào CĐT cũng chỉ tiếp nhận ý kiến của cư dân, mà không hề giải quyết.
Ông N.T.D (trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) bức xúc: “Không hiểu sao hợp đồng ký kết một đằng, nhưng khi thực hiện CĐT lại thực hiện một nẻo. CĐT vin vào việc thay thế những thiết bị “tương đương” trong hợp đồng là lừa khách hàng!?”.

Thay thế nội thất cao cấp bằng vật liệu “tương đương”, nhưng giá chênh lệch 2-3 lần ?

Sau khi khách hàng phát hiện nội thất trong căn hộ không giống như hợp đồng và kiến nghị phản ứng thì phía chủ đầu tư (CĐT) TNR Holdings lại cho rằng đã thay thế bằng vật liệu “tương đương”.

Khách hàng tên Đỗ Duy Chung (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) bức xúc: CĐT phải chứng minh được vì sao lại phải thay tương đương mà không lắp đặt những nội thất như đã ký kết trong hợp đồng? Chúng tôi đặt câu hỏi, chất lượng là như thế nào và giá thành ra sao, chứ không phải CĐT khẳng định vật liệu đã thay thấy tốt hơn vật liệu có thương hiệu trong hợp đồng ?

Cũng theo ông Chung, nếu CĐT nói vật liệu thay thế tốt hơn hoặc bằng nội thất có trong hợp đồng thì phải đưa kiểm định hoặc có chứng chỉ chất lượng chứ không thể nói tốt là tốt được. Ông Chung cho rằng, khi mua một căn hộ tại dự án chung cư cao cấp như Goldmark City này không hề rẻ, với giá từ 25 đến hơn 30triệu đồng/ m2, đồng nghĩa với nội thất cũng đã được tính vào giá bán. Tại thời điểm lắp đặt, những nhà cung cấp nội thất có tên tuổi được nêu ra trong hợp đồng không đủ vật liệu để cung cấp thì mới có quyền thay tương đương và cũng hạn chế tối đa có thể chứ không phải đa phần nguyên vật liệu đều thay thế “tương đương”. Còn nếu không thì những nguyên vật liệu có thương hiệu phải được ưu tiên hàng đầu để tương xứng với khu chung cư cao cấp và số tiền khách hàng bỏ ra. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay, trên thị trường không thiếu nội thất của các hãng đã ký kết trong hợp đồng, vậy sao phải thay ???

Tường mới sơn xong nhưng đã bị mốc
Tường mới sơn xong nhưng đã bị mốc)

Thực tế, việc thay thế vật liệu đã được CĐT triển khai ở hầu hết các căn hộ. Ví như về hạng mục cửa (cửa sổ và ban công), trong phụ lục hợp đồng (PLHĐ) có ghi: “gói hoàn thiện cơ bản là khung nhôm tĩnh điện + kính (Khung nhôm Việt Pháp, Hwindow hoặc tương đương; kính Đáp cầu, Việt Nhật hoặc tương đương). Tuy nhiên, thực tế thì khung nhôm được sản xuất tại nhà máy ở Hải Dương và kính dán Hải Long 2 lớp. Còn kính cường lực có thể được lắp đặt ở toà R1 hoặc R4?

Hay như hạng mục điện và thiết bị chiếu sáng thì đường dây điện ngầm (Cadivi, Taya, Evertop hoặc tương đương). Đầu chờ dây điện để lắp đặt các thiết bị và sản phẩm hoàn thiện cũng được “tương đương” bởi dây điện Trần Phú?

Hoặc như hạng mục sàn: “Sàn gạch Ceramic (Ero Tile, Prime, hoặc tương đương), gỗ công nghiệp chống thấm (Janmi, Eurolines, Vertex hoặc tương đương) ghi trong PLHĐ và sản phẩm thực tế trong căn hộ được cho là sàn gỗ cao cấp Robina nhập khẩu Malaysia dày 8mm?...

Cũng theo ông Chung, CĐT cho rằng nếu khách hàng thắc mắc thì khách hàng có thể độc lập tìm về sự tương đương của sản phẩm. Ông Chung đã tìm hiểu và được biết, kính dán Hải Long 2 lớp chỉ ở mức giá 1,2triệu/m2. Nhưng kính Đáp Cầu hoặc Việt Nhật ở mức giá 2 – 3triệu đồng/m2. Vậy tương đương là như thế nào khi giá vật liệu thay thế thấp hơn giá vật liệu trong hợp đồng đến 2-3 lần ?

Đại diện truyền thông của CĐT nói gì?

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý Online, bà Nguyễn Thu Hiền, đại diện truyền thông của TNR Holdings Việt Nam cho biết: trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi luôn nỗ lực làm việc với các nhà cung cấp vật liệu để đảm bảo không thay đổi các trang thiết bị, vật liệu đã ghi trong phụ lục hợp đồng.

“Tuy nhiên, vì nhiều lí do khách quan, nếu nhà sản xuất không cung cấp đủ vật liệu thì để đảm bảo tiến độ thi công, dự án cần có phương án vật liệu thay thế đáp ứng tiêu chí thương hiệu, chất lượng, giá thành tương đương. Đối với dự án này, các vật liệu thay thế luôn được đảm bảo ngang bằng hoặc chất lượng tốt hơn vật liệu ghi trong phụ lục hợp đồng. Theo quy định về danh mục vật liệu của dự án, vật liệu tương đương là vật liệu có cùng các tiêu chí về kỹ thuật (chất lượng, quy cách), tương đương cả về giá thành vật liệu”.

Về căn hộ 06 tòa R2, sau khi nhận được phản ánh, CĐT đã cử nhân viên kiểm tra. Căn hộ này, chúng tôi chưa bàn giao cho khách hàng. CĐT đã cho nhân viên sửa chữa để sắp tới bàn giao chính thức, bà Hiền thông tin.

Chủ đầu tư có dấu hiệu lừa dối khách hàng?

Khách hàng cho rằng, mới kiểm tra được những hạng mục “bề nổi” mà chất lượng căn hộ đã lộ nhiều sai phạm. Trong khi Gorldmark City mới bàn giao nhà nên chưa thể kiểm tra chất lượng hoặc có chủ căn hộ không đủ chuyên môn, trình độ để kiểm duyệt về chất lượng? Vậy, ai sẽ có thể kiểm chứng về chất lượng cho các công trình mà hầu hết nguyên vật liệu được thay thế “tương đương” trong các căn hộ chung cư cao cấp như Goldmark?

Hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng
Hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng)

Khi được hỏi, một luật sư cho rằng, trước chất lượng “mập mờ” trong việc bàn giao nội thất của các khu chung cư, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để kiểm tra. Theo đó, có hay không việc thay thế các vật liệu “tương đương” không đúng như hợp đồng ban đầu, không tương đương chất lượng sản phẩm, giá thành, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Nếu đúng là CĐT cố tình thực hiện sai hợp đồng , tự ý thay thế nội thất có giá trị thấp hơn mà không được sự đồng ý thỏa thuận của khách hàng, cố ý lừa dối khách hàng thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng, theo quy định tại Điều 162, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Nguyễn Hòa – Bùi Lộc

Bạn đang đọc bài viết "Có hay không việc Chủ đầu tư dự án Goldmark City lừa dối khách hàng ?" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin