Cơ chế tự chủ tài chính trong các đơn vị công lập của Bộ Công an

Các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Công an chủ động về tài chính, tài sản để hoạt động hiệu quả, tăng nguồn thu.

Bộ Công an vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định biện pháp thi hành cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong công an nhân dân. Dự thảo gồm 6 chương 21 điều.

Theo dự thảo, các đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: đơn vị xuất bản, báo chí, điện ảnh, nghệ thuật, phát thanh, truyền hình, các trung tâm thể dục, thể thao và in nghiệp vụ; đơn vị tư vấn, thiết kế, giám sát, ứng dụng khoa học công nghệ và giám định, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, tin học; đơn vị dạy nghề, đào tạo, sát hạch lái xe; đào tạo ngoại ngữ, tin học và liên kết đào tạo; cơ sở y tế, nhà khách, nhà nghỉ dưỡng; đơn vị sự nghiệp công lập khác trong công an nhân dân...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ)

Phân loại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính

1. Căn cứ khả năng tự chủ tài chính từ hoạt động sự nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập trong công an nhân dân được phân loại theo mức độ tự chủ như sau:

a) Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp loại I);

b) Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị sự nghiệp loại II);

c) Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí (đơn vị sự nghiệp loại III);

d) Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, có nguồn thu thấp (đơn vị sự nghiệp loại IV).

2. Việc phân loại và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện định kỳ ba năm một lần. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập chủ động xây dựng phương án tự chủ. Cục Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Công an xem xét phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định...

Quyền tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

- Được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Thương mại, Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi từ hoạt động sự nghiệp.

- Tham gia đấu thầu cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền giao.

- Liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật;

- Chủ động sử dụng nguồn tài chính, tài sản, tổ chức sắp xếp và sử dụng đội ngũ cán bộ, lao động hợp đồng theo phân cấp để hoạt động có hiệu quả, tăng nguồn thu, tăng cường cơ sở vật chất và bảo đảm ổn định thu nhập cho người lao động...

Nghĩa vụ của đơn vị sự nghiệp công lập

- Thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao theo phân cấp, ủy quyền của Bộ Công an; đăng ký, kê khai, nộp đầy đủ các khoản thuế và các khoản thu ngân sách khác (nếu có) theo quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng tài sản, nguồn vốn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên đối với các quyết định thực hiện quyền tự chủ tài chính;

- Việc chi bổ sung thu nhập cho người lao động được thực hiện theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác. Hệ số thu nhập tăng thêm của chức danh lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập tối đa không quá hai lần hệ số thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện của người lao động trong đơn vị.

- Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm ban hành Bảng hệ số thu nhập tăng thêm của đơn vị trên cơ sở ý kiến thống nhất của người lao động trong đơn vị và báo cáo cơ quan tài chính cấp trên để theo dõi, quản lý.

Theo VnExpress

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin