Cơ chế tài chính đặc thù cho TP.HCM:Nếu ông Thăng làm được...

19/02/2016 01:17

Dư luận kỳ vọng nếu ông Thăng có thể làm giảm được mức độ “thất thoát” ngân sách theo kiểu “đội vốn” thì đã là thành công...

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách Quốc gia (Đại học KHXH &NV TP.HCM) chia sẻ với Đất Việt như vậy khi trao đổi về đề xuất cơ chế tài chính đặc thù cho TP.HCM của Bộ Tài chính cũng như những kỳ vọng vào tân Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.

PV: - Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với TP.HCM trong đó đề xuất TP.HCM sẽ được thưởng và bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách trung ương trong trường hợp tổng thu ngân sách trung ương tăng so với dự toán Quốc hội quyết định và thu ngân sách trung ương trên địa bàn tăng so với dự toán giao cho TP.

Ông bình luận như thế nào về đề xuất này của Bộ Tài chính đặc biệt khi hai năm liên tiếp, TP.HCM đều xin thưởng vượt thu ngân sách theo đúng quy định nhưng không được chấp thuận?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: - Nói ngắn gọn là TP.HCM sẽ được thưởng và bổ xung ngân sách nếu tổng thu của Trung ương và Thành phố đều tăng so với dự toán. Ở đây có một số vấn đề cần bình luận:

Một là, vì sao tổng thu có thể tăng so với dự toán? Phải chăng do dự toán sai-thấp hơn so với tiềm lực kinh tế? Nếu dự toán chính xác thì phải chăng là đã thu không đúng theo mức thuế đã quy định?

[caption id="attachment_135607" align="aligncenter" width="410"]Thi công lắp dầm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Thesaigontimes Thi công lắp dầm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Thesaigontimes[/caption]

Hai là, “thưởng vượt thu” thực chất có phải là “tăng vốn đầu tư phát triển” hay tiền thưởng đó được dùng vào việc gì?- Vì đó là tiền thuế của nhân dân nên cần quy định rõ.

Còn việc vì sao hai năm liền TP.HCM vượt thu nhưng không được thưởng thì chỉ Chính phủ mới có thẩm quyền và đủ thông tin để giải thích cụ thể-nhưng chắc là có liên quan đến khả năng ngân sách nhà nước và vấn đề nợ công.

PV: - Cũng theo dự thảo nghị định của Bộ Tài chính, Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi khác của Chính phủ cho TP.HCM, đồng thời UBND TP được quyền quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại cho TP không phụ thuộc vào quy mô viện trợ (trừ các khoản viện trợ liên quan đến tôn giáo, quốc phòng, an ninh).

Theo ông, việc ưu tiên cho ODA cho TP.HCM ở thời điểm này có hợp lý hay không và vì sao? Ông đánh giá như thế nào về việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn ODA của TP.HCM (lưu ý, đã có không ít tai tiếng về các dự án metro đội vốn khủng)?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: - Về lý thuyết, đầu tư vào nơi có lợi thế phát triển thì sẽ sinh lợi cao hơn so với đầu tư vào nơi kém lợi thế, do đó ưu tiên đầu tư cho TP.HCM, nơi có lợi thế phát triển cao nhất của cả nước, là không sai, nhưng nếu nhìn toàn cục của nền kinh tế vĩ mô thì cần giải bài toán: ưu tiên cho TP.HCM đến mức nào thì có thể tạo ra sự mất cân đối ảnh hưởng đến đà tăng trưởng chung của cả nước?

Và phần lợi ích mà số vốn ưu tiên cho TP.HCM tạo ra có thể bù đắp được thiệt hại do sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng hay không? Điều này cũng chỉ có Chính phủ mới đủ dữ liệu để tính toán.

PV: - Việc TP.HCM được ưu tiên bố trí nguồn viện trợ, nguồn vốn vay ưu đãi sẽ giúp cho TP phát huy tiềm năng, lợi thế về địa kinh tế, nhân lực... của mình như thế nào, thưa ông? Liệu điều này có tạo sức bật cho TP.HCM, để bù lấp khoảng cách mà cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu chỉ ra cách đây hơn 20 năm đến nay vẫn mang tính thời sự, đó là "Vào năm 1975, TP.HCM có thể ganh đua với Bangkok, giờ đây (1992) thành phố này tụt lại về sau hơn 20 năm”?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: - Vốn đầu tư còn ở trạng thái tĩnh (là tiền nằm trong ngân hàng) thì nó không tự tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, nhưng khi nó được rót vào các dự an phát triển, lúc đó mới là vốn động, thì hiệu quả kinh tế, xã hội tùy thuộc vào mục tiêu sử dụng và năng lực quản lý, điều hành dự án.

Nếu các dự án lớn như Metro TP.HCM đều “đội vốn” mấy lần (theo số liệu đăng tải trên VnExpress, Metro TP.HCM đội vốn 60.000 tỷ đồng - so với phê duyệt năm 2007 là 17,300 tỷ đồng - gấp gần 4 lần) thì có thể phần ưu tiên đầu tư không đủ bù đắp cho “thất thoát”, chưa nói đến tạo ra “sức bật”.

PV: - Hiện dư luận đang đặc biệt quan tâm tới việc ông Đinh La Thăng vừa nhậm chức Bí thư TP.HCM. Với tình cách quyết liệt dám nghĩ, dám làm, theo ông, ông Thăng sẽ có tác động thế nào tới việc trao cơ chế tài chính đặc thù cho TP.HCM cũng như tạo sức bật cho TP.HCM phát triển đúng với tiềm năng?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: - Ông Đinh La Thăng nắm quyền lãnh đạo cao nhất ở TP.HCM nhưng ông không thể ôm tất cả bộ máy hành chính để nhanh chóng thay đổi cung cách quản lý, điều hành kinh tế xã hội của một thành phố gần 10 triệu dân.

Tuy nhiên, dư luận kỳ vọng nếu ông Thăng có thể làm giảm được mức độ “thất thoát” ngân sách theo kiểu “đội vốn” thì đã là thành công và đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Thành phố và của đất nước.

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "Cơ chế tài chính đặc thù cho TP.HCM:Nếu ông Thăng làm được..." tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin