Thủ tướng đã đồng ý chuyển đổi hình thức đầu tư một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sang dự án đầu tư công. Tuy nhiên, vấn đề xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu đang gây một số dư luận trái chiều.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT về chuyển đổi 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sang hình thức đầu tư công; trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
9 dự án chuyển sang đầu tư công
Theo phương án này, có 8 dự án cao tốc Bắc-Nam có tổng mức đầu tư 88.234 tỷ đồng, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (Mỹ Thuận là cầu nối giữa Tiền Giang và Vĩnh Long) có mức đầu tư 5.408 tỷ đồng được đặt mục tiêu thông xe kỹ thuật năm 2021, khánh thành năm 2022. Tổng mức đầu tư công cho 9 dự án này ước tính lên tới 93.639 tỷ đồng. Cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện các dự án, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Theo Bộ KH&ĐT, việc dùng ngân sách đầu tư 9 dự án nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, kích thích đầu tư, tạo công ăn việc làm trong và sau dịch Covid-19.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 147/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Về Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT. Bộ GTVT đã tổ chức triển khai phê duyệt thiết kế kỹ thuật và sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, tuy nhiên tiến độ chậm so với yêu cầu.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, Thủ tướng đồng ý với đề xuất chuyển toàn bộ 8 dự án này sang đầu tư bằng vốn đầu tư công. Đồng thời, nhấn mạnh Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ mục tiêu khởi công toàn bộ 8 dự án muộn nhất là tháng 8/2020.
Đối với Dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ này áp dụng cơ chế như các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển đổi sang hình thức đầu tư công nêu trên. Mục tiêu thông xe kỹ thuật năm 2021, khánh thành năm 2022.
Đáng chú ý, trong thông báo có nêu “xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án”. Vấn đề này Chính phủ đang xem xét và chưa có quyết định chỉ định thầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc chỉ định thầu sẽ gây bất cập trong quá trình triển khai dự án.
Công khai thông tin
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, Chính phủ đang có chủ trương đẩy mạnh đầu tư công nhằm phát triển kinh tế khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước đó, việc giải ngân các dự án đầu tư công thường bị nghẽn có thể do thủ tục hoặc có thể do chuẩn bị chưa tốt nên thường không đạt kế hoạch.
Với các dự án đầu tư sẽ chuyển sang đầu tư công lần này, ông Hiển tin rằng không giải ngân hết được theo ý muốn của Chính phủ, nhưng tiến độ giải ngân sẽ nhanh hơn giai đoạn trước.
Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, có những dự án có thể có chỉ định thầu, nhưng đó là những dự án có yếu tố “nhạy cảm”. Trước đây có nhiều dự án không được chỉ định thầu, mà đấu thầu. Tuy nhiên, nhiều dự án bộc lộ sự yếu kém, vẫn có tình trạng “chân gỗ”.
“Điều quan trọng nhất là việc chỉ định thầu hay đấu thầu phải rõ ràng, công khai. Đơn cử như đấu thầu phải công khai danh mục, phải rộng rãi và đơn vị đấu thầu cũng phải công khai đầy đủ, phải trung thực thông tin để có sự giám sát của các cơ quan liên quan”, ông Hiển nói.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, các dự án đầu tư công nên hạn chế chỉ định thầu, mà chỉ định thầu đối với những dự án mang tính “nhạy cảm”, chuyên môn cao, đơn vị thực hiện phải có thành tích thực sự nổi bật trong quá khứ về những dự án như vậy. Ở những dự án đầu tư công quốc gia phải lựa chọn những đơn vị có năng lực quản lý dự án là chính.
Kinh nghiệm từ trước cho thấy, những năm lạm phát cao, triển khai các dự án đầu tư công rất mạnh, Việc đẩy nhanh dự án đầu tư công là cần thiết nhưng phải chặt chẽ và không cào bằng.
“Trong giai đoạn này, nguồn lực của Chính phủ vẫn có hạn, nên chỉ ưu tiên cho giải ngân hạ tầng kinh tế, phục vụ trực tiếp cho kinh tế vùng, có giá trị hiệu ứng cho nhiều ngành nghề lan toả thì ưu tiên tập trung đầu tư, thay vì là theo cơ chế dàn trải”, ông Hiển nhấn mạnh.
Còn theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), các gói thầu ở các dự án đầu tư công này nên được chia nhỏ cho nhiều doanh nghiệp và nhiều địa bàn khác nhau, để tạo ra sức lan toả cho nền kinh tế, tạo ra thu nhập, từ đó các doanh nghiệp có sức sống sản xuất.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước), cho rằng Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020 sẽ chấm dứt được việc lập kế hoạch đầu tư công không đúng quy định. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công chỉ xử lý được những vướng mắc trong thủ tục đầu tư công, nhưng không xử lý được những vấn đề liên quan đến đấu thầu, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường…
Theo thoibaokinhdoanh.vn
Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/chuyen-doi-du-an-sang-dau-tu-cong-co-nen-chi-dinh-thau-1067349.html