'Chùa Đàn' - một Nguyễn Tuân ma mị và duy mỹ

Quái dị và tuyệt mỹ là hai tính từ dành cho "Chùa Đàn", tác phẩm hội tụ tinh hoa trong văn chương của Nguyễn Tuân.

Đa phần người đọc, đặc biệt là người đọc trẻ, biết đến Nguyễn Tuân nhiều hơn với thể loại tùy bút hay truyện ngắn như Vang bóng một thời, Tùy bút sông Đà…Tuy nhiên, trong giai đoạn 1943 - 1945, Nguyễn Tuân còn theo dòng văn học ma mị bởi sự ảnh hưởng sâu sắc từ các truyện ngắn trong Liêu trai chí dị của Bố Tùng Linh.

Những “đoản thiên ma quái” như Khóa thi cuối cùng, Trên đỉnh non Tản, Đới roi, Xác ngọc lam, Rượu bệnh, Lửa nến trong tranh, Loạn âm hay Tâm sự của nước độc (tức là Chùa Đàm) đã được tập hợp vào tập Yêu ngôn in năm 1999.

Chùa Đàn được viết vào năm 1945, tuy nhiên, sau khi Việt Minh giành được chính quyền tại Hà Nội, Nguyễn Tuân đã mau chóng giác ngộ Cách mạng và viết thêm phần đầu mang tên Dựng và phần kết mang tên Mưỡu cuối cho tác phẩm xuất bản năm 1946. Phần gốc của Chùa Đàn được đặt ở vị trí thứ hai với tên gọi Tâm sự của nước độc.

Vẫn là phong cách duy mỹ thường thấy ở Nguyễn Tuân, ngòi bút của ông trong tác phẩm này hướng đến việc đi tìm cái đẹp, nhưng không còn là cái đẹp hoài vọng, phảng phất u buồn về một thời xa vắng, về những thú chơi trong Vang bóng một thời. Cái đẹp của Chùa Đàn kỳ quái, bi thương và đau đớn hơn rất nhiều khi con người ta sẵn sàng hy sinh thân mình để dùng nghệ thuật mà tái sinh cho một người khác.

 Tác phẩm Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân.
Tác phẩm Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân.)

Đọc Chùa Đàn, ta bắt gặp một Lãnh Út ngày ngày chìm đắm trong đau thương và rượu bởi cái chết của vợ sau vụ tai nạn tàu hỏa. Từ đó, anh thù ghét máy móc, anh cấm tất cả mọi người trong ấp Mê Thảo không được sử dụng vật dụng liên quan đến khoa học hiện đại.

Ta gặp cả một Bá Nhỡ, người quản gia trung tín vốn nhờ vợ chồng Lãnh Út mà thoát khỏi án tử hình vì tội giết người, thế nên hết lòng cung phụng chủ ấp. Đến một ngày, Lãnh Út bỗng thèm được nghe tiếng hát ả đào, Bá Nhỡ đáp ơn tri ngộ, dày công luyện tập để có thể so dây cây đàn kỳ bí được làm từ ván nắp cỗ quan tài một gái đồng trinh của Chánh Thú mà rước cô đầu Tơ về hát.

Bất chấp lời nguyền oan nghiệt của Chánh Thú, Bá Nhỡ khao khát được “sóng tơ mình với trúc người” hầu mong tiếng hát có thể khiến Lãnh Út “có dịp đầu thai lại vào đời sống”. Bá Nhỡ - Lãnh Út – đầu Tơ đã hợp thành “tam vị nhất thể” để tạo nên một buổi đàn ca vô tiền khoáng hậu. Bá Nhỡ đã chết để Lãnh Út hồi sinh.

Một năm sau, ấp Mê Thảo mọc lên chùa Đàn, cô Tơ là người coi kinh kệ ở đó, chùa chưa có pho tượng Phật nào, mà sau bát hương là một cây đàn đáy với những nét chính của nhạc khí được tạc chìm vào gỗ mộc.

Bản nguyên của Chùa Đàn mang đậm tinh thần vị nghệ thuật vốn có trong bút pháp của Nguyễn Tuân, nhưng nhờ sự tài tình trong cách khai thác nội dung, trong ngôn từ đa dạng mà nó hòa hợp với cả vị nhân sinh nữa.

Ta thấy được trong tác phẩm khía cạnh nhân sinh với những con người mang trong mình nỗi khổ đau khác nhau, nhưng họ đều tha thiết với nghệ thuật. Lãnh Út khao khát muốn được thưởng thức, Bá Nhỡ bất chấp cái chết để đánh lên một bản đàn mong thức tỉnh cậu Lãnh, còn đầu Tơ thực sự mong được cất tiếng hát sau nhiều năm mà cầu xin vong linh của chồng cho phép được sánh cùng ngón đàn tài hoa của Bá Nhỡ.

Để rồi người đọc cùng hòa vào đêm nhạc tuyệt mỹ mà hồi hộp, đau xót từng hồi cùng với sự chết dần chết mòn của Bá Nhỡ giữa tiếng nhạc, tiếng trúc, tiếng tơ và giọng hát xúc động của đầu Tơ.

 Nhà văn Nguyễn Tuân.
Nhà văn Nguyễn Tuân.)

Bàn đến khía cạnh nghệ thuật của Nguyễn Tuân, nhà biên khảo Nguyễn Mạnh Đăng có viết: “Những đoạn văn như thế, phi Nguyễn Tuân, chắc không ai viết được. Bởi vì trong giới cầm bút, ai sành sỏi được như Nguyễn Tuân về các ngón nghề của hát ả đào, của cây đàn đáy, của chiếc trống chầu…”. Nguyễn Tuân đã đưa toàn bộ kiến thức uyên bác về nghệ thuật hát theo lối ả của mình vào trong tác phẩm khiến nó đậm chất thơ trong từng câu chữ. Ngay cả khi ông điều chỉnh lại kết cấu của tác phẩm thì ba phần Dựng – Tâm sự cùng nước độc – Mưỡu cuối cũng là một ngụ ý của tác giả để thể hiện đúng cấu trúc ba phần của ca trù.

Có ý kiến đánh giá việc thêm hai phần đầu cuối khiến Chùa Đàn mất đi ít nhiều vẻ đẹp tự thân của nó. Tuy nhiên, không thể phủ định đây là một trong những tác phẩm thể hiện hết phong cách văn chương đặc sắc của Nguyễn Tuân.

Xin được kết lại bài viết bằng nhận định của Giáo sư Hoàng Như Mai: “Trong các sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Tuân biểu lộ một tài năng sáng tạo đặc biệt. Mỗi công trình nghệ thuật đều in đậm dấu ấn đỏ chói của ông, không thể lẫn với một ai khác, không một người nào khác mô phỏng được. Với 'Chùa Đàn', tài năng sáng tạo của nhà văn đã vươn tới thượng đỉnh”.

Theo Zing

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin