Chống rửa tiền trong tình hình mới

(Pháp lý) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ công nghệ, các giao dịch tài chính quốc tế ngày càng đa dạng, phức tạp, tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động phòng chống rửa tiền. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật, có những biện pháp tài chính phù hợp để ngăn chặn loại tội phạm này đang đặt ra một cách thiết thực.

 Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn thi hành cần hoàn thiện hơn nữa để đạt được hiệu quả trong cuộc chiến chống rửa tiền.
Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn thi hành cần hoàn thiện hơn nữa để đạt được hiệu quả trong cuộc chiến chống rửa tiền.)

Rửa tiền, tội phạm mang tính toàn cầu

Rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa nguồn gốc các tài sản do phạm tội mà có. Thông qua hành vi rửa tiền, các khoản tiền hoặc tài sản có nguồn gốc từ hành vi vi phạm pháp luật được che giấu nguồn gốc và “biến hóa” thành tiền sạch hay tài sản hợp pháp. Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cộng thêm đặc thù giao dịch tài chính ở nước chủ yếu là tiền mặt và xu hướng công nghệ phát triển như vũ bão, Việt Nam dễ trở thành miền đất hứa cho tội phạm rửa tiền hoạt động. Thực tế, trong những năm gầy đây cho thấy, Việt Nam xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền rất tinh vi.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), mỗi năm có từ 2 đến 5% GDP toàn cầu là tiền được rửa.

Đánh giá về hoạt động rửa tiền, bà Anne Freestone, Tham tán Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP.Hồ Chí Minh, cho rằng, đây là một vấn đề lớn, mang tính toàn cầu và là nhân tố chính thúc đẩy tội phạm có tổ chức và tài trợ cho khủng bố. “Tội phạm rửa tiền thường thu được khối lượng ngân sách khổng lồ từ các hành vi phi pháp như buôn ma túy, buôn người và tham nhũng. Để hưởng lợi từ các hành vi đó, tội phạm thường tìm cách đưa những khoản ngân sách này vào hệ thống tài chính hợp pháp nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của chúng. Bởi vậy, ngăn ngừa việc lạm dụng các hệ thống tài chính trong nước và quốc tế sẽ có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống lại tội phạm này…”. Với thói quen giao dịch tiền mặt, Việt Nam đang là điểm đến của bọn tội phạm rửa tiền quốc tế.

Ở Việt Nam, hoạt động phòng, chống rửa tiền còn gắn liền với cuộc chiến chống tham nhũng. Từ năm 2013 đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố hàng nghìn vụ án thuộc 73 tội danh "tiền thân" của tội rửa tiền theo Luật Phòng, chống rửa tiền.

Tuy nhiên, nhìn chung kết quả thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng cho biết, Nhà nước chỉ thu hồi được 8% có nghĩa là còn 92% chưa thu hồi được. Trong các báo cáo của các cơ quan thi hành án về tài sản liên quan đến chống tham nhũng thì trên 6.000 tỷ nhưng cũng chỉ thu được có 1.100 tỷ, cũng chỉ chiếm khoảng 22%. Ðiều này cho thấy chống rửa tiền đang và sẽ trở thành công cụ quan trọng để chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Tăng năng lực chống rửa tiền không thể tách rời nỗ lực chống tham nhũng

Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ðáng chú ý, Bộ luật Hình sự 2015 còn thiếu những quy định về tội phạm mà trong đó tham nhũng ẩn nấp, như: hành vi làm giàu bất chính, nhận quà biếu có giá trị lớn… Các quy định pháp luật về kê khai, kiểm soát tài sản hiện hành chưa đủ cơ sở làm căn cứ khẳng định tài sản tham nhũng. Việc kê khai tài sản vẫn còn hình thức, kê khai mới chỉ dựa vào sự tự giác, trong khi cơ quan có thẩm quyền chưa chủ động xác minh bản kê khai. Bên cạnh đó, hành vi phạm tội diễn ra trước thời gian điều tra đã lâu, đối tượng phạm tội đã biến hóa hết số tiền bất chính, thủ đoạn che giấu tài sản tinh vi, nhờ người khác đứng tên tài sản do phạm tội mà có, chuyển tiền hoặc tẩu tán ra nước ngoài, gây khó khăn cho việc xác định, thu hồi tài sản. Cách tính tỷ lệ tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng của các cơ quan chức năng chưa thống nhất, dẫn đến việc thống kê, thu hồi tài sản chưa chính xác và đầy đủ.

Trên thực tế, tham ô và tham nhũng thường được biểu hiện qua hành vi nhận tiền hối lộ, quà tặng có giá trị; đồng thời thông qua các thủ đoạn như mua bất động sản, tài sản, chuyển cho người thân, đầu tư kinh doanh, lập doanh nghiệp, góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp hoặc chuyển trái phép ra nước ngoài… để biến đổi các khoản thu nhập nguồn gốc phi pháp thành "tiền sạch".

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hằng năm trên toàn thế giới đã mất khoảng 1.000 tỷ USD thông qua các hoạt động hối lộ, tham nhũng; đồng thời hàng nghìn tỷ USD có nguồn gốc phi pháp được "rửa" qua nhiều kênh. Riêng ở Anh đã có tới hàng trăm tỷ USD được giới tội phạm quốc tế chuyển vào để tẩy rửa thành tiền sạch và tiêu xài. Năm 2017, Hy Lạp đã phá thành công một đường dây rửa tiền trị giá tới bốn tỷ USD bằng Bitcoin.

Theo bà Lancy Langston, cựu công tố viên và chuyên viên của Bộ Tư pháp Mỹ trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, thu hồi và quản lý tài sản thất thoát đã cho biết: quốc gia nào bị coi là không đáp ứng được các cam kết về phòng, chống rửa tiền thì sẽ bị liệt vào "danh sách đen" của FATF (Financial Aciton Task Force on Money Laundering - Ðội đặc nhiệm chống rửa tiền quốc tế, có trụ sở tại Pari - Pháp, thường thực hiện các báo cáo đánh giá năng lực của các quốc gia trong việc ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống rửa tiền) và sẽ bị FATF gửi thông báo, khuyến cáo cho các thể chế tài chính, các ngân hàng đầu tư trên toàn thế giới để các tổ chức này chặt chẽ hơn hoặc có thể từ chối các giao dịch về tài chính liên quan, làm ảnh hưởng tới hình ảnh và sự phát triển của kinh tế - tài chính tới quốc gia đó.

Do đó, tăng năng lực chống rửa tiền, nhất là tiền có nguồn gốc tham ô, tham nhũng là biện pháp không thể tách rời với nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay.

Khó khăn và thách thức

Thông thường, hoạt động rửa tiền thường núp bóng dưới hình thức đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có. Tiền từ các hoạt động rửa tiền sẽ không được sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế, các lĩnh vực kinh doanh đem lại nhiều giá trị gia tăng và tỷ suất sinh lời cao, mà chỉ được đầu tư vào các tài sản mang tính chất che đậy như góp vốn vào các công ty bình phong hoặc mua các loại hàng hóa xa xỉ.

Chống rửa tiền trong tình hình mới gặp nhiều khó khăn, thách thức (ảnh minh họa)
Chống rửa tiền trong tình hình mới gặp nhiều khó khăn, thách thức (ảnh minh họa))

Tiền bẩn có thể được tẩy rửa và sử dụng ngay trong nước mà không cần chuyển vòng vèo ra nước ngoài. Thông thường, đây là quá trình mà số tiền bất hợp pháp được hình thành, được tẩy rửa như được tái đầu tư qua hệ thống tài chính… Tiền bẩn được hình thành trong nước, sau đó được chuyển ra nước ngoài để tẩy rửa trong hệ thống tài chính khác và cuối cùng đem trở lại lưu thông trên thị trường trong nước. Hoạt động rửa tiền có thể thực hiện bằng cách sử dụng thông qua đánh bạc trực tuyến, qua xổ số và cá cược hợp pháp, qua đầu tư chứng khoán… Nguồn tiền bẩn được hình thành ở nước ngoài, được tẩy rửa ở nước đó, hay nước khác và cuối cùng được đầu tư cho các nước đang phát triển.

Với thủ đoạn tinh vi như vậy, cơ quan chức năng đang ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc xác định nguồn tiền, tài sản của các đối tượng phạm tội được rửa để thu hồi. Điều đáng lo là hiện nay, các phương thức rửa tiền sẽ ngày càng trở nên kín kẽ, phức tạp hơn với sự xuất hiện của các loại tiền ảo, các hình thức game đánh bạc trực tuyến…, càng khiến cho khó kiểm soát hoạt động rửa tiền, trong khi các quy định của pháp luật thường không thể theo kịp được với những thay đổi thực tiễn.

Các biện pháp cần thiết

image002Từ tháng 5/2007, Việt Nam đã trở thành thành viên của APG (nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền), đồng thời cam kết thực thi đầy đủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và 9 khuyến nghị về chống tài trợ khủng bố của FATF. Năm 2009, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền theo Quyết định số 470/QÐ-TTg ngày 13-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 18-6-2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền. Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hàn``h động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020 và thành lập Cơ quan Giám sát Ngân hàng (Banking Supervision Agency - BSA) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân công nhiệm vụ giám sát hệ thống ngân hàng cũng như giám sát tất cả các đơn vị kiểm toán được yêu cầu báo cáo về các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Bộ phận này cũng sẽ chịu trách nhiệm đào tạo các ngân hàng về công tác phát hiện và báo cáo những vụ tham nhũng.

Hơn nữa, các biện pháp chống rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng phải thực hiện đồng bộ, nghiêm minh. Ðặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuế, thanh toán qua ngân hàng, hệ thống kê khai tài sản toàn diện và phải được giám sát chặt chẽ; bổ sung những quy định mới về nhận quà biếu có giá trị lớn; về nghĩa vụ chứng minh, quyền và căn cứ xác minh tài sản, thu nhập và xử lý tài sản không minh bạch, không rõ nguồn gốc; và tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; phát triển tình báo, thanh tra tài chính trong việc xác định, phong tỏa và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có...

Để ngăn chặn hoạt động rửa tiền trong thời đại công nghệ số, Ngân hàng nhà nước đang tổng kết việc thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền trong 5 năm qua, tiến tới sửa đổi luật để ngăn chặn các hoạt động rửa tiền.

Những lỗ hổng cần khắc phục là một số chủ thể có hoạt động có thể bị lợi dụng để rửa tiền nhưng chưa được quy định vào đối tượng báo cáo; một số quy định của Luật Phòng chống rửa tiền còn chưa đồng bộ hoặc còn chồng chéo dẫn đến bất cập trong quá trình triển khai. Một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền nhưng chưa có quy định hay như có một số quy định chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế mới về phòng chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể đối với việc triển khai Luật Phòng chống rửa tiền cho từng đối tượng có hoạt động đặc thù trong lĩnh vực: Bất động sản, luật sư, công chứng, kế toán, kiểm toán, các tổ chức phi lợi nhuận...

Một vướng mắc cần khắc phục là việc tuân thủ các quy định phòng chống rửa tiền ngay trong các ngân hàng cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, rất cần sự hướng dẫn cụ thể và giám sát từ phía Ngân hàng nhà nước.

Ở các ngân hàng, phải đặc biệt chú trọng quan tâm, đầu tư về cơ chế chính sách, nhân sự, hệ thống công nghệ thông tin nhằm ngăn chặn các giao dịch liên quan đến rửa tiền, trong đó gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; hướng dẫn chi tiết công tác báo cáo liên quan đến phòng, chống rửa tiền; Xây dựng Quy trình nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng; Hiện đại hóa công tác sàng lọc giao dịch, phát hiện, xử lý giao dịch đáng ngờ và công tác tra soát theo các danh sách liên quan đến cấm vận, trừng phạt; Thường xuyên cập nhật và ban hành các hướng dẫn, cảnh báo, cập nhật các danh sách liên quan đến cấm vận, trừng phạt phục vụ công tác tra soát theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế về phòng, chống rửa tiền; xây dựng đội ngũ chuyên trách về phòng, chống rửa tiền tại từng đơn vị kinh doanh…

Các ngân hàng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định về phòng, chống rửa tiền theo pháp luật Việt Nam và quốc tế; Tăng cường thực hiện các biện pháp nhận biết khách hàng, giám sát nhằm ngăn ngừa tổn thất tài chính, rủi ro liên quan đến uy tín, rủi ro pháp lý liên quan đến phòng, chống rửa tiền; Nỗ lực bảo vệ khách hàng, Ngân hàng và cán bộ, nhân viên không trở thành nạn nhân hoặc vô tình tiếp tay cho hoạt động rửa tiền.

Ở một số nước có hệ thống chống rửa tiền nghiêm khắc và hoàn chỉnh như Mỹ và cộng đồng Châu Âu thì đối tượng hoạt động rửa tiền khá rộng. Ngoài những cá nhân, pháp nhân có hành vi rửa tiền một cách trực tiếp, nhân viên ngân hàng vô ý hay cố ý tiếp tay cho hành vi rửa tiền qua ngân hàng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy, luật Ngân hàng các nước này quy định: Mọi nhân viên ngân hàng khi tiếp nhận các khoản tiền gửi lớn đều phải có nghĩa vụ yêu cầu khách hàng khai báo nguồn gốc tiền, chủ sở hữu thực...phục vụ thông tin phòng chống rửa tiền. Nhân viên nào không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trên, nếu phát hiện ra các khoản tiền bất hợp pháp, cơ quan pháp luật hoàn toàn có thể truy tố họ về một trong các tội rửa tiền vì mất cảnh giác, không thực hiện nghĩa vụ quy định cho dù họ cho rằng, họ không biết đây là tiền có nguồn gốc tội phạm và như vậy, họ cũng bị quy kết tham gia vào quá trình rửa tiền. Đó là những quy định Việt Nam có thể tham khảo.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), mỗi năm có từ 2 đến 5% GDP toàn cầu là tiền được rửa.

Đánh giá về hoạt động rửa tiền, bà Anne Freestone, Tham tán Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP.Hồ Chí Minh, cho rằng, đây là một vấn đề lớn, mang tính toàn cầu và là nhân tố chính thúc đẩy tội phạm có tổ chức và tài trợ cho khủng bố. “Tội phạm rửa tiền thường thu được khối lượng ngân sách khổng lồ từ các hành vi phi pháp như buôn ma túy, buôn người và tham nhũng. Để hưởng lợi từ các hành vi đó, tội phạm thường tìm cách đưa những khoản ngân sách này vào hệ thống tài chính hợp pháp nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của chúng. Bởi vậy, ngăn ngừa việc lạm dụng các hệ thống tài chính trong nước và quốc tế sẽ có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống lại tội phạm này…”. Với thói quen giao dịch tiền mặt, Việt Nam đang là điểm đến của bọn tội phạm rửa tiền quốc tế.

Để hợp thức hóa hàng ngàn tỉ đồng do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương đã dùng nhiều cách rửa tiền khác nhau như đầu tư các dự án, mua bất động sản hoặc góp vốn đầu tư vào công ty…

  MINH KHUÊ

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin