(Pháp lý) - Độ khoảng 20 tháng Chạp, chợ Tết ở quê bắt đầu rộn rịp. Khoảng đất trống, nơi thường ngày họp chợ được cơi rộng ra, các ki ốt được dựng lên nhiều hơn. Thậm chí ven sông, nơi chợ vẫn thường xuyên họp người ta cơi nới làm bè để có chỗ ngồi bán mua. Bây giờ ở quê tôi hầu như xã nào cũng có chợ, thế nhưng mặt hàng vẫn không thể phong phú bằng chợ Lớn. Chợ Lớn cũng đồng nghĩa với quy mô hàng hóa cũng như cách thức mua bán khác hẳn với những chợ nhỏ, lẻ mọc ở mỗi xã.
Đi chợ Tết là phải đi chợ Lớn mới thấy được không khí Tết. Từ những mặt hàng nhỏ lẻ như tăm tre, mớ hành, mớ mùi cho tới những cửa hàng lớn bầy bán thịt trâu, bò hay những hiệu quần áo với cửa kính bóng loáng. Chợ Tết ở quê tất nập người mua kẻ bán. Không khí đón Tết ở quê dường như không chỉ ở góc chợ mà còn lan tỏa khắp thôn ngõ xóm. Nhà nào nhà nấy, dọc hai bên ngõ hong những nia hành, miếng củ cái trắng, miếng cà rốt tỉa hoa cẩn thận. Thậm chí đi dọc con đường băng qua cánh đồng, tiếng người quát trâu tắc họ, tiếng máy cày xình xịch. Không khí gấp gáp. Ai cũng muốn đón cái Tết khi mọi thứ đều tươm tất. Tới nhà nào nhà nấy cũng thấy lá chuối, lá dong bầy biện ra.
Mặt hàng ở chợ quê ngày Tết đa dạng phong phú không kém chợ ở thành phố là bao. Điều đặc biệt làm nên sự khác biệt giữa chợ phố và chợ quê đó là những hình ảnh thân thuộc của người lao động nghèo quần nâu áo gụ là đôi quang gánh, là mớ cau vừa mới hái từ hôm qua, là nải chuối chín ửng với màu sắc tự nhiên…Chẳng ai phải lo lắng, nghi ngờ hoa quả, đồ ăn, thức uống xuất xứ không rõ ràng. Thậm chí ngày nay các tiểu thương ở chợ đã biết kinh doanh hơn, về tận những nơi sản xuất những đồ chưng tết cao cấp như cặp bưởi dáng trái hồ lô, dưa hấu thần tài…
Chợ Tết quê cũng không thể thiếu hoa tươi, cây cảnh, hoa hồng, hoa cúc, rồi thược dược, đào, quất và cả mai vàng… Cũng những hạt hướng dương, kẹo lạc, hoa quả… nhưng có một cái gì đó đặc chất quê. Những con đường đất, những gian chợ nhỏ, người nông dân ra chợ vẫn chân lấm tay bùn. Sản phẩm bán ra lại rẻ nếu so với đi chợ ngoài thành phố. Mua sắm đồ ở chợ quê khiến người ta có cảm giác rất thoải mái và yên tâm hơn.
Chợ Tết luôn là kí ức đẹp đối với tôi ngày còn thơ bé. Năm nào đi chợ tết thể nào mẹ cũng dẫn tôi tới cửa hàng bánh đúc làm một bát thật no khi đó mới đi sắm đồ mới. Giữa ồn ào tiếng người nói xôn xao tôi háo hức cho vào miệng miếng bánh đúc nhân đậu phộng với nước chấm đậm đà. Chắc có lẽ đó là khoảnh khắc tôi thưởng thức một món ăn ngon nhất từ trước tới giờ. Chẳng thế mà, mỗi lần đi chợ Tết về, chưa vội khoe đồ mới tôi đã lót tót sang đám bạn thì thầm “Này nhé, hôm nay ở chợ Tết tớ được ăn bánh đúc”.
Chợ Tết người qua lại đông nghịt. Sau khi đi một vòng chợ ngắm nghía, mua sắm tôi xin mẹ đến góc chợ xem người ta chơi ném cổ chai, bầu cua, bầu cá. Sau mỗi ván chơi có niềm vui của người chiến thắng, có sự thất vọng, mặt ỉu xìu của người thua cuộc. Vẫn biết rằng những trò chơi ấy đánh vào tâm lý những ai nhẹ dạ cả tin, hiếu thắng ham hơn thua nhưng không hiểu sao nó có một sức hút lạ kì đối với những người chơi và người đứng ngoài xem. Thế nhưng với con nít, tuổi thơ ngày ấy, đi chợ tết để được xem, nhìn người khác chơi cũng là một thú vui khó cưỡng.
Nhiều năm đã qua đi nhưng với tôi chợ Tết ở quê không thể phai mờ trong tâm trí. Tuổi thơ gắn bó với gia đình, với bà, với mẹ… Giờ đây, khi đã lớn khôn nhưng mỗi khi Tết đến, xuân về, cái cảm giác nao nao vẫn quay trở lại. Mong ước được trở về với tuổi thơ, lại được đi chợ Tết, mặc dù ngày ấy còn thiếu thốn biết bao…
Cao Văn Quyền