Dù gói tín dụng 250 ngàn tỷ đồng đang được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) qua đại dịch song nhiều ý kiến cho rằng các gói cứu trợ phải được Chính phủ triển khai bằng chính ngân sách quốc gia. Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính - ngân hàng xung quanh vấn đề này.
Ông nhận định như thế nào về những tác động của đại dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong trường hợp dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài?
Tác động của đại dịch đã quá rõ ràng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 3 tháng qua đã giảm xuống chỉ còn 3,82%, thấp hơn nhiều so với năm 2019. Con số này đạt được một phần do trong tháng 1 và tháng 2 nền kinh tế Việt Nam hoạt động tương đối bình thường, chỉ từ tháng 3 tới nay dịch bệnh mới có tác động mạnh nên quý II-2020 tác động sẽ càng ngày càng mạnh vì tại thời điểm này chúng ta vẫn chưa thấy cao điểm của dịch. Có nghĩa rằng chúng ta đang ở trong giai đoạn dịch bệnh tiếp tục hoành hành và tác động rất mạnh đến nền kinh tế Việt Nam.
Những ngành nghề mà dịch bệnh tác động rất mạnh và trực tiếp từ du lịch, giao thông vận tải, hàng không, các cơ sở lưu trú khách sạn, giải trí… cho tới các hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Đến thời điểm này đã có hàng chục ngàn DN ngưng hoạt động và thậm chí là rời khỏi thị trường, kéo theo rất nhiều lao động mất việc làm.
Hồi đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2020, và kịch bản 1 đã không còn phù hợp do dịch chưa được khống chế trong quý I. Vậy theo ông, với kịch bản 2, mục tiêu tăng GDP 6,09% trong năm nay có khả thi?
Theo tôi với tình hình hiện nay thì rất khó để đạt mức tăng trưởng trên. Trước hết, nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào XNK. Như năm 2019 tổng kim ngạch XNK lên tới hơn 500 tỷ USD, trong khi GDP vào khoảng 267 tỷ USD. Nếu chia tỷ lệ kim ngạch XNK cả 2 chiều trên GDP thì kim ngạch XNK gần gấp đôi GDP - cho thấy nền kinh tế Việt Nam một mặt rất mở, gia nhập vào kinh tế thế giới nhưng mặt khác chứng tỏ sự lệ thuộc nhiều vào XNK.
Ở thời điểm hiện tại, cả hai đầu XNK đều chịu ảnh hưởng. Thứ nhất, nhập khẩu chúng ta phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, trong khi đó nước này bị ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19 và mới chỉ hoạt động trở lại gần đây. Thứ hai, với xuất khẩu, chúng ta đang gặp vấn đề về đầu ra tại các thị trường chủ lực là EU, Mỹ - do các nước này đang co cụm lại vì dịch bệnh hoành hành.
Ngoài XNK, nội lực nền kinh tế Việt Nam, cung - cầu cũng đang theo chiều hướng đi xuống do người dân ở nhà tránh dịch, nhà máy hoạt động cầm chừng… Dù hiện tại hàng hóa thiết yếu vẫn tiêu thụ song rất nhiều hàng hóa khác, nhất là hàng xa xỉ phẩm lại giảm cầu ở mức rất thấp. Khi lực cầu yếu thì nguồn cung giảm sút do DN ngưng hoặc giảm hoạt động.
Nếu đến cuối tháng 6 chúng ta kiểm soát, chặn đứng được số người lây nhiễm thì nền kinh tế sẽ dần dần hồi phục vào quý III/2020 song cũng cần 1 năm từ lúc hồi phục cho tới khi nền kinh tế ổn định trở lại. Trong trường hợp đó mục tiêu tăng trưởng GDP 6,09% là không khả thi. Có khả năng mức tăng trưởng sẽ thấp.
Để hỗ trợ DN “tồn tại” trong đại dịch, theo ông những chính sách, hỗ trợ hiện nay của Chính phủ cho DN đã đủ và có hiệu quả? Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, Chính phủ cần có thêm những giải pháp nào cho nền kinh tế giảm bớt suy thoái, thưa ông?
Chính phủ hiện tại có hai gói hỗ trợ: một gói là 285 ngàn tỷ đồng, gồm một phần cho Bộ Tài chính 35 ngàn tỷ để miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế… cho DN, và 250 ngàn tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng giảm lãi, gia hạn nợ… trực tiếp cho DN. Gói thứ hai mới phê duyệt gần đây là gói an sinh xã hội 62 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân mất việc, DN nhỏ.
Theo tôi, với gói đầu 285 ngàn tỷ, thì phần dành cho Bộ Tài chính có lẽ cần nhiều hơn. Riêng phần 250 ngàn tỷ cho ngân hàng dĩ nhiên tốt nhưng hiện rất nhiều DN không thể tiếp cận được vì đây là nguồn vốn của ngân hàng thương mại tự cân đối, không phải ngân sách quốc gia. Thành ra gói này cũng không giúp được gì cho DN đang sống dở chết dở.
Còn gói 62 ngàn tỷ đồng cũng tốt nhưng chưa đủ. Tôi cho rằng Chính phủ phải nâng gói 62 ngàn tỷ lên gói 150 ngàn tỷ, và quan trọng gói này phải từ ngân sách Chính phủ chứ không phải từ các tổ chức kinh tế khác.
Cho tới nay có khoảng 30% DN đang bị tác động rất mạnh, nếu tính rộng ra có thể con số còn lớn hơn rất nhiều. Nên gói hỗ trợ là cần bơm tiền cho DN qua hình thức cho họ vay ân hạn không trả lãi trong vòng 1 năm, sau đó cho họ vay 3 năm nữa với lãi thấp. Vì vấn đề sống còn của họ là thanh khoản, phải có tiền chi trả mặt bằng, lương, cùng nhiều chi phí khác.
Đối với ngành tài chính ngân hàng, việc song hành chia sẻ khó khăn với DN cũng là giải pháp để các ngân hàng tồn tại. Tuy nhiên với các mức giảm lãi phổ biến từ 0,5 - 2%, và giãn nợ của nhiều ngân hàng thực hiện trên thị trường hiện nay theo ông đã đủ “mạnh” để giúp DN đứng vững trong mùa dịch?
Tôi chắc chắn rằng các biện pháp này chưa đủ mạnh vì hiện vẫn có nhiều DN không thể tiếp cận vay vốn. Chính phủ cần áp dụng cơ chế mà mình đang có. Cụ thể là dùng Quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương mà chúng ta đang có để bảo lãnh cho DN vay vốn. Hiện Quỹ này hoạt động phụ thuộc vào tiền ngân sách địa phương nên rất èo uột, cần tái cơ cấu lại để trở thành Quỹ bảo lãnh tín dụng Trung ương và tiền của Ngân sách Trung ương chứ không phải địa phương.
Theo tôi được biết tại Mỹ đã áp dụng hình thức bảo lãnh này để các DN nhỏ vay vốn thông qua chương trình Small Business Administration (SBA). DN nhỏ theo chương trình này quy định là những DN dưới 500 lao động, doanh thu dưới 7,55 triệu USD/năm, lợi nhuận ròng dưới 5 triệu USD, tài sản ròng dưới 15 triệu USD.
Vậy về phía bản thân các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ, họ cần phải có những cải tổ nào để tồn tại và đứng vững khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài, thưa ông?
Đối với DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ thì vấn đề đầu tiên là phải có tính thanh khoản, phải duy trì khả năng chi trả. Ở đây là trả tiền cho người lao động, thuê mặt bằng, nhà cung cấp để duy trì hoạt động… họ mà mất thanh khoản thì sẽ phá sản ngay. Việc ưu tiên hàng đầu của DN là phải duy trì tính thanh khoản, duy trì lực lượng lao động. Việc duy trì thanh khoản có thể qua tiếp cận các hỗ trợ của Chính phủ còn duy trì lao động qua chính sách cho nghỉ từng phần hoặc luân phiên nhau làm việc. Vì nếu DN không giữ chân lao động, để họ về quê thì lúc DN cần sẽ rất khó để có thể tìm được lao động.
Xin cảm ơn ông!
Theo congthuong.vn
Nguồn bài viết: https://congthuong.vn/chinh-phu-can-nang-goi-ho-tro-doanh-nghiep-bang-chinh-ngan-sach-quoc-gia-135806.html