Trưởng ban Tổ chức TW Triệu Lạc Tế chính thức thay thế Vương Kỳ Sơn để tiếp tục chiến dịch "Đả hổ, Diệt ruồi". Ông Triệu cũng là thành viên trẻ nhất của Thường vụ Bộ Chính trị.
Ông Vương Kỳ Sơn, Trưởng ban Kiểm tra Kỷ luật TW đảng Cộng sản Trung Quốc, không có mặt trong TW đảng khóa 19. Ông Vương, 69 tuổi, đã kết thúc sự nghiệp chính trị ở vị trí người đứng đầu một ủy ban đầy quyền lực và gây ảnh hưởng sâu rộng đến chính trường Trung Quốc vài năm qua.
Chiến dịch "Đả hổ, Diệt ruồi, Săn cáo" của ông Vương đã khiến khoảng 1,3 triệu đảng viên bị kỷ luật hoặc điều tra vì tham nhũng hay các sai phạm khác. Tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng này cũng là một phần bổ sung trong điều lệ đảng được Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc phê chuẩn hôm 24/10.
Global Times cho biết ngày 25/10, Trưởng ban Tổ chức TW Triệu Lạc Tế, 60 tuổi, đã được bổ nhiệm thay ông Vương đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật (CCDI) và tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng "Đả hổ, Diệt ruồi".
Ông Triệu sinh năm 1957 tại Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải. Thuở còn trẻ, ông nằm trong trong lứa sinh viên đầu tiên được nhận vào Đại học Bắc Kinh danh giá sau Cách mạng Văn hóa. Ông tốt nghiệp ngành Triết ở Đại học Bắc Kinh và bắt đầu sự nghiệp ở tỉnh quê nhà Thanh Hải và rồi tham gia chính quyền vào năm 1993.
Ông trở thành tỉnh trưởng Thanh Hải vào năm 1999 ở tuổi 42 và bắt đầu giữ chức bí thư Tỉnh ủy Thanh Hải từ năm 2003. Ở cả 2 lần được bổ nhiệm này, ông Triệu đều trở thành người trẻ nhất nước nắm giữ các vị trí trên.
Năm 2007, ông chuyển đến tỉnh Thiểm Tây, quê hương của cha mẹ mình. Tương tự Chủ tịch Tập Cận Bình, ông thuộc nhóm chính trị gia có mối liên hệ cả về sự nghiệp, cả về cá nhân đối với tỉnh tây bắc Thiểm Tây. Reuters cho biết ông Triệu nói giọng Thiểm Tây rất dễ nhận.
Ông giữ chức bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây trong giai đoạn 2007 - 2012 trước khi chuyển đến Bắc Kinh để làm trưởng ban Tổ chức TW.
Trong hàng ngũ lãnh đạo mới ở Thường vụ Bộ Chính trị, ông Triệu là người trẻ tuổi nhất và đã thăng tiến nhanh chóng trong suốt sự nghiệp của mình. Dù vậy, South China Morning Post nhận định so với ông Vương, thành tích của ông Triệu trước khi đảm nhận vị trí lãnh đạo CCDI có phần mờ nhạt hơn.
Ông Vương là nhà kỹ trị được kính trọng, từng là Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương và giúp lèo lái quá trình Trung Quốc phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sau đó, ông xây dựng CCDI trở thành cơ quan giám sát đầy quyền lực, có đủ khả năng nhắm vào những quan chức cao cấp như Chu Vĩnh Khang hay Bạc Hy Lai.
'Vương có động, Triệu có việc'
Ở vị trí cũ tại Ban Tổ chức TW, ông Triệu đã giám sát việc bổ nhiệm hàng nghìn vị trí cao cấp trong đảng, chính quyền, quân đội, các công ty nhà nước và những cơ quan quan trọng. Cũng trong vị trí này, ông Triệu đã làm việc gần gũi với Vương Kỳ Sơn, người ông vừa kế nhiệm.
"Mỗi lần Kỳ Sơn có động thái gì, Triệu Lạc Tế lại bận rộn", Nhân Dân Nhật báo miêu tả trong một bài báo năm 2014, ám chỉ công tác sắp xếp nhân sự thay thế những quan chức "ngã ngựa" vì cáo buộc tham nhũng.
Ông Triệu là người thân cận với Chủ tịch Tập. Hồi tháng 5, ông đã xuất hiện để công bố quyết định của ông Tập nhằm bổ nhiệm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ. Vào tháng 7, sau khi bí thư Thành ủy Trùng Khánh lúc đó là Tôn Chính Tài bị kỷ luật, ông Triệu đã đến đây để giới thiệu người thay thế ông Tôn là Trần Mẫn Nhĩ.
Damien Ma, Phó giám đốc tại Viện Paulson, một viện nghiên cứu chính sách của Mỹ, nhận định với Reuters rằng chiến dịch "Đả hổ, Diệt ruồi" sắp tới sẽ có chuyển biến so với dưới thời ông Vương. "Công việc của ông Triệu sẽ ít hướng vào việc hạ hổ, đập ruồi mà chú trọng việc thể chế hóa hệ thống chống tham nhũng và đưa cơ chế của CCDI áp dụng ở tất cả các cấp", Ma nói.
Trong bài phát biểu trước báo giới sau khi công bố nhân sự Thường vụ Bộ Chính trị mới, Chủ tịch Tập nói rằng cuộc chiến chống tham nhũng trong hàng ngũ đảng, được viết vào điều lệ, là một "hành trình không có điểm cuối".
"Không thể có con virus nào trong hàng ngũ đảng", ông nói.
Theo Zing