Cảnh Dương là một làng chài hùng mạnh có tiếng của xứ miền Trung thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ngư dân ở đây có truyền thống đánh bắt vùng lộng gần bờ và vươn khơi xa bờ. Nghề chính của họ là câu những con cá hố xuất khẩu, đến mùa cập bến sông Loan, đi qua làng thấy tấp nập trên bến dưới thuyền, người người san sát thu mua, nhộn nhịp đầy sức sống.
Kinh tế biển mỗi năm đưa lại cho Cảnh Dương không dưới 200 tỉ đồng, đấy là chưa kể các dịch vụ hậu cần liên quan như cung cấp đá, nhiên liệu, thức ăn cho người đi biển, dịch vụ phục vụ hàng quán, giải trí cho thuyền viên cập bờ... Bởi thế mà nhà cửa ở đây san sát, chật bưng hơn phố. Hoạt động đánh bắt cá của làng biển xã Cảnh Dương chuyên nghiệp từng công đoạn. Bên trong địa phương này có hàng chục công ty và cơ sở thu mua thủy hải sản đông lạnh có kho đông rộng lớn, quy cũ, tiêu chuẩn để xuất đi các thị trường Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Ngoài cá hố, các loài đặc sản xa bờ ở Hoàng Sa, Trường Sa là sở trường của ngư dân Cảnh Dương. Làng biển này vốn có lịch sử lập làng gần 400 năm. Trong dân gian tinh hoa vùng Quảng Bình có một câu nói về những làng nổi bật khoa bảng, học vấn, hào hoa, giỏi giang, chữ nghĩa, hào sảng... "Văn Võ Cổ Kim, Sơn Hà Cảnh Thổ" thì Cảnh Dương từ xưa được vinh hạnh đứng vào bát danh hương như thế.
Từ ngày mới khai canh, các dòng họ đã nhờ cào con cá Biển Đông mà cho con cái học hành đỗ đạt, thành tài, ra đời giúp ích qua không ít triều đại với công lao hiển hách. Nếu ai từng nghe Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân, Cảnh Dương được vinh hạnh nêu với một niềm tự hào lộng lẫy: "Có ai về Cảnh Dương quê tôi đứng nơi đầu sóng gió/ Truyền thống đánh giặc giữ làng mãi mãi còn đây/ Dòng sông Giang (Khoan khoan hò khoan)/ với hàng dương (Khoan khoan hò khoan)/ Đời đời hát ca tên anh, những người anh hùng (Khoan khoan hò khoan)".
Cảnh Dương có diện tích chỉ 1,5km2 nhưng ý chí làm ăn của người dân ở đây là trên hàng triệu cây số vuông vùng biển của đất nước Việt Nam. Chí khí con người ở đây cống hiến cho đất nước nhiều nhân sự ngành hàng hải thượng hạng và cũng không ít con người đi ra từ con tôm, con cá đã thành danh mà vẫn rất khiêm tốn. Họ ứng xử với biển không phải cách lấy đi từ biển cả tất thảy mà bằng nhân cách truyền đời, kính trọng biển, tôn trọng biển, tương kính biển. Ở mảnh làng có ít quỹ đất này, họ dành hẳn một khu đẹp, thuận tiện để làm nghĩa trang các loài cá lớn, trong đó chôn cất các loài cá voi chết trôi dạt vào bờ mấy trăm năm lập làng.
Đàn ông con trai làng biển Cảnh Dương hiền từ mà cứng rắn, hào hoa mà mạnh mẽ. Nhiều người trong các thế hệ lập làng thông minh dĩnh ngộ, nuôi chí giúp ích xã hội được trọng vọng bởi các triều đại mà lịch sử của làng đã từng ghi công. Con gái Cảnh Dương đảm đang, tháo vát. Những cậu cử trong vùng quanh Cảnh Dương xưa muốn theo nghiệp đèn sách đều truyền tụng rằng, gái Cảnh Dương lấy về làm vợ cả đời không lo cơm áo. Nữ nhi ở làng biển này đảm đang, tháo vát, từ nhỏ đã biết buôn bán, lo việc để đàn ông đi biển, ai đòi nghiệp chữ thì sẵn lòng cáng đáng mọi sự mưu sinh. Họ không chỉ tháo vát buôn bán mà con gái Cảnh Dương còn nức tiếng đẹp và thông minh của xứ Quảng Trạch.
Người Cảnh Dương không chỉ nuôi con bằng cá tôm Biển Đông mà còn dạy giỗ con cái họ với gia tài tinh thần dân ca riêng biệt mà khó có một làng biển nào có thể có vốn quý này. Đấy là điệu hát tự ru mình mà chúng tôi tạm đặt như thế và ngư dân ở đây cũng chấp nhận như thế. Đi biển lâu ngày, họ sáng tác ra điệu hát tự ru mình, ru bạn, ru cả người mình yêu ở nhà. Ai đã từng nghe một lần sẽ thấy rất lạ, nhưng nghe lần nữa sẽ hiểu, nghe thêm lần nữa sẽ biết vì sao họ yêu cái điệu hát hò của họ bên bờ Biển Đông.
Ấy là điệu hát hò hẻ hò he, bôồng bôổng bôồng bôồng mà bạn chỉ cần gõ trên Google hoặc Youtube sẽ ra tiếng hát của những nghệ nhân làng:
Một mình anh chống liền chèo
Lấy ai tát nước sang lèo cho anh
Lấy anh thấy đói đừng lo
Lấy anh tát nước miệng hò kéo neo
Bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò he
Ra đi thì khổ mình ta
Ở nhà thì đói cả bà liền con
Ra đi thì sợ lỗ mồi
Ở nhà thì lại đứng ngồi không yên
Bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò he.
Bền bỉ 370 năm qua, một lễ tục được người làng nhất tề gìn giữ, nhất tề bảo lưu, nhất tề thực hiện, nhất tề chiêm bái, nhất tề kính trọng là tục xin lửa. Một lễ hội được tổ chức vào đêm 30 tháng Chạp đến qua thời khắc giao thừa. Người Cảnh Dương ngày xưa lênh đên trên biển, theo luồng cá tôm, giữ lửa trên thuyền rất khó nên bậc khai canh lập làng tụ họp lại, lấy mốc đêm giao thừa làm lễ chia lửa cho các thuyền chài hành nghề sông nước. Từ ngày đó đến nay, việc chia lửa, chia may mắn, chia lương thiện, chia ấm cúng chưa bao giờ bị đình trệ cho dù bom đạn tàu bay chiến tranh có gầm rú ác nghiệt.
Những bậc cao niên ở Cảnh Dương tiết lộ, bắt đầu từ ngày rằm tháng Chạp, ban tế tổ đình hội lại, cắt cử 12 thanh niên lực lưỡng trong các dòng họ lên núi Phượng hay ra Đèo Ngang kiếm củi chắc về hong phơi trước sân đình. Tối giao thừa, ngư dân trong làng khi xong việc, bếp lửa các gia đình đồng loạt tắt, đèn dầu đồng loạt tắt, mọi người từ các ngõ túa ra đường làng, dồn về sân đình, mỗi nhà mang theo nồi đất, bát đất, bùi nhùi, hay bất cứ thứ gì có thể bén lửa và giữ được lửa. Một người già có uy tín nhất làng được chọn, khăn đóng áo dài khú núm đọc tế văn về công tích tiên tổ, về thần Biển Đông, về tứ phương hiển linh được làm lễ chia lửa. Đêm đó, các thanh niên được chọn đưa củi ra sắp đống để làm lễ. 23h đêm, tiếng trống vọng ra từ đình làng ba hồi, cụ già chủ lễ cầm bó hương to vào trang thờ tổ tiên xin lửa từ lư trầm đang cháy. Lửa bén, cụ lạy xin và bước ra đống củi lớn, châm đốt. Lửa cháy rừng rực trong ánh rét, ấy là điềm may mắn của một năm đi khơi vào lộng bội thu, được mùa. Lúc đó mọi người vỗ tay hò reo, có người hát ru điệu: “Bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò he”. Lửa cháy, mỗi người đến lấy bùi nhùi châm, đưa lửa về nhà thắp lên trang thờ gia đình, thắp lên bếp núc nấu nướng ba ngày Tết, thắp lên hy vọng sống cho năm mới mùa vụ tốt tươi, yêu thương, đoàn kết.
Nhiều người nán lại chờ lửa đượm thành than, họ đến giữa sân đình vái lạy, xin từng cục than đang đỏ nồng bỏ vào bát đất, nồi đất rồi ra về. Làng cát trong đêm thời khắc giao thừa, người về các ngã, ánh lên lửa than, bùi nhùi như những vì sao sa. Ai cũng nói cười, ai cũng chúc nhau được mồi lửa thiêng liêng của làng. Bởi từ mấy trăm năm trước, khi biển lắm bất trắc, nhà cửa xiêu vẹo, thì ánh lửa từ sân đình là ánh lửa sưởi ấm, ánh lửa chia khó, ánh lửa cưu mang, ánh lửa hy vọng về tương lai tốt hơn. Ngày nay đó là ánh lửa keo sơn, ánh lửa đoàn kết, ánh lửa hy vọng cho những con tàu vươn khơi biển xa được an toàn, được đánh bắt đủ đầy để mọi người xây dựng quê hương Cảnh Dương giàu có thêm. Vậy mà nay cá chết chát, vòm họng ngư dân đớn đau không thể trả lời được câu hỏi nào.
Theo Motthegioi