Cảnh báo về hoạt động lừa đảo mua vắc xin COVID-19 quy mô hàng chục triệu USD

Lev Kubiak, giám đốc an ninh của Pfizer, cho biết đã nhận được thông tin về ít nhất 86 lời chào bán lừa đảo gửi đến chính quyền tại 45 quốc gia liên quan đến vắc xin COVID-19.

5-1629080686.jpeg
 

Nhiều tổ chức tội phạm và các cá nhân tuyên bố có khả năng tiếp cận với nguồn vắc xin COVID-19 hiện đang liên lạc với quan chức chính quyền nhiều nước đang phát triển với âm mưu lừa đảo hàng triệu USD, theo tài liệu của WSJ có được.

Những nhóm lừa đảo ký hợp đồng mua vắc xin COVID-19 cho đến nay đã liên lạc với chính phủ nhiều nước trong đó có bao gồm Hà Lan, Latvia, Pháp, Israel, cộng hòa Séc, Áo, Argentina, Colombia, Brazil, Canada và Tây Ban Nha.

Chính phủ các nước này đã được chào bán vắc xin của Pfizer và BioNTech,  Johnson & Johnson và AstraZeneca, theo nhiều nguồn tin mà Wall Street Journal có được. Chính phủ nhiều nước thực tế đã bị qua mặt, họ tham gia đàm phán nhiều hợp đồng chi tiết sau đó hủy đối thoại khi nhận ra rằng họ đã bị lừa.

Về phía chính phủ, nữ phát ngôn viên cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết chính phủ nước này không đàm phán trực tiếp với các bên phân phối vắc xin mà liên kết thông qua Ủy ban châu Âu (EC). Phía văn phòng Tổng thống Brazil trong khi đó cho biết Brazil không mua vắc xin COVID-19 cung cấp bởi các bên môi giới dù rằng có đối thoại với các nhóm này. Còn đại diện của Latvia chia sẻ họ mua vắc xin COVID-19 thông qua Ủy ban châu Âu (EC) và các nhà sản xuất vắc xin Covid-19.

Còn theo phát ngôn viên của chính phủ Áo, chính phủ Áo đã nhận được nhiều đề nghị cung cấp nhưng sau quá trình kiểm tra, họ đã phát hiện ra âm mưu lừa đảo và họ đã buộc phải báo cảnh sát. Giới chức Colombia cũng đã nhận cũng đã nhận được nhiều đề nghị cung cấp vắc xin và rồi phát hiện ra lừa đảo khi giới chức buộc họ phải chứng minh họ có thể làm việc được trực tiếp với các hãng dược phẩm. Giới chức Argentina cũng cho biết rằng giờ đây họ chỉ làm việc trực tiếp với các hãng vắc xin.

Các thanh tra viên tại Bộ Nội an Mỹ đã phát hiện được từ 50 đến 75 nhóm lừa đảo chuyên nhắm đến chính phủ các nước đang khao khát cần nguồn cung vắc xin COVID-19.

Hiện chưa rõ liệu các băng nhóm lừa đảo đã thành công lần nào, tuy nhiên hoạt động này được tin rằng đang diễn ra phổ biến tại các nước đang phát triển nơi nguồn cung vắc xin COVID-19 đang rất hạn chế. Chính phủ nhiều nước hiện đang hoàn tất dần dần các cuộc điều tra liên quan đến âm mưu lừa đảo vắc xin Covid-19, theo Pfizer và quan chức chính phủ nhiều nước.

Chính phủ nhiều nước đang tuyệt vọng tìm kiếm nguồn cung vắc xin COVID-19 bởi nguồn cung hạn chế. Các quan chức thực thi luật pháp quốc tế và chuyên gia an ninh cho biết  họ đang lo ngại do tình trạng nguồn cung vắc xin Covid-19 tại nhiều nước quá hạn chế, chính phủ nhiều nước có thể ký kết những hợp đồng ma dẫn đến thiệt hại tài chính nặng nề.

Trong những ngày tới, tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol dự kiến sẽ cảnh báo các chính phủ trên toàn thế giới về âm mưu lừa đảo ký kết các hợp đồng mua vắc xin COVID-19, đồng thời họ cũng hy vọng sẽ có thể có thêm được thông tin phục vụ cho các cuộc điều tra tiếp theo.

Các hãng vắc xin COVID-19 cho biết họ chỉ bán vắc xin trực tiếp cho chính phủ các nước, chính vì vậy sẽ không có bên trung gian nào cả. Chính phủ các nước EU và cả chính quyền địa phương hoặc khu vực không thể mua vắc xin trực tiếp từ bất kỳ nhà cung cấp nào mà phải thông qua khuôn khổ giám sát chung.

Lev Kubiak, giám đốc an ninh của Pfizer, cho biết đã nhận được thông tin về ít nhất 86 lời chào bán lừa đảo gửi đến chính quyền tại 45 quốc gia liên quan đến vắc xin COVID-19.

Ông Kubiak tuyên bố công ty chia sẻ thông tin về các vụ lừa đảo mà họ thu thập được với cảnh sát và chính phủ liên bang, cùng với các nhà sản xuất vắc xin khác. "Chúng tôi lo lắng rằng cuối cùng, dù là vì lý do gì đi chăng nữa, một số chính phủ có thể bị lừa dối", ông cho biết.

Một đại diện của Johnson &Johnson hồi tháng 4 cũng từng cho biết về các vụ lừa đảo ký hợp đồng mua vắc xin, đồng thời tuyên bố rằng không có doanh nghiệp cá nhân nào được công nhận để tiếp thị hoặc phân phối vắc xin ngoài nhà sản xuất.

Theo cafebiz.vn

Nguồn bài viết: https://cafebiz.vn/canh-bao-ve-hoat-dong-lua-dao-mua-vac-xin-covid-19-quy-mo-hang-chuc-trieu-usd-20210815132528937.chn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin