Cảnh báo diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy tổng hợp

(Pháp lý) - Thay vì chỉ mua đi bán lại các chất ma túy có sẵn trên “thị trường”, tội phạm ma túy ngày càng có xu hướng tự điều chế, sản xuất ma túy để đem bán thu lợi nhuận khổng lồ và ma túy tổng hợp chính là lựa chọn hàng đầu của các đường dây này.

Đáng chú ý, ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng là mối nguy hại cấp bách không chỉ với giới trẻ mà với toàn xã hội. Thời gian qua, nhiều đường dây sản xuất, mua bán ma túy tổng hợp bị lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá; nhiều loại ma túy tổng hợp mới xuất hiện dưới các dạng kỳ lạ, khó nhận biết… cho thấy diễn biến phức tạp và đáng lo ngại của loại tội phạm này.

Ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng và biến tấu

Ở nước ta, heroin là loại ma túy chủ yếu trong các vụ mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, số vụ và lượng ma túy tổng hợp (chủ yếu là ma túy đá) bị phát hiện, bắt giữ gia tăng nhanh chóng.

Theo thông tin từ C47, trong vòng 20 năm (1997 – 2017), lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phát hiện, triệt phá trên 172.000 chuyên án, bắt giữ trên 283.000 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó khối lượng ma túy tổng hợp thu giữ được là 1.044 kg, hơn 1 triệu viên thuốc tân dược gây nghiện và 1,7 triệu viên ma túy tổng hợp. Điều đáng nói là loại ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng mạnh qua các năm. Ví dụ như năm 2016, số lượng ma túy tổng hợp mà Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy thu giữ được tăng 34% so với năm 2015, trong đó chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy đã thu giữ gần 420 kg và 150.000 viên ma túy tổng hợp năm – tăng 130 kg so với cùng kỳ năm 2015.

Ma túy tổng hợp ngày càng biến tướng dưới nhiều dạng khác nhau
Ma túy tổng hợp ngày càng biến tướng dưới nhiều dạng khác nhau)

Đại tá Nguyễn Địch Nam, Phó Cục trưởng C47 cho biết tình hình mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp nhất là ma túy tổng hợp dạng “đá” đang diễn biến ngày càng phức tạp và vẫn tiếp tục gia tăng, đối tượng sử dụng chủ yếu là thanh thiếu niên. Thế nhưng, không chỉ dành cho các “dân chơi” ở thành phố, “hàng đá” đã tràn về các vùng nông thôn, len lỏi vào các ngõ ngách của làng quê, trở thành nỗi lo lắng, “gặm nhấm” cuộc sống yên bình sau lũy tre làng.

Trào lưu “đập đá” - tiếng lóng chỉ việc sử dụng loại ma túy tổng hợp cực mạnh - đang là cơn lốc ngầm khủng khiếp tàn phá một bộ phận giới trẻ các đô thị , nó luôn gắn liền với các cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, kể cả sinh viên, trong đó độ tuổi của những người sử dụng có xu hướng trẻ hóa, cá biệt có cả học sinh cấp cơ sở. Qua thực tế và số liệu nghiên cứu cho thấy có tới 72% người sử dụng ma túy tổng hợp là giới trẻ ở độ tuổi 18-30 tuổi, độ tuổi trên 30 chiếm 26%, riêng độ tuổi dưới 18 ở mức 2% nhưng có xu hướng gia tăng. “Đá” đã tràn vào các vũ trường và quán bar ở các đô thị như Thành phố Hồ chí Minh, Hà Nội v..v. “Đá” như là một sự “sành điệu có lựa chọn” của những tay chơi khi đã quá chán heroin hoặc đã quá quen với thuốc lắc.

Ngoài ma túy đá, hiện nay đang nổi lên những loại ma túy tổng hợp mới như “cỏ Mỹ” “lá Khat”… đây là những chất ma túy nguy hiểm vì độc hơn ma túy thông thường nhiều lần. Bên cạnh đó, còn các dạng ma túy tổng hợp biến tấu như “bóng cười”, “Shisha”, “tem”…cũng được giới trẻ rất “ưa thích” nhưng không nhận thức đúng về tác hại của nó.

Sự xuất hiện của ma túy tổng hợp đặc biệt là ma túy đá đồng nghĩa với việc số ca nhập viện điều trị rối loạn hệ thần kinh do ảo giác gây ra tại các bệnh viện chuyên khoa tăng lên một cách đáng kể trong khoảng thời gian ngắn. Sử dụng ma túy đá có độ tàn phá hệ thống thần kinh, huỷ hoại não bộ gấp nhiều lần so với thuốc lắc.

Đại tá Nguyễn Địch Nam cho biết, trong khi khoảng 70% người nghiện vẫn sử dụng heroin tại nhiều địa phương lại có đến 85-90% số người mới nghiện chỉ sử dụng các loại ma túy tổng hợp. Số người sử dụng các loại ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện và các loại ma túy mới có xu hướng gia tăng; tình hình mua bán, vận chuyển ma túy (đặc biệt là ma túy tổng hợp) với quy mô ngày càng lớn, minh chứng cho hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp trong nước có những diễn biến phức tạp.

Quy mô ngày càng “khủng” của những “tập đoàn” sản xuất ma túy tổng hợp

Theo số liệu của TANDTC thì từ 1/10/2009 đến 30/9/2016, ngành Tòa án đã thụ lý 50 vụ án sản xuất trái phép các chất ma túy với 109 bị cáo. Mới đây, báo cáo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy (C47, Bộ Công an) ghi nhận chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng công an toàn quốc phát hiện, bắt giữ 26 vụ sản xuất trái phép các chất ma túy. Cảnh sát thu giữ tang vật đều là ma túy dạng đá. Điều này cho thấy diễn biến ngày càng phức tạp của tội phạm sản xuất trái phép các chất ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp. Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, thuộc Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an) cho biết: Các vụ sản xuất trái phép ma túy tổng hợp không chỉ gia tăng về số lượng mà còn có “bước tiến” đáng sợ cả về quy mô sản xuất. Tính từ năm 2009 đến nay thì hai vụ sau đây được xem là có quy mô lớn nhất về sản xuất ma túy tổng hợp:

Gần đây nhất “tập đoàn” sản xuất ma túy đá do Văn Kính Dương (tên giả là Trần Ngọc Hiếu hay Hoàng “béo”, SN 1981, ngụ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cầm đầu bị triệt phá bởi Công an TP. Hồ Chí Minh vào tháng 6/2017 được lực lượng công an xác nhận là vụ sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất cả nước từ trước tới nay. Theo đó lực lượng công an đã thu giữ hơn 520.000 viên thuốc lắc, 120 kg bột thuốc lắc, ma túy đá chưa thành phẩm (tương ứng hơn 1 triệu viên thuốc lắc, ước tính trị giá khoảng hơn 200 tỷ đồng) và 2,5 tấn tiền chất và hóa chất để sản xuất ma túy tổng hợp. Hơn 10 tỷ đồng, 7 ôtô (trong đó có nhiều siêu xe trị giá hàng chục tỷ đồng), nhiều máy móc, bất động sản tại TP HCM, Nha Trang... được cho liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật cũng đã bị niêm phong. Tổng cộng 15 đối tượng có liên quan đã bị bắt giữ.

Văn Kính Dương (ngoài cùng bên phải hàng trên cùng) và đường dây sản xuất ma túy tổng hợp
Văn Kính Dương (ngoài cùng bên phải hàng trên cùng) và đường dây sản xuất ma túy tổng hợp)

Theo Ban chuyên án, một trong những thành phần quan trọng để sản xuất ma túy tổng hợp chính là methylamine dưới dạng thể lỏng. Loại hóa chất này được các “chân rết” trong đường dây của Hiếu nhập lậu từ các tỉnh biên giới phía Bắc về Hà Nội. Tại Hà Nội, Nguyễn Bá Thành (SN 1974, ngụ tại Hà Nội, là anh họ Hiếu) chịu trách nhiệm tập hợp và chuyển vào các xưởng sản xuất tại TP.HCM, Đồng Nai, Khánh Hòa bằng xe tải. Các loại hóa chất cần thiết khác (acetone, methanol) thì băng của Hiếu mua trên thị trường trôi nổi, trong đó có khu vực chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM).

Sau khi có hóa chất và tiền chất để sản xuất ma túy, Hiếu giao cho “cánh tay đắc lực” là gã anh họ Nguyễn Đức Kỳ Nam (SN 1968, ngụ Hà Nội), vốn là kỹ sư cơ khí, trực tiếp điều chế ma túy dưới dạng bột thuốc lắc. Sau khi ma túy được sản xuất bằng dạng bột, Lê Văn Mang (SN 1987, ngụ Cà Mau) được giao nhiệm vụ vận chuyển về các xưởng để tẩy sạch, sấy khô. Sau đó, Mang chuyển cho Phạm Bảo Quân (SN 1983, ngụ Hà Nội) dập thành từng viên thuốc lắc và đóng gói dưới dạng những gói cà phê có trọng lượng 1 kg. Cuối cùng những “gói cà phê” này được giao cho Hiếu và người tình Vũ Hoàng Anh Ngọc (hay còn gọi là Miu, SN 1994, ngụ quận 3 - TP HCM) cất giữ chờ tiêu thụ.

Với hơn 13 xưởng sản xuất ma tuý tại TP. HCM, Nha Trang, Đồng Nai, Hà Nội… được bố trí ở những nơi vắng vẻ, ít người lui tới, từ đầu năm 2016 đến khi bị bắt, “tập đoàn” của Văn Kính Dương đã cho “ra lò” 4 mẻ ma túy - 300 kg thuốc lắc (mỗi kg khoảng 5.000 viên).

Ngày 13/6, VKSND TP HCM đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với 8 đối tượng trong đường dây ma túy nói trên.

Tính từ năm 2012 đến nay thì vụ Văn Kính Dương được xem là vụ sản xuất trái phép các chất ma túy có quy mô lớn nhất cả nước. Nhưng trước đó, vị trí này thuộc về vụ án “gia đình” sản xuất ma túy của Lục Gia Khánh do Công an tỉnh Long An triệt phá vào tháng 5/2012.

Đường dây sản xuất ma túy này có 17 người tham gia trong đó cầm đầu là Lục Gia Khánh (SN 1987, ngụ TP.HCM), các “mắt xích” quan trọng bao gồm Lục Gia Quy (em ruột Khánh), Sầm Anh Thư (vợ Khánh), A Thị (mẹ Khánh) và nhiều người thân khác trong gia đình Khánh.

Theo nội dung vụ án, chỉ 11 tháng (từ tháng 7/2011 đến 5/2012) Khánh và đồng bọn đã sản xuất được hơn 100 kg ma túy đá từ hơn 400 thùng thuốc tây, bán và thu về 116 tỷ đồng. Vào tháng 5/2012, Khánh cùng 4 người trong gia đình bị bắt khi tổ chức sản xuất ma túy đá tại căn biệt thự ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Hơn một năm sau, Khánh bị TAND tỉnh Long An tuyên tử hình về tội sản xuất trái phép chất ma túy. TAND Tối cao sau đó xử phúc thẩm giữ nguyên mức án. Các bị cáo còn lại trong đường dây của Khánh cũng chịu các mức án tù chung thân, 20 năm tù, 18 năm tù…về tội danh tương tự.

Các thùng chứa tiền chất, hóa chất để sản xuất ma túy tại xưởng của Văn Kính Dương
Các thùng chứa tiền chất, hóa chất để sản xuất ma túy tại xưởng của Văn Kính Dương)

Với hy vọng “lấy công chuộc tội”, sau phiên sơ thẩm Khánh khai nhận thêm trước đó đã cùng đồng phạm điều hành đường dây sản xuất ma túy khác ở TP.HCM.

Từ lời khai này của Khánh, một chuyên án liên quan đến Phạm Đức Lộc đã được Công an TP. HCM mở ra và triệt phá. Ngày 1/3/2016, vụ án Phạm Đức Lộc được đưa ra xét xử sơ thẩm, TAND TP HCM đã tuyên phạt Lục Gia Khánh (29 tuổi) 15 năm tù về tội Sản xuất trái phép chất ma túy. Tổng hợp với bản án tử hình trước đó của TAND tỉnh Long An về cùng tội danh, Khánh chịu hình phạt chung là tử hình.

Là người cầm đầu, Phạm Đức Lộc (58 tuổi, quê Hà Nội) nhận 22 năm tù về các tội sản xuất; tàng trữ trái phép chất ma túy. Bốn bị cáo khác nhận từ 7 đến 30 năm về các tội sản xuất, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Trương Ngọc Dương bị tuyên 20 năm tù, cộng với mức án 9 năm tù của vụ án trước, tổng cộng Dương lãnh 29 năm tù. Một số bị cáo khác lĩnh án 7 năm tù, 8 năm tù…

Qua một số vụ án cụ thể trên, cùng các con số thống kê về tình hình tội phạm ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng, có thể thấy rằng dường như việc tự sản xuất ma túy tổng hợp để đem bán không là vấn đề quá khó khăn đối với những kẻ muốn làm giàu nhanh chóng khi mà việc mua bán các tiền chất hóa học lại dễ dàng đến thế. Từ đây, nhiều vấn đề được đặt ra: việc quản lý các tiền chất hóa học hiện nay đang được các cơ quan chức năng thực hiện ra sao mà những kẻ phạm tội lại dễ dàng có được để sản xuất ma túy với số lượng lớn như vậy? Ngoài ra, còn có bất cập nào về mặt pháp luật gây khó khăn cho công tác xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất ma túy tổng hợp? Đó không chỉ là băn khoăn chung của xã hội mà chắc hẳn chính những người trong ngành phòng, chống tội phạm ma túy cũng muốn làm rõ để có cơ chế, giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy nói chung và đẩy lùi hoạt động sản xuất trái phép ma túy tổng hợp nói riêng.

Theo số liệu của TANDTC thì từ 1/10/2009 đến 30/9/2016, ngành Tòa án đã thụ lý 50 vụ với 109 bị cáo về tội Sản xuất trái phép các chất ma túy; 19 vụ với 25 bị cáo về tội Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy. Báo cáo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy (C47, Bộ Công an) ghi nhận chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng công an toàn quốc phát hiện, bắt giữ 26 vụ sản xuất trái phép các chất ma túy. Cảnh sát thu giữ tang vật đều là ma túy dạng đá.

Đàm Lan

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin