Không chỉ lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, gần đây hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) đã diễn ra rất sôi động ở lĩnh vực sản xuất, phân phối. Tuy nhiên, có tới 80% các thương vụ này không thành công như mong đợi. Sau M&A, nhiều doanh nghiệp (DN) mới biết đã tổn thất nặng nề do chưa đánh giá đúng giá trị thương hiệu hay tài sản vô hình.
[caption id="attachment_142648" align="aligncenter" width="410"] Ảnh minh hoạ[/caption]
Khi M&A do không có nền tảng pháp lý cũng như kinh nghiệm để định giá thương hiệu nên DN trong nước dễ choáng ngợp trước giá trị tính bằng tiền mà phía DN nước ngoài đưa ra và thường "bỏ quên" giá trị vô hình của thương hiệu do mình gầy dựng.
Dễ... bán hớ
Điển hình là câu chuyện về các thương hiệu kem đánh răng đình đám P/S, Dạ Lan từ những năm 90 của thế kỷ XX. Từng chiếm 60 - 70% thị phần trong nước, sau đó đã lần lượt được bán cho Unilever, Colgate với giá 5 triệu USD và 3 triệu USD. Ở thời điểm những năm 90 thì số tiền này khá lớn. Tuy nhiên, theo định giá của một số chuyên gia thì giá tại thời điểm đó phải là 20 triệu USD.
Hay mới đây là việc bán thương hiệu bia Huda (Huế) cho Carlsberg, Đan Mạch với giá 1.800 tỷ đồng, trong đó giá trị thương hiệu được định giá là khoảng 1.100 tỷ đồng, còn lại là giá trị hữu hình của DN. Theo một số chuyên gia thương hiệu Huda đã bị định giá thấp hơn thực tế rất nhiều.
Một trong các cơ sở để khẳng định điều này là số tiền Carlsberg nộp ngân sách mỗi năm lên tới 800 tỷ đồng. Chỉ sau khoảng 2, 3 năm, Carlsberg đã có thể mua cả một thương hiệu bia có thị phần lớn nhất ở ba tỉnh miền Trung Việt Nam.
Ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc công ty Mibrand, đại diện của Brand Finance, công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, cho rằng sẽ là một tổn thất rất lớn cho các DN Việt Nam khi chọn con đường liên doanh, liên kết trong khi không tiến hành định giá được giá trị vô hình một cách bài bản, hiệu quả.
Theo ông Mạnh, sự hiểu biết và đánh giá đúng giá trị của tài sản vô hình đồng thời biết quản lý tài sản này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh của DN. Tài sản vô hình ở các nước có nền kinh tế lớn mạnh thường chiếm tỷ trọng rất cao trong tài sản các công ty, như chiếm hơn 80% giá trị của 500 công ty trong danh sách tính chỉ số S&P500 của thị trường chứng khoán Mỹ. Microsoft, Yahoo định giá giá trị tài sản vô hình lên đến 98 - 99% tổng tài sản.
Tương tự, tên tuổi của các thương hiệu McDonalds hay Gloria Jeans chiếm trên 70% tổng giá trị tài sản DN. Trên sàn chứng khoán, trị giá thương hiệu chiếm ít nhất 1/3 giá trị cổ phiếu. Trong khi đó, theo Brand Finance, ở Việt Nam đóng góp vào tài sản vô hình chỉ có 38%. Điều này cho thấy thương hiệu cần phải được chú trọng nhiều hơn trong việc thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh tổng thế.
Cần cấp bách luật hóa
Theo ông Mạnh, để làm được điều này, trước tiên Việt Nam cần xác lập tính pháp lý của giá trị thương hiệu. Bởi thương hiệu chính là tài sản vô hình mang lại nhiều giá trị nhất cho cổ đông và DN. Thương hiệu mạnh tỷ lệ thuận với kết quả kinh doanh.
Hiện nay, trước áp lực cổ phần hóa các DN lớn (của Nhà nước), trước áp lực tài chính, áp lực cạnh tranh trong hội nhập, do năng lực còn non yếu về kỹ thuật, công nghệ, trình độ quản lý, các DN trong nước thường quyết định liên kết liên doanh với DN nước ngoài.
Ngoài những tổn thất trong khi tiến hành cổ phần hóa, tiến hành các hoạt động M&A, thì việc thương hiệu chưa được luật hóa là tài sản vô hình cũng gây trở ngại cho DN đang có nhu cầu hay cơ hội cổ phần hóa, mua bán sáp nhập.
Công ty cổ phần Kinh Đô và Công ty kiểm toán Ernst & Young (E &Y) từng phải theo đuổi cuộc tranh chấp kéo dài nhiều năm về việc kiểm toán viên của E &Y không thừa nhận 50 tỷ đồng giá trị thương hiệu của Kinh Đô với lí do tài sản vô hình chưa được quy định trong Luật Kế toán Việt Nam.
Cũng mới đây, tại Diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo (IIBF) do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC) tổ chức, bà Nguyễn Thị Hoè, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova cho biết, dù nhận được rất nhiều lời mời liên doanh, nhượng quyền thương hiệu nhưng bà vẫn e ngại những thiệt hại vì việc chuyển giao công nghệ làm sơn vỏ trấu có liên quan đến tài sản vô hình (gồm: bằng sáng chế, bí quyết thương mại) trong khi giá trị này chưa có được tính pháp lý tại Việt Nam.
Hiện tại, M&A vẫn đang diễn ra liên tục và ngày càng sâu rộng. Trong khi đó chúng ta vẫn chưa có đủ công cụ pháp lý cho hoạt động định giá thương hiệu. Việc luật hóa tài sản vô hình là điều cần thiết và cấp bách vì đây chính là công cụ đắc lực để giảm thiểu tổn thất cho DN trong quá trình phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Cafebiz