Cần hoàn thiện và nâng cao vai trò pháp lý của các chủ thể tham gia quản lý, thanh lý tài sản trong Luật Phá sản

(Pháp lý). Luật Phá sản 2014 có quy định về chủ thể tham gia quản lý, thanh lý tài sản mang tư cách pháp lý độc lập với tính chất hoạt động nghề nghiệp, đó là: quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Tuy nhiên thực tiễn thực thi các chế định này còn nhiều bất cập, vướng mắc, đòi hỏi pháp luật phá sản cần nâng cao vai trò pháp lý của các chủ thể đặc biệt này.
1-1726030761.jpg

Ảnh minh hoạ

1. Chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Có ba (03) loại chủ nợ được quy định lần lượt tại các Khoản 4, 5, 6 tại Điều 4 Luật Phá sản 2014 như sau: chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần. Tuy nhiên, Luật Phá sản 2014 vẫn quy định quyền chủ động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản dành cho chủ nợ không có bảo đảm hoặc chủ nợ có bảo đảm một phần (theo Khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014). Thực tế, chủ nợ không có bảo đảm gần như không còn được nhận lại bao nhiêu, thậm chí là không còn tài sản gì để mà chia cho các chủ nợ không có bảo đảm, vì họ nằm sau cuối danh sách thứ tự ưu tiên thanh toán khi tiến hành thanh lý tài sản của doanh nghiệp phân chia trả nợ cho các chủ nợ và các bên có liên quan. Vì vậy, quyền chủ động này đối với chủ nợ không có bảo đảm thật sự không có ý nghĩa đối với họ, trong khi đó họ còn phải mất thời gian tiến hành thủ tục nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, vì vậy trên thực tế chủ nợ không có bảo đảm thường không tha thiết chủ động tiến hành thủ tục nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Ngoài ra, cho dù có tài sản bảo đảm nhưng thiết nghĩ, họ vẫn là chủ nợ thì quyền lợi của chủ nợ có bảo đảm vẫn cần phải được pháp luật bảo hộ ngay từ giai đoạn đầu của quy trình thủ tục phá sản doanh nghiệp, đó là quyền được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

2. Cần hoàn thiện và nâng cao vai trò pháp lý của các chủ thể tham gia quản lý, thanh lý tài sản trong Luật Phá sản

 Luật Phá sản 2014 có quy định bổ sung về chủ thể tham gia quản lý, thanh lý tài sản mang tư cách pháp lý độc lập với tính chất hoạt động nghề nghiệp, đó là: quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

(a) Quản tài viên

- Quản tài viên được quy định tại Khoản 7 Điều 4 Luật Phá sản 2014. Liên quan đến việc xác định địa vị pháp lý của quản tài viên, Luật Phá sản dành ba (03) điều luật để quy định, cụ thể tại Điều 12 “Điều kiện hành nghề quản tài viên” và Điều 15 “Thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên” và Điều 16 “Quyền, nghĩa vụ của Quản tài viên...”. Có thể nói chế định về “quản tài viên” được quy định trong Luật Phá sản là một bước tiến bộ của nền lập pháp Việt Nam, khi đã  biết học tập và theo kịp với kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn khá sơ sài về chế độ pháp lý của chủ thể này được quy định trong Luật Phá sản 2014. Vai trò của quản tài viên rất quan trọng trong quá trình giải quyết phá sản của doanh nghiệp, cụ thể là quản tài viên là người kiểm soát toàn bộ tài sản của con nợ (doanh nghiệp phá sản), phải bảo đảm việc thanh lý tài sản một cách công bằng cho các chủ nợ; đại diện cho con nợ đối thoại và làm việc với các chủ nợ; đưa ra các giải pháp giúp con nợ xử lý thỏa đáng các khoản nợ. Tóm lại, quản tài viên đóng vai trò là nhịp cầu trung gian giữa con nợ với chủ nợ.

Vì vậy, Luật Phá sản cần hoàn thiện hơn về những nội dung cụ thể liên quan đến địa vị pháp lý của quản tài viên, cụ thể như tiêu chuẩn hành nghề, trách nhiệm pháp lý của quản tài viên, các tranh chấp phát sinh liên quan tới quá trình thực hiện nghiệp vụ của quản tài viên khi tham gia quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp. Thiết nghĩ có thể dành một chương trong đạo luật để quy định về tư cách pháp lý của quản tài viên.

(b) Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

- Khái niệm về doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định tại Khoản 8 Điều 4, còn tư cách pháp lý của doanh nghiệp được quy định tại Điều 13 và nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp tại Điều 16. Có thể nói, có quá ít điều khoản pháp luật được ban hành nhằm xác định địa vị pháp lý của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Cũng như quản tài viên, việc nhà lập pháp Việt Nam ban hành quy định về chủ thể độc lập tham gia vào quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp qua hình ảnh “doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” trong Luật Phá sản 2014 là một điểm tiến bộ. Hoạt động kinh doanh của loại doanh nghiệp này là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ít ra trong Luật Phá sản có đề cập đến; nhưng thiết nghĩ đề góp phần nâng cao vị thế của Luật Phá sản trong hệ thống pháp luật quốc gia cũng như để những nội dung quy định của đạo luật này ngày càng mang tính thiết thực, minh bạch thì các nhà làm luật nên xem xét hoàn thiện ngay chính trong nội dung của Luật Phá sản về chế định “doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” với những nội dung cụ thể hơn về phạm vi, chức năng hoạt động của doanh nghiệp; trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc phá sản doanh nghiệp...

- Loại hình doanh nghiệp được thành lập để hoạt động quản lý, thanh lý tài sản theo Luật Phá sản hiện hành chỉ gồm có: doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh. Ý định của nhà làm luật khi xác lập loại hình doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này là nhằm ràng buộc “trách nhiệm vô hạn” của người chủ doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp tư nhân) hoặc thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh). Tuy nhiên, thiết nghĩ ngành nghề kinh doanh này đúng là cần phải đáp ứng điều kiện kinh doanh (ngành nghề đặc thù) theo yêu cầu riêng biệt, nhưng việc giới hạn loại hình doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực này xem ra sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp do bị khống chế việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp để thành lập.

Ths. Phan Thỵ Tường Vi (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin